Sáng 10/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19 tới các mặt của đời sống xã hội.
Cần đưa ra các cơ chế, chính sách cụ thể, trúng và đúng
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ cho biết, 4 nội dung bàn thảo hôm nay rất quan trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và đang gây hệ luỵ lớn với nền kinh tế toàn cầu.
Tại nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đã đưa ra đối sách kịp thời, quyết liệt, đưa ra phương châm “chống dịch như chống giặc”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi, hiệu triệu toàn quốc chung tay chống COVID-19, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc cùng chống dịch. Do đó, kết quả ban đầu là đáng mừng.
Tuy nhiên, thực tế là trên thế giới, COVID-19 đang gây hệ luỵ lớn. Nền kinh tế của nước ta trong bối cảnh hội nhập sâu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, toàn diện đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế; làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân, tác động trực tiếp đến các ngành xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động việc làm,... Nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô...
Theo Thủ tướng, những vấn đề như vậy đặt ra cấp bách đối với nước ta thời gian tới, mang tính sống còn đối với khu vực sản xuất kinh doanh và phần lớn các loại hình doanh nghiệp của Việt Nam. Nếu không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ, gãy.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị . Ảnh: TH. |
Thủ tướng nhấn mạnh: "Hội nghị này có thể gọi là hội nghị trực tuyến 4 trong 1, hay có thể gọi là tất cả trong 1, nhằm huy động tổng lực các nguồn lực đất nước với một khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh COVID-19; đồng thời cần nỗ lực vượt khó vươn lên trong sản xuất và đời sống...”.
Theo đó, nhiệm vụ của chúng ta là đảm bảo thực hiện nghiêm túc các biện pháp, trước hết không để dịch lây lan, sớm khống chế dịch bệnh. Thách thức đặt ra không chỉ có vậy, chúng ta phải làm sao biến nguy thành cơ. Sau dịch COVID-19 phải làm sao để nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù những tổn thất rất to lớn do dịch mà còn thực hiện tầm nhìn và quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường.
“Trong lịch sử, Việt Nam chưa từng chùn bước trước khó khăn, luôn mạnh mẽ và đứng cao hơn thách thức nhờ khí phách dân tộc, sự quyết tâm, đồng thuận trên dưới một lòng. Điều này đã và cần được phát huy không chỉ trong chống COVID-19 mà ngay trong thời gian tới để khắc phục sự đổ gãy của nền kinh tế", Thủ tướng nêu rõ.
Dẫn lại câu nói của Darwin, cha đẻ của Thuyết tiến hóa, rằng không phải loài mạnh nhất sẽ sống sót, thay vào đó, loài có khả năng thích ứng trước sự thay đổi tốt nhất mới là loài sống sót, Thủ tướng nêu rõ, sự thích ứng, quyết tâm của chúng ta rất quan trọng để vượt qua thách thức, khó khăn hiện nay.
Vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu Hội nghị cần đưa ra được các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đúng và trúng để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống trong thời gian có dịch, đặc biệt thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch, “như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày, phải bật ra, đuổi kịp với thời gian”.
Hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế
Báo cáo về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Tại Việt Nam, tác động của dịch COVID-19, là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.
Các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra đều giảm mạnh; chi phí để duy trì hoạt động trở thành gánh nặng trong khi dòng tiền dần thiếu hụt; doanh thu sụt giảm, thậm chí thua lỗ; khả năng cầm cự không thể kéo dài; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng cao so với cùng kỳ. Đặc biệt tại một số ngành, lĩnh vực như du lịch, lưu trú, nhà hàng cắt giảm từ 70-80%.
Nhấn mạnh, dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, xắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết.
“Cần đánh giá các tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế đất nước; nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới. Hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch. Tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin: Nếu diễn biến dịch có xu thế đi ngang như hiện nay, ước tính trong Quý II/2020 sẽ có trên 250 nghìn lao động trong DN bị mất việc làm và 1,5 -2 triệu lao động bị ngừng việc.
Trường hợp bùng phát mạnh hơn, ước tính trong Quý II sẽ có 400 nghìn lao động trong DN bị mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo Bộ trưởng, việc triển khai Nghị quyết hiệu quả sẽ góp phần cùng nhân dân, người lao động vượt qua khó khăn, ổn định lòng dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng: Trước tác động của tình hình dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp về chính sách tài khoá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Cụ thể, đề xuất thực hiện gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, thí, lệ phí, tiền thuế đất với tổng mức khoảng gần 200 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ DN và người dân; Phối hợp tính toán để điều chỉnh giảm giá một số hàng hoá, dịch vụ đầu vào quan trọng như giá điện. Đối với các mặt hàng khác như: than, gas, xăng dầu hiện đang thực hiện theo cơ chế thị trường; Đảm bảo cân đối chi đầu tư phát triển và an sinh xã hội.
“Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút, thì việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế”, Bộ trưởng Tài chính nói./.