Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều tối 1/7. Như thông lệ, buổi họp báo diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đây được đánh giá là Phiên họp quan trọng để nhìn lại những kết quả 6 tháng đầu năm, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho 6 tháng cuối năm; cũng như giải quyết một số vấn đề quan trọng khác.
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại cuộc họp báo |
Vừa phòng chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Mở đầu họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cung cấp một số thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. Theo đó, các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, cũng như phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Về kinh tế-xã hội, Chính phủ thống nhất nhận định, trong 6 tháng qua, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cơ hội, thách thức đan xen. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là từ cuối tháng 4, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hầu hết các lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước, chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; chiến lược tiêm chủng vaccine được chỉ đạo triển khai quyết liệt.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (1,82%). Lạm phát ở mức thấp; chỉ số CPI bình quân 6 tháng tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng tích cực, đạt 3,69%, cao nhất trong 5 năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt trên 316 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%.
Công tác an sinh xã hội được chú trọng. Các phương án tổ chức kỳ thi THPT năm 2020-2021 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp được rà soát, chuẩn bị kỹ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tình hình kinh tế thế giới dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng còn nhiều rủi ro, thách thức. Trên cơ sở đánh giá sát và phân tích kỹ tình hình, Chính phủ khẳng định, nhất quán quan điểm là phải kiên định mục tiêu, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện hài hòa, thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trên tinh thần này, Chính phủ yêu cầu từng thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, quyết liệt hành động, không để công việc trì trệ; đổi mới tư duy, phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng bám sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình để đưa ra quyết sách kịp thời, chính xác, đạt hiệu quả cao nhất.
Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch
Tại họp báo, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã thông tin về những nội dung nổi bật của Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký chiều cùng ngày. Đây được đánh giá là những nội dung đang được dư luận hết sức quan tâm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Nghị quyết 68 và các chính sách hỗ trợ kỳ này tập trung vào 2 đối tượng chủ yếu là người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo 4 nguyên tắc cơ bản: Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ, không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.
Việc hỗ trợ ngân sách Nhà nước được thực hiện như sau: Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương trên 60% tự bảo đảm kinh phí thực hiện.
Ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương còn lại theo nguyên tắc: 80% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên; 60% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh chưa tự cân đối ngân sách còn lại (ngoài các tỉnh miền núi, Tây Nguyên); 40% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương còn lại.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện theo các nguyên tắc, chế độ hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này.
Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2021
|
Quang cảnh buổi họp báo |
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trên cơ sở số liệu thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP 6 tháng đầu năm 2021 là 5,64% so với cùng kỳ năm 2020. Trên cơ sở cập nhật phương án tăng trưởng 6 tháng năm 2021, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 theo các quý còn lại cụ thể như sau:
Kịch bản 1, trong trường hợp dịch COVID-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 7/2021, không có các ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra là 6,0%. Trong đó quý III tăng 6,2%; quý IV tăng 6,5%.
Kịch bản 2, trong trường hợp dịch COVID-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 6/2021, không có các ổ dịch tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng theo NQ 01/NQ-CP là 6,5%. Với kịch bản 2, quý III dự kiến tăng 7%; quý IV tăng 7,5%.
Theo đánh giá của ông Trần Quốc Phương thì kế hoạch trong thời gian tới sẽ hết sức khó khăn.
Quyết tâm dập dịch tại thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian sớm nhất
Thông tin tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết dịch tại thành phố Hồ Chí Minh cơ bản được kiểm soát, nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các tỉnh phía Nam trên tinh thần quyết liệt và hiệu quả. Bộ Y tế đã đặt tổ công tác đặc biệt, thường trực do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo tại thành phố Hồ Chí Minh gồm nhiều chuyên gia có kinh nghiệm từ các đợt dịch khác, có liên quan tới mảng dịch tễ, truy vết, xét nghiệm…
"Tổ công tác đã phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh để hy vọng dập dịch trong thời gian sớm nhất. Bộ Y tế cùng tổ công tác cũng đã và đang chuẩn bị mọi phương án đối phó trong đó có cả thành lập bệnh viện dã chiến; ưu tiên tiêm vaccine cho người dân thành phố; tạo điều kiện để thành phố chủ động đàm phán mua thêm vaccine…” – Thứ trưởng Trần Văn Thuấn Thuấn nói.
Về nghiên cứu vaccine, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định Chính phủ đang hết sức quan tâm tới vấn đề này. Từ tháng 5/2020, Bộ Y tế đã gặp gỡ các tổ chức nghiên cứu để bàn con đường ngắn nhất để có vaccine, nhất là trong bối cảnh kinh phí có hạn. Bộ Y tế cử các nhà khoa học có kinh nghiệm, tham vấn các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để sản xuất vaccine ở Việt Nam, giúp xây dựng đề cương rút ngắn tối đa quy trình phê duyệt vaccine. Dựa trên kết quả nghiên cứu, Hội đồng đạo đức sẽ nghiên cứu, xem xét và đề xuất phù hợp tùy theo kết quả, tùy theo tình hình dịch, tùy theo tình hình cung ứng vaccine./.