Quyết toán ngân sách: Không để “sự đã rồi”...

Thứ tư, 15/06/2016 14:56
(ĐCSVN) – Khi quyết toán ngân sách nhà nước cần phải thực hiện theo đúng tinh thần Hiến pháp, không để tái diễn tình trạng quyết dự toán rồi, nhưng chi tiêu vẫn vượt lên và tới khi quyết toán thì “sự đã rồi”...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Đây là vấn đề được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đưa ra trong phiên thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014 sáng 15/6.

Vẫn những hạn chế cũ

Theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán thu cân đối NSNN năm 2014 là 1.130.609 tỷ đồng, trong đó thu theo dự toán được Quốc hội quyết định là  877.697 tỷ đồng, tăng 12,1% (94.997 tỷ đồng) so với dự toán.

Báo cáo trước UBTVQH, cơ quan thẩm tra Tờ trình của Chính phủ là Ủy ban Tài chính, ngân sách và Kiểm toán Nhà nước đều chỉ ra những hạn chế đã tồn tại nhiều năm trong quản lý NSNN.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, năm 2014, với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, thu NSNN năm 2014 đã vượt 12,1% so với dự toán. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách nhận thấy nổi lên một số hạn chế như: ở nhiều địa phương công tác xây dựng dự toán còn thiếu tích cực; công tác xử lý nợ đọng thuế chưa thực sự kiên quyết; quản lý thuế còn sơ hở, việc xử lý các vi phạm còn khiêm tốn, áp dụng chế tài chưa đủ răn đe nên thất thu ngân sách còn nhiều; tình trạng khai man, gian lận, trốn thuế xảy ra ở hầu hết các doanh nghiệp được thanh tra, kiểm toán... Đặc biệt, Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách chỉ rõ, công tác quản lý, hạch toán thu NSNN tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Quảng Ngãi còn biểu hiện chưa tốt, chuyển số thu sang niên độ ngân sách năm sau làm sai lệch thực chất số liệu quyết toán NSNN .   

Về quyết toán chi NSNN, cơ quan thẩm tra đánh giá, qua quyết toán chi NSNN năm 2014 thấy nổi lên một số vấn đề: một số khoản chi của một số địa phương xây dựng dự toán chưa thực sự căn cứ vào nhiệm vụ thực tế, giao dự toán chi đầu tư phát triển không phù hợp với danh mục dự kiến kế hoạch vốn, bố trí vốn cho một số dự án chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư, xây dựng và giao kế hoạch vốn đầu tư ngoài nước chưa phù hợp... Chi đầu tư xây dựng cơ bản còn hạn chế, sai phạm trong các khâu của quá trình đầu tư vẫn xảy ra nhưng chậm được khắc phục, xử lý chưa kiên quyết, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí. Tình trạng chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật về đấu thầu diễn ra khá phổ biến trong tất cả các khâu từ chuẩn bị đầu tư, quá trình đầu tư đến hoàn thành quyết toán đưa vào sử dụng...

Còn theo Kiểm toán Nhà nước, qua kiểm toán quyết toán NSNN năm 2014, đã phát hiện nhiều sai phạm, bất cập trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Cụ thể: kiến nghị tăng thu đối với niên độ NSNN năm 2014 là 8.565,6 tỷ đồng; giảm chi 5.562 tỷ đồng; nợ đọng phát hiện tăng thêm 2.238,5 tỷ đồng; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 3.363,3 tỷ đồng; các khoản xử lý khác 134,1 tỷ đồng. Ngoài các vấn đề về tài chính, Kiểm toán Nhà nước còn phát hiện và kiến nghị nhiều vấn đề về hạn chế, bất cập của chính sách hiện hành...

Xử lý nghiêm theo tinh thần Hiến pháp

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến đề nghị khi quyết toán NSNN cần phải thực hiện theo đúng tinh thần Hiến pháp, không để tái diễn tình trạng quyết dự toán rồi, nhưng chi tiêu vẫn vượt lên và tới khi quyết toán thì “sự đã rồi”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị xem lại các con số trong báo cáo của Bộ Tài chính vì thực tế, 3 năm gần đây lặp đi lặp lại tình trạng trong các tháng 4, tháng 5, tháng 6 đều nhận định là khả năng không thu đủ ngân sách theo dự toán. Nhưng đến tháng 9 khi Quốc hội sắp họp lại nhận định là có thể thu đủ và vượt; sang tháng 10, tháng 11 khi Quốc hội họp thì báo cáo vượt thu rất nhiều. Trong khi đó, gần 50% nguồn thu ngân sách nhà nước chủ yếu từ dầu thô, mà giá dầu thô giảm mạnh nhưng thu ngân sách vẫn vượt và vượt rất nhiều là vấn đề cần xem xét lại. Theo ông, một thực tế đáng buồn nữa là quyết toán ngân sách hàng năm, chi luôn vượt dự toán, có hiện tượng doanh nghiệp thì chuyển giá, còn cơ quan tài chính thì chuyển nguồn, chuyển hạch toán.

“Tôi đề nghị cần phải nghiêm túc, thực hiện đúng Hiến pháp và đúng luật” – ông Phan Trung Lý chốt lại phần phát biểu.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, những hạn chế, tồn tại gần như năm nào quyết toán ngân sách cũng có và xoay quanh chuyển nguồn, chuyển giá, chi không đạt dự toán, chi không có dự toán, chi vượt dự toán. Thu thì để nợ đọng thuế, hoàn thuế thì không đủ. “Từ hồi nào tới giờ nói rất nhiều nhưng đều cho qua, lần này cần chấp hành nghiêm tinh thần Hiến pháp và pháp luật. Quan điểm của Ủy ban Tài chính, ngân sách lần này là mạnh mẽ” – Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Kết luận thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, công tác quản lý NSNN năm 2014 có nhiều tiến bộ, công khai hơn, minh bạch hơn, xử lý cương quyết hơn. Tuy nhiên, qua báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách thì thấy rằng công tác quản lý NSNN, cả thu, chi còn nhiều tồn tại, thậm chí sai phạm ở mức độ khác nhau.

Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích, đây là năm đầu tiên thực hiện Hiến pháp, mà theo Hiến pháp tất cả những khoản thu phải có dự toán. Dự toán thu là dự toán Quốc hội cho phép, cơ quan hành pháp phải thực hiện thu và thu đúng, thu đủ, dựa vào căn cứ pháp luật là hệ thống thuế, phí, lệ phí. Nhưng dự toán chi khác, không  được mở  như dự toán thu mà giới hạn. “Chẳng hạn đã cho bội chi là 224 nghìn tỷ thì dứt khoát vậy, không được thấp hơn hay cao hơn, đây là nguyên tắc khác hẳn thu” – ông nói.

Về việc Kiểm toán Nhà nước khẳng định Cục thuế và Kho bạc nhà nước tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Ngãi chuyển một số khoản thu thuộc niên độ NSNN năm 2014 sang năm 2015 số tiền 5.650,7 tỷ đồng làm giảm số thu NSNN năm 2014 là sai niên độ, nhưng Bộ Tài chính giải trình là do sai sót trong khâu lập chứng từ, nên thiếu thông tin hạch toán thu NSNN, khi rà soát lại đã hạch toán thu NSNN vào tháng 01/2015, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước xem xét lại, nếu đúng thì chấp nhận.

Về bội chi tăng lên 36.145 tỷ, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định đây là khoản chưa có dự toán. Theo ông, đã là dự toán phải do Quốc hội quyết định nên chưa chấp nhận đưa vào quyết toán NSNN, yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét và quyết định.  “Nếu Quốc hội đồng ý bổ sung bằng một nghị quyết bổ sung dự toán NSNN xung vào năm 2014 hay 2015, 2016 là quyền Quốc hội, phải thực hiện nghiêm” - ông nói.

Cuối buổi sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực