Ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”

Thứ năm, 09/03/2023 15:24
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Sách trắng "Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản về tôn giáo, chính sách tôn giáo, thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, thách thức cần vượt qua và những hướng ưu tiên nhằm thúc đẩy việc thụ hưởng ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
 Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”.

Sáng 9/3, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” nhằm giúp độc giả trong và ngoài nước hiểu rõ và đầy đủ về chính sách tôn giáo, đời sống tôn giáo ở nước ta.

Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” dày 132 trang gồm 03 chương: Giới thiệu thông tin cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam; quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; những quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; thành tựu, thách thức và ưu tiên của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Phần phụ lục giới thiệu một số hình ảnh về tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam; số liệu về tôn giáo; danh mục tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; Điều 24, Hiến pháp 2013 của nước CHXHCN Việt Nam.

Sách trắng khẳng định các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo: "Không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị ngăn cấm". Người dân cũng hoàn toàn tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số, vốn chiếm khoảng 14% dân số.

Phát biểu tại buổi ra mắt Sách trắng, ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, cho biết Việt Nam là một quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời, có 54 dân tộc với nhiều tôn giáo khác nhau. Hiện nay, ở Việt Nam có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự; có hàng nghìn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung (trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam).

Ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, phát biểu tại lễ ra mắt Sách trắng. 

Nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, ngay từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1946) và các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau này đều luôn khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong các quyền cơ bản của con người. Đặc biệt, bản Hiến pháp được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 28/11/2013 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 chứa đựng những nội dung mới về quyền con người, thể hiện bước tiến mới về tư duy Nhà nước pháp quyền và thể chế hóa quyền con người ở Việt Nam, phù hợp với các chuẩn mực được nêu lên trong các công ước quốc tế về quyền con người.

Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định, thực hiện các nguyên tắc hiến định, Nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, dân chủ, công bằng và văn minh.

"Nhờ vậy, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực: Sự trở lại niềm tin tôn giáo, sự gia tăng số lượng chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra với quy mô lớn, thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham dự" -  ông Nguyễn Tiến Trọng thông tin.

Việt Nam hiện có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm 27% dân số cả nước. Phật giáo chiếm số lượng nhiều nhất cả về tín đồ lẫn cơ sở thờ tự, kế đến là Công giáo. Cho đến nay, Nhà nước Việt Nam đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 4 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo, theo đó các hoạt động tôn giáo như: đào tạo chức sắc, xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự, quan hệ quốc tế,…) của tổ chức, cá nhân tôn giáo diễn ra thuận lợi theo quy định của pháp luật, đã và đang đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo quần chúng nhân dân và có những đóng góp tích cực đối với đời sống xã hội./.

Tin, ảnh: Thu Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực