Ngày 6/10, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức ra mắt Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội. Trung tâm hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập có thu, có trụ sở chính tại số 3 phố Chu Văn An, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông.
|
Trao quyết định thành lập Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội. |
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Phi Thường, mô hình hoạt động này được xây dựng, phát triển trên cơ sở của Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội trước đây nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới. Hiện trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 2,5 triệu lao động thuộc các thành phần kinh tế. Tính riêng trong 9 khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có khoảng 170.000 lao động, chủ yếu là lực lượng lao động ngoại tỉnh. Vấn đề an ninh trật tự, nhà ở, nhà trẻ và đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ công nhân lao động là nhu cầu đòi hỏi bức thiết của người lao động.
Việc phát triển Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn thành Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội là tiền đề tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ, quan tâm đầu tư kinh phí, gắn hoạt động của Trung tâm với nhu cầu của số đông công nhân lao động nhằm tạo bước chuyển biến mạnh về hoạt động tư vấn và hỗ trợ công nhân lao động trong thời gian tới.
Từ đó, đáp ứng những nhu cầu của đoàn viên, người lao động về tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; sinh hoạt văn hóa, thể thao; tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ thiết yếu như kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản, tình bạn - tình yêu, chăm sóc con cái, mua bán hàng hóa, giới thiệu việc làm, chọn nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, thuê nhà trọ, tìm trường học cho con, lựa chọn nơi khám chữa bệnh, tiếp cận các tổ chức tín dụng, các hoạt động xã hội, từ thiện, tiếp nhận các hoạt động tình nguyện.
|
Khám sức khoẻ miễn phí cho nữ 100 công nhân lao động tại lễ ra mắt Trung tâm. |
Chứng kiến lễ ra mắt, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh nhấn mạnh, trong bối cảnh thực thi Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã và đang ký kết, thực hiện, dự báo tương lai gần sẽ xuất hiện tổ chức đại diện người lao động khác, cạnh tranh trực tiếp với tổ chức Công đoàn Việt Nam. Điều này đòi hỏi Công đoàn các cấp phải đổi mới, hướng vào việc thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Lưu ý Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội là mô hình hoạt động không chỉ mới với Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội mà còn với cả tổ chức Công đoàn, Phó Chủ tịch Phan Văn Anh đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố triển khai một số nhiệm vụ để trung tâm hoạt động có hiệu quả, từ hỗ trợ Ban Chấp hành Công đoàn các cấp triển khai thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật đến tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đoàn viên công đoàn và người lao động…
Tại lễ ra mắt, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tặng quà cho 30 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn và tặng sổ tiết kiệm cho 2 gia đình đặc biệt khó khăn; tổ chức tư vấn pháp luật, đối thoại trực tuyến và khám sức khỏe miễn phí cho nữ công nhân lao động.
Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2023, Trung tâm sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ và cộng tác viên chuyên nghiệp, đủ về số lượng, chuyên sâu trong lĩnh vực pháp luật lao động, công đoàn. Phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 70% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức Công đoàn có nhu cầu tư vấn và tranh tụng, sẽ có đại diện công đoàn tham gia; đến năm 2025, ít nhất từ 70% trở lên đoàn viên công đoàn được tiếp cận và được công đoàn hỗ trợ về các dịch vụ thiết yếu; được tư vấn, hỗ trợ pháp lý khi có nhu cầu./.