Sáng suốt lựa chọn người đại biểu của Nhân dân

Thứ bảy, 21/05/2016 10:54
(ĐCSVN) - Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà.


Cử tri là nhân tố quyết định cuối cùng trong quá trình bầu cử (Ảnh minh họa: Đình Tăng)

Chủ nhật này - ngày 22/5/2016, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức trên phạm vi cả nước. Hơn 69 triệu cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn những người có đức, có tài để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội; 3.918 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 24.993 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; 294.055 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh nước ta tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tổ chức bộ máy nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 mới được ban hành.

Cần phải nhấn mạnh, trong bộ máy nhà nước ta, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Còn Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng.

Với vị trí, vai trò quan trọng của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong bộ máy Nhà nước và xã hội như trên nên cuộc bầu cử là dịp để cử tri cả nước lựa chọn những người có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực Nhà nước. Qua đó, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Xác định rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử này, thời gian qua, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị các điều kiện cho ngày bầu cử. Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố đã tiến hành ba vòng hiệp thương, quyết định cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và triển khai mạnh mẽ mọi công tác chuẩn bị để đảm bảo cuộc bầu cử được tiến hành bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thực sự dân chủ, đúng pháp luật.

Để cử tri gần gũi, hiểu rõ hơn về người ứng cử, cùng việc lập danh sách, tiểu sử của các ứng cử viên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban bầu cử các cấp đã tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri giữa các ứng cử viên với cử tri tại các đơn vị bầu cử. Đây là kênh quan trọng giúp cử tri giao lưu gặp gỡ với người ứng cử, hiểu về chương trình hành động của các ứng cử viên sau khi trúng cử, là cơ sở để cử tri khi cầm lá phiếu đi bầu cử lựa chọn bầu ra những đại biểu xứng đáng đại diện cho quyền lợi của nhân dân.

Đến thời điểm này, có thể khẳng định mọi công tác đã được chuẩn bị hoàn toàn chu đáo. Các điểm bỏ phiếu, khu vực niêm yết danh sách cử tri… đều đã sẵn sàng cho ngày bầu cử. Qua 3 vòng hiệp thương, qua các buổi tiếp xúc cử tri, những ứng viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đều đủ tiêu chuẩn và thực sự xứng đáng là những người đại biểu dân cử.

Cuối cùng, cử tri chính là nhân tố quyết định cuối cùng trong quá trình bầu cử, lựa chọn ra những người đại diện vào cơ quan dân cử. Đối với mỗi cử tri, việc cầm lá phiếu trên tay không chỉ là niềm vinh dự, tự hào, mà còn là trách nhiệm. Trách nhiệm lựa chọn đúng những đại biểu thay mặt hàng chục triệu cử tri, đồng bào để quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc trong chặng đường 5 năm kế tiếp.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó... Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”(1).

Mong rằng, với ý nghĩa to lớn của lá phiếu cử tri, mỗi cử tri cần nhận thức sâu sắc quyền và nghĩa vụ của mình, tìm hiểu, nghiên cứu kỹ tiểu sử các ứng cử viên, tự giác đi bỏ phiếu, sáng suốt lựa chọn những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân./.
-----------------

 (1) - “Bài nói với đại biểu nhân dân Thủ đô trong cuộc ra mắt các vị ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa III ở Hà Nội” (Báo Nhân Dân ngày 15/4/1964).         


 

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực