Sẽ giám sát lời hứa của các “Tư lệnh ngành”

Thứ năm, 06/06/2019 17:50
(ĐCSVN) – Theo các đại biểu Quốc hội, điều quan trọng là việc đưa lời hứa của các “Tư lệnh ngành” thành chương trình hành động kịp thời, cụ thể, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nguyện vọng của cử tri cả nước.

Sau 2,5  ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, trong không khí dân chủ và thẳng thắn, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội đã khép lại.

Theo ghi nhận của các đại biểu Quốc hội, các nội dung chất vấn đúng và trúng những vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội mà nhân dân, cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm. Các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn vào vấn đề được hỏi, không né tránh và đã giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu; đồng thời nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực và cam kết khắc phục tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Đánh giá về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, bên lề hành lang Quốc hội, các đại biểu cho rằng: Mặc dù thời gian nhận nhiệm vụ ngắn, Bộ trưởng Bộ GTVT đã giải quyết được không ít bất cập, vấn đề nổi cộm, bức xúc trong lĩnh vực giao thông. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế còn nhiều vấn đề cần tiếp tục triển khai, đòi hỏi phải có sự nỗ lực quyết liệt hơn nữa để có chuyển biến tích cực.

 

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hoà Bình). Ảnh: TH.


Đại biểu Nguyễn Thanh Hải ( đoàn Hoà Bình),Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, các ĐBQH đã đặt câu hỏi rất trúng và đúng với mong muốn của các cử tri. Đặc biệt là vấn đề liên quan đến việc công khai tại các trạm thu phí; lắp đặt hệ thống thu phí không dừng còn chậm, đạt tỷ lệ thấp; chất lượng các công trình BOT; kiểm soát xe quá khổ quá tải chưa tốt; đặc biệt vấn đề nhiều cử tri quan tâm chất lượng các Trung tâm sát hạch cấp giấy phép lái xe...

Qua phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ĐB Hải nhận định, Bộ trưởng đã bám sát vấn đề. Tuy nhiên, liên quan đến giải pháp về kiểm tra sát hạch đào tạo cấp bằng lái xe khi Bộ trưởng đặt vấn đề "tăng độ khó các bài thi sát hạch cấp giấy phép lái xe và thi thì sẽ rớt", ĐB Hải tỏ ra băn khoăn: “Bản thân tôi đã từng thi lấy bằng lái xe hơn 10 năm rồi. Nếu thực sự làm tốt bài thi và học thật thi thật thì theo tôi đã là khó rồi. Vấn đề đặt ra là nay lại tăng thêm độ khó các bài thi sát hạch thì liệu có phải là hình thức kích cầu cho việc sử dụng bằng giả hay không?”.

Theo ĐB Nguyễn Thanh Hải, quan trọng là việc tổ chức các kỳ thi phải nghiêm túc và có các hình thức thanh, kiểm tra, xử lý thật nghiêm đối với các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe để xảy ra tiêu cực, sai sót. Thậm chí là phải có biện pháp mạnh như đóng cửa các cơ sở này nếu phát hiện ra sai phạm.

Một số vấn đề khác liên quan đến ngành giao thông cũng được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời tương đối rõ ràng. Cụ thể, về 69 công trình của ngành giao thông vẫn đang tồn đọng chưa được giải quyết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đã yêu cầu Quốc hội quan tâm đến việc bố trí vốn cho 69 công trình này vì liên quan đến Luật Đầu tư công từ giai đoạn trước. ĐB Hải đánh giá, đây là câu trả lời rõ ràng, nắm vững lĩnh vực mình quản lý. 

Đồng quan điểm, ĐB Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đánh giá cao trách nhiệm của  Bộ trưởng Bộ GTVT tập trung vào những vấn đề ĐBQH, cử tri quan tâm, đi thẳng vào các nội dung trọng tâm và các giải pháp trên tinh thần “hỏi nhanh, đáp gọn”.

Là người trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ĐB Thúy cho hay, có thể do thời gian còn hạn hẹp, Bộ trưởng chưa trả lời cụ thể câu hỏi về việc sát hạch cấp đổi giấy phép lái xe hiện nay. Cử tri phản ánh một số hiện tượng tiêu cực trong việc cấp giấy phép lái xe nhưng Bộ trưởng chưa đưa ra giải pháp cụ thể.

Theo ĐB Ma Thị Thuý, việc bỏ ngỏ chất lượng các trung tâm sát hạch lái xe là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tai nạn giao thông. Do đó, Bộ GTVT phải quyết liệt ngay từ đầu, kiểm tra các trung tâm sát hạch này, đồng thời phải nâng cao chất lượng các trung tâm sát hạch, đó mới là cái gốc.

Đề cập đến tình trạng xe quá khổ, quá tải diễn ra “hàng ngày, hàng giờ”, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, hiện nay ngân sách Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho các trạm cân điện tử, tuy nhiên theo ghi nhận của ĐB Thúy, trên các tuyến đường còn ít thấy trạm cân. ĐB Ma Thị Thuý cũng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo quyết liệt giảm được tình trạng trên, đồng thời đánh giá thêm về hiệu quả của các trạm cân điện tử mà Bộ GTVT đã đầu tư trong thời gian qua nhằm hạn chế tình trạng xe quá tải, quá khổ.

Đặc biệt, các Bộ trưởng đã hứa với cử tri phải thực hiện một cách nghiêm túc. ĐB Thúy nhấn mạnh, cần giám sát tới cùng lời hứa của các Bộ trưởng. Nếu chưa thực hiện, sẽ tiếp tục gửi văn bản kiến nghị  đến các bộ, ngành.

 

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An). Ảnh: TH.


Theo ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An), hiện nay, các dự án của ngành giao thông vận tải có nhiều tồn tại, trong đó nổi bật là chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng kém. ĐB Cầu cho biết, tại phiên chất vấn này mong muốn Bộ trưởng Bộ GTVT làm rõ 3 vấn đề : Truy đến cùng cá nhân, tập thể nào gây ra tình trạng chậm trễ, đội vốn của các công trình giao thông; khoảng thời gian nào xử lý xong những vấn đề này, chứ không phải chất vấn xong để đấy; cuối cùng  trên cương vị là tư lệnh ngành giao thông, Bộ trưởng có kiến tạo gì để các công trình giao thông trong thời gian tới tốt hơn, đỡ thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu đánh giá Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trả lời thẳng vào các vấn đề ĐBQH, cử tri quan tâm, bức xúc, đồng thời nhận rõ trách nhiệm của mình trong từng nội dung cụ thể. ĐB Cầu bày tỏ tin tưởng, nếu Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thực hiện được lời hứa trước cử tri và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thì chắc chắn trong thời gian tới, việc phát triển hạ tầng giao thông tốt hơn rất nhiều.

Là tư lệnh ngành cuối cùng trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã nhận được đến 64 đăng ký chất vấn của ĐBQH. Các nội dung chất vấn "chạm" tới những vấn đề  xã hội đang "nóng".

Nói về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy ( đoàn Đà Nẵng) đánh giá  khi trả lời chất vấn của các ĐBQH, Bộ trưởng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về những  hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực mình quản lý, đồng thời đã đưa ra các giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, theo ĐB Thúy, lĩnh vực văn hóa rất rộng và trừu tượng, nên đại biểu rất chia sẻ với Bộ trưởng VHTTDL còn một số câu hỏi Bộ trưởng trả lời ĐBQH chưa thỏa mãn, vì vậy có đến 9 đại biểu chất vấn lại.

 

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng). Ảnh: TH.


Liên quan đến sai phạm tại chùa Ba Vàng gây bức xúc dư luận, ĐB Thúy nhận định, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã trả lời thỏa đáng vấn đề này. Bộ trưởng nêu rõ quy định trong xử lý vi phạm hành chính ở mức nào, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm “hành nghề mê tín dị đoan” thì cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan khác. ĐB Thúy cũng cho rằng, nếu như có thêm ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an thì cử tri sẽ có thông tin đầy đủ hơn.

ĐB Hồ Thị Minh ( đoàn Quảng Trị) cũng cho rằng, thời gian qua, việc xử lý hoạt động lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi chưa nghiêm, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, dẫn tới việc các đối tượng “nhờn luật”.

“Tôi hi vọng Bộ VHTTDL sẽ tham mưu để Chính phủ sửa đổi những nghị định quy định liên quan đến xử phạt trong lĩnh vực văn hóa, tôn giáo với chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng tôn giáo để trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan”, ĐB Hồ Thị Minh nói.

Phiên chất vấn đã khép lại, thông qua phiên chất vấn, cử tri và các ĐBQH mong muốn Chính phủ, các cấp, các ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của ĐBQH, của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp và triển khai đồng bộ các giải pháp thiết  thực nhằm tạo chuyển biến tích cực đối với những lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý./.

 

 

 

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực