Sửa đổi Luật Đường sắt: Bổ sung chương mới về đường sắt tốc độ cao

Thứ hai, 12/09/2016 17:15
(ĐCSVN) – Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 12/9 đã bổ sung một chương mới về Đường sắt tốc độ cao.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại phiên họp (Ảnh: KT)

Đề xuất nhiều ưu đãi

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) bao gồm: 09 chương, 95 điều, trong đó giữ nguyên 04/114 điều (chiếm 3,5%); sửa đổi, bổ sung 65/114 điều (chiếm 57%); bãi bỏ 45/114 điều (chiếm 39,5%); bổ sung mới 26 điều.

Một trong những sửa đổi, bổ sung quan trọng của dự luật liên quan đến các chính sách, ưu đãi trong hoạt động đường sắt: Chính sách, ưu đãi phát triển cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt và công nghiệp đường sắt; chính sách, ưu đãi về giá thuê đất đối với đất dùng để xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và đất dùng để xây dựng công trình phục vụ kinh doanh dịch vụ thương mại trong phạm vi đất dành cho đường sắt; chính sách, ưu đãi về tín dụng, về đầu tư...

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, lý do Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung là do vấn đề ưu đãi phát triển kết cấu hạ tầng nói chung có quy định tại các Luật về: Đất đai, Đầu tư, Thuế và các Luật liên quan khác, tuy nhiên đối với lĩnh vực đường sắt nội dung ưu đãi, hỗ trợ vẫn còn rất ít, chưa được toàn diện và chưa tạo sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư, kinh doanh đường sắt. Luật Đường sắt 2005 chưa quy định việc đầu tư các công trình dịch vụ, thương mại hỗn hợp tại các nhà ga như kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các công trình hỗn hợp tại các nhà ga đường sắt để tận dụng tối đa công năng sử dụng đất dành cho đường sắt tại khu vực này và tăng nguồn thu cho ngân sách.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi bổ sung nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư kinh doanh đường sắt, phát triển công nghiệp đường sắt nhằm đáp ứng mục tiêu của Chiến lược, Quy hoạch phát triển đường sắt đã được phê duyệt, khuyến khích phát triển công nghiệp đường sắt, góp phần giảm giá thành sản phẩm đầu vào, tăng tính chủ động trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và vận tải đường sắt.

Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, cơ quan này cơ bản nhất trí với các chính sách trên. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần chỉnh sửa theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt để giao thông đường sắt là yếu tố quan trọng trong việc kiến tạo nên một hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, bền vững, an toàn, hiệu quả và ít xâm hại môi trường; bổ sung thêm chính sách phát triển công nghiệp chế tạo, lắp ráp phương tiện giao thông đường sắt.

Về ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt, cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một số ưu đãi, hỗ trợ khác như quy hoạch, cấp riêng dải tần vô tuyến điện, quỹ số thoại phục vụ điều hành chạy tàu nhất là trong trường hợp phục vụ phòng chống lụt bão, khắc phục sự cố, thiên tai và cứu nạn, cứu hộ...

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, cần thiết phải quy định chính sách ưu đãi nhưng phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm kết nối vùng, liên vùng.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị, Ban soạn thảo làm rõ khi sửa đổi luật thì thị phần của ngành đường sắt là bao nhiêu? Bởi theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thì từ năm 2008 trở lại đây thị phần của ngành đường sắt giảm mạnh so với các phương thức vận tải khác.

Đưa đường sắt tốc độ cao vào dự luật

Dự thảo luật bổ sung một chương mới về Đường sắt tốc độ cao. Chương này quy định về chính sách phát triển, yêu cầu chung đối với đường sắt tốc độ cao, quản lý, bảo trì, quản lý an toàn và các yêu cầu chung khi đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao.

Đây là vấn đề được các thành viên UBTVQH quan tâm bởi năm 2010, Chính phủ từng trình đề án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam với số vốn đầu tư 56 tỷ USD, nhưng sau đó bị Quốc hội bác bỏ. Do đó, nhiều ý kiến lo lắng việc đưa chương này vào dự luật liệu có trái với chủ trương không?.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông lập luận, theo Chiến lược, Quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030: Triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/h đến dưới 200 km/h, đây là công tác chuẩn bị để hoàn thiện và chạy tàu tốc độ ≥ 200 km/h).

Tầm nhìn đến năm 2050: Phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao, khổ 1.435 milimét trên trục Bắc - Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác với tốc độ 350 km/h.

“Từ những yêu cầu trên, Dự thảo Luật đề xuất bổ sung mới một mục về đường sắt tốc độ cao (tốc độ thiết kế ≥ 200 km/h) với các điều chủ yếu quy định về: chính sách phát triển; các yêu cầu chung; đầu tư xây dựng; quản lý, bảo trì và kinh doanh; quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao” - Thứ trưởng cho biết.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, cần thiết đưa đường sắt tốc độ cao, đường tàu điện ngầm vào luật. “Đưa vào không có nghĩa là phải làm ngay mà để ta có cơ sở pháp lý để sau này có điều kiện thì thực hiện” – ông phát biểu.

Cũng đồng tình bổ sung chương về đường sắt cao tốc, song Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, cần phải nghiên cứu thêm vì liên quan tới nhiều vấn đề khác.

Về vấn đề này, thẩm tra dự luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng bày tỏ nhất trí với các quy định về đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao bảo đảm việc triển khai xây dựng trên thực tế các loại đường sắt này theo chiến lược, quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị cần quy định loại hình công nghệ trong đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao cho thuận tiện trong việc chuyển giao công nghệ, bảo trì, sửa chữa các loại đường sắt này. Bên cạnh đó, có ý kiến  đề nghị bổ sung quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, chức danh của nhân viên đường sắt; quy định về phương tiện giao thông đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị đáp ứng yêu cầu đặc thù của các loại đường này; đề nghị cần làm rõ hơn về nguồn tài chính và lộ trình thực hiện; những biện pháp để bảo đảm tính khả thi về đường sắt tốc độ cao./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực