Sửa đổi quy định người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Thứ năm, 21/05/2020 16:32
(ĐCSVN) – Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã bổ sung hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Chiều 21/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về dự án luật. (Ảnh: quochoi.vn) 

Bổ sung hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi nhằm giải quyết 6 chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội trước đây. Đồng thời nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế; đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây.

Mặt khác, sửa đổi nhằm điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.

Dự thảo gồm 8 chương và 79 Điều: Giảm 1 điều so với hiện hành; bãi bỏ 8 điều, bổ sung mới 9 điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 điều của Luật hiện hành.

Về cơ bản, dự thảo Luật (sửa đổi) không mở rộng phạm vi điều chỉnh. Tuy nhiên, dự án Luật đã bổ sung hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Dự thảo Luật có những sửa đổi, bổ sung về các nhóm nội dung như: Về sửa đổi, bổ sung đối tượng ký kết các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài; về minh bạch quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; về chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài...

Đáng chú ý, dự luật bổ sung quy định Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ tài chính ngoài ngân sách; được quản lý bởi Hội đồng quản lý và Ban điều hành quỹ; bỏ nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho quỹ.

Bổ sung quy định về các nội dung được chi từ quỹ. Theo đó,  8 nội dung hoạt động được chi từ quỹ chủ yếu cho hoạt động mang tính chất thúc đẩy phát triển thị trường có chất lượng, phòng ngừa rủi ro khi đi làm việc ở nước ngoài, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật và nâng cao nhận thức trong lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Cần thiết duy trì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước

Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành về sự cần thiết, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật.

Liên quan đến đề nghị bổ sung đối tượng áp dụng, Ủy ban đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo giải trình rõ việc bổ sung quy định này có phù hợp với chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ công, giảm các đơn vị sự nghiệp và có làm phát sinh bộ máy đơn vị sự nghiệp công sử dụng vốn ngoài ngân sách? Việc bảo vệ quyền lợi người lao động trong trường hợp đơn vị sự nghiệp bị giải thể hoặc không còn chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng? .

Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí với đề xuất của Chính phủ về sự cần thiết duy trì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. “Quỹ do doanh nghiệp, người lao động đóng góp, nên các nội dung chi cần hướng đến mục tiêu chính để phục vụ doanh nghiệp, người lao động” - Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo làm rõ sự phù hợp với tinh thần các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệpcông lập, Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội ngày 24/11/2017 giám sát về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả khi dự thảo Luật có sự thay đổi tính chất và địa vị pháp lý của quỹ so với luật hiện hành.

Làm rõ tính không trùng lắp với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, của doanh nghiệp, các quỹ an sinh xã hội, tiền ký quỹ của doanh nghiệp, khoản ký quỹ của người lao động, hợp đồng cung ứng lao động và việc bảo đảm tính khả thi, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị làm rõ cơ sở để quy định việc trích 10% quỹ dùng để chi cho bộ máy quản lý điều hành trong dự thảo văn bản hướng dẫn và tính tương quan với các loại hình quỹ khác./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực