Sửa đổi tiêu chí đánh giá, phân loại viên chức

Thứ sáu, 01/09/2017 10:50
(ĐCSVN) - Phạt 50 triệu đồng khi phát sai dự báo thiên tai; lập kênh tố giác phòng chống bạo lực học đường; sửa đổi tiêu chí đánh giá viên chức; Quy định chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng; cơ chế đặc thù đối với thành phố Hải Phòng... là các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2017.

Khai thác nước dùng cho kinh doanh, dịch vụ mức thu 2%

Theo Nghị định 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước quy định:  

Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất (chủ giấy phép) thuộc một trong các trường hợp sau phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước:

Đối với khai thác nước mặt: Khai thác nước mặt để phát điện; khai thác nước mặt để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi.

Đối với khai thác nước dưới đất: Khai thác nước dưới đất để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi; khai thác nước dưới đất (trừ nước lợ, nước mặn) để nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác với quy mô từ 20 m3/ngày đêm trở lên.

Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được quy định theo mục đích khai thác nước, có giá trị từ 0,1 - 2%.

Khai thác nước dưới đất dùng cho tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác; khai thác nước mặt, nước dưới đất để làm mát máy, thiết bị, tạo hơi thì mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là 0,2%...

Nghị định có hiệu lực từ 1/9/2017.

Lập kênh tiếp nhận thông tin và tố giác việc bạo lực học đường

Nghị định 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường có hiệu lực từ 5/9/2017.

Nghị định gồm 4 chương, 17 điều, quy định cụ thể về địa điểm, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi trẻ em; yêu cầu về tài liệu, học liệu giảng dạy; hoạt động bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường; trách nhiệm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

Nghị định yêu cầu các cơ sở giáo dục, cơ quan liên quan công khai các kênh tiếp nhận thông tin và tố giác việc bạo lực học đường. Song song đó, người học phải được giáo dục và tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, thực hiện phương pháp giáp dục tích cực, không bạo lực với người học,...

Đối tượng áp dụng là tất cả cơ sở giáo dục có người học dưới 18 tuổi.

Phát sai bản tin dự báo thiên tai bị phạt tới 50 triệu đồng. (Ảnh: TH).

Phát sai bản tin dự báo thiên tai bị phạt tới 50 triệu đồng

Nghị định 84/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 173/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ có hiệu lực từ 10/9/2017, trong đó quy định truyền, phát sai lệch bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn bị phạt từ 40 - 50 triệu đồng. Đồng thời, truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn chậm so với thời gian quy định cũng bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định tăng mức phạt vi phạm quy định về giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn so với quy định hiện hành, cụ thể:

Phạt tiền từ 15 triệu đến 20 triệu đồng với hành vi sửa chữa tẩy xóa làm sai lệch nội dung giấy phép (quy định hiện hành là 7 -10 triệu đồng).

Phạt tiền từ 25-30 triệu đồng đối với hành vi hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không có giấy phép theo quy định (quy định hiện hành là 10 – 15 triệu đồng).

Nghị định bổ sung thêm trường hợp phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng đối với hành vi giao cho cá nhân, tổ chức sử dụng giấy phép hoặc sử dụng giấy phép của cá nhân, tổ chức trái quy định.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y phạt đến 100 triệu đồng

Theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y  quy định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thú y là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Cụ thể: Phạt tiền từ 700.000  đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: xử lý môi trường không theo đúng hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y khi có dịch bệnh xảy ra; không thực hiện thu hoạch hoặc chữa bệnh đối với động vật thủy sản mắc bệnh hoặc khử trùng sau thu hoạch, tiêu hủy ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y…

Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng động vật thủy sản để làm giống mang mầm bệnh hoặc mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi không xử lý môi trường khi có dịch bệnh xảy ra.

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: không thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch; đưa động vật thủy sản thu hoạch từ cơ sở nuôi có bệnh đang công bố dịch ra khỏi vùng có dịch mà chưa được sơ chế, chế biến.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2017.

Sửa đổi tiêu chí đánh giá, phân loại viên chức

Có hiệu lực từ 15/9, Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/7/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức quy định, thời điểm đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức được tiến hành trong tháng 12 hàng năm, trước khi thực hiện việc bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm.

Riêng với đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và một số lĩnh vực khác có thời điểm kết thúc năm công tác trước tháng 12 hàng năm, thời điểm đánh giá, phân loại công chức, viên chức do người đứng đầu quyết định.

Nghị định sửa đổi tiêu chí phân loại đánh giá viên chức (không giữ chức vụ quản lý) ở mức hoàn thành nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ theo hướng bỏ yêu cầu phải đáp ứng tiêu chí: Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận.

Một số cơ chế đặc thù đối với thành phố Hải Phòng

Nghị định 89/2017/NĐ-CP ngày 29/07/2017 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng có hiệu lực từ 15/9/2017.

Cơ chế đặc thù này nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của thành phố; tạo điều kiện để thành phố phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của vùng duyên hải Bắc bộ; là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của khu vực phía Bắc và hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc. Qua đó làm đầu tàu kéo theo sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng, khu vực và cả nước nói chung.

Văn phòng Chính phủ quản lý Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính

Nghị định 92/2017/NĐ-CP ngày 7/8/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính có hiệu lực từ ngày 25/9/2017.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/2/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.

Trong đó, về xây dựng Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm xây dựng, quản lý Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thống nhất trong toàn quốc; công bố công khai các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính đã được cấp có thẩm quyền xử lý trên Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Chế độ tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Nghị định 93/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 07/8/2017 quy định về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước có hiệu lực từ 25/9.

Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyền thay đổi cơ cấu vốn, tài sản phục vụ cho việc phát triển hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức tín dụng được mua, đầu tư vào tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ghi trên sổ sách kế toán.

Đối với tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn Nhà nước, việc mua sắm, đầu tư tài sản cố định còn phải thực hiện theo quy định đối với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực