Sức nóng từ cuộc sống đến nghị trường

Thứ bảy, 29/06/2024 19:00
(ĐCSVN) - Sự nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ với nhiều đổi mới, sáng tạo đã khép lại thành công Kỳ họp thứ 7. Nhiều quyết sách từ hội trường mang tên Diên Hồng sẽ giải quyết kịp thời những vấn đề nóng bỏng đặt ra từ thực tiễn cuộc sống.

Kỳ họp thứ 7 có tới 4 lần điều chỉnh Chương trình cả về nội cả về nội dung và thời gian nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề quan trọng, cần thiết, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Kết thúc 27,5 ngày làm việc, Quốc hội đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét với đại biểu và cử tri cả nước.

Công tác nhân sự đạt sự đồng thuận rất cao

Điểm nhấn nổi bật đầu tiên của Kỳ họp thứ 7 chính là công tác nhân sự. Đây cũng là nội dung được người dân, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. 

Quang cảnh một phiên họp tại Kỳ họp thứ 7.

Cụ thể, Quốc hội đã xem xét, quyết định bầu Chủ tịch Quốc hội khóa XV đối với ông Trần Thanh Mẫn; bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Tô Lâm; bầu Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XV đối với bà Nguyễn Thị Thanh; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đối với bà Nguyễn Thanh Hải; phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Lê Thành Long; phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Tô Lâm; phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Lương Tam Quang; phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh đối với ông Trần Thanh Mẫn và ông Lương Tam Quang.

Theo đánh giá, công tác này đã được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự đồng thuận rất cao của các vị đại biểu Quốc hội.

Việc Quốc hội kiện toàn nhân sự chủ chốt đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước. Điều này thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn kịp thời của Đảng, sự đoàn kết, nhất trí rất cao của Quốc hội và trách nhiệm cao của mỗi đại biểu với Tổ quốc và Nhân dân. Việc kịp thời kiện toàn nhân sự chủ chốt của đất nước sẽ góp phần giúp đất nước tiếp tục ổn định, phát triển bền vững theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kỷ lục khối lượng nội dung về lập pháp từ đầu nhiệm kỳ

Kỳ họp thứ 7 là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một Kỳ họp, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Có tới 11 luật; 21 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật đã được các vị đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua. 11 dự án luật khác được Quốc hội đặt lên bàn nghị sự cho ý kiến lần đầu. 

Điểm lại dấu ấn trong công tác này, có thể kể đến hai nội dung quan trọng đã được Quốc hội biểu quyết thông qua trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp là: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Trong đó, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ BHXH toàn bộ lực lượng lao động. Chẳng hạn như, quy định về trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần quy định của Luật Người cao tuổi về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi; giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản với mức là 02 triệu đồng cho mỗi con mới sinh do ngân sách Nhà nước bảo đảm…

Đặc biệt, Quốc hội đã chốt phương án giải bài toán khó về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Theo Luật này, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm và có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định hiện hành (Nghị quyết số 93/2015/QH13).

Một đạo luật có tính chất đặc biệt được thông qua là Luật bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Mặc dù việc đề xuất, bổ sung vào chương trình Kỳ họp rất gấp, nhưng trên tinh thần càng đưa các luật này vào cuộc sống sớm bao nhiêu thì càng nhanh phát huy được những điểm mới có lợi cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế bấy nhiêu nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định, của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm thông suốt, thận trọng, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành và đồng thuận, thống nhất cao của các đại biểu.

Đây chỉ là hai trong số các luật được Quốc hội bấm nút thông qua, góp phần tạo lập hành hang pháp lý cho việc tiếp tục giải quyết các vấn đề mới phát sinh, tháo gỡ hiệu quả hơn một số tồn tại, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong thời gian tới.

Sức nóng từ cuộc sống đến nghị trường

Ngay từ những ngày đầu Kỳ họp, nghị trường Quốc hội đã “nóng bỏng” bởi câu chuyện quản lý thị trường vàng. “Sốt ruột” với sự nhảy múa của giá vàng, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm có phương án điều hành, quản lý thị trường vàng triệt để nhằm khắc phục tình trạng vàng miếng trước chênh cao so với thế giới. 

Những lo lắng khác của cử tri và Nhân dân như việc vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người; nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ còn cao... cũng được đại biểu Quốc hội phản ánh rõ nét.

Nghị trường thấm đẫm hơi thở cuộc sống còn được minh chứng rõ nét qua 2,5 ngày chất vất và trả lời chất vấn với 4 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn. 

193 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó 162 lượt đại biểu chất vấn, 31 lượt đại biểu tranh luận. Những con số nói lên rằng phiên chất vấn đã rất “nóng”, sôi động. 

Nhiều vấn đề đã được các đại biểu nêu ra như tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày một gia tăng dù đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý; tình trạng sụt lún, xói lở ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long; công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử….

Nếu như các đại biểu thể hiện bản lĩnh, thẳng thắn trong chất vấn, thì ở chiều ngược lại, các Bộ trưởng cũng đã rất chân tình, thẳng thắn giải đáp nhiều vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. 

Tại Kỳ họp này, nhiều vấn đề khác liên quan sát sườn đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp cũng đã được Quốc hội quyết nghị. Đó là, Quốc hội giao Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 01/7/2024. Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở. 

Cùng với đó, Quốc hội cũng nhất trí từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh tăng mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6 năm 2024); điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công; điều chỉnh trợ cấp xã hội.

Hay chính sách tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024...

Những quyết sách này đang được cử tri, Nhân dân đang hết sức trông đợi. 

Kỳ họp thứ 7 đã khép lại sau 27,5 ngày làm việc. Kết quả Kỳ họp, như đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong phát biểu bế mạc đã “tiếp tục khẳng định nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ với nhiều đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn đất nước”.

Và điều mà cử tri luôn mong mỏi là sau kỳ họp, mỗi thành viên Chính phủ sẽ nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, các lời hứa của mình. Mong muốn các vị đại biểu Quốc hội tích cực chủ động hơn nữa trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát, tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân; nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực