Sáng 11/7, Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm quý III năm 2023. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.
|
Quang cảnh Hội nghị |
43 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông giảm
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia khẳng định, 6 tháng đầu năm, tình hình TTATGT về cơ bản được bảo đảm. Tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022, đặc biệt số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn giảm sâu so với các năm trước. Tình hình ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí cơ bản được khắc phục sau khi triển khai thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe, vi phạm về cơi nới thành xe tại các địa phương đã được xử lý một cách căn bản.
Cụ thể, theo ông Khuất Việt Hùng, 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 4.970 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.865 người, bị thương 3.471 người. So với cùng kỳ năm 2022 số vụ giảm 762 vụ (-13,29%), giảm 484 người chết (-14,45%), giảm 214 người bị thương (-5,81%).
Đáng chú ý, có 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 08 địa phương giảm trên 40% số người chết là: Thái Nguyên, Đà Nẵng, Điện Biên, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, Ninh Bình. Đặc biệt, Thái Nguyên, Đà Nẵng giảm trên 60% số người chết do TNGT.
Bên cạnh đó số người chết do TNGT tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tại Bình Dương và Tiền Giang cũng được kéo giảm sâu so với cùng kỳ cả về tỷ lệ phần trăm và số lượng tuyệt đối.
Tuy nhiên, 17 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2022, trong đó 07 tỉnh tăng trên 20% là: Lào Cai, Đồng Nai, Thanh Hóa, Sơn La, Tây Ninh, Lạng Sơn và Hà Tĩnh.
6 tháng đầu năm, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý trên 1,6 triệu trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền trên 3.200 tỷ đồng, tước hơn 328.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ gần 530.000 phương tiện các loại. So với cùng kỳ năm 2022, xử lý vi phạm tăng hơn 300.000 trường hợp (+22,2%), tiền phạt tăng hơn 1.600 tỷ đồng (+98,9%). Trong đó, riêng về lái xe vi phạm nồng độ cồn đã xử lý 373.931 trường hợp; lái xe vi phạm tốc độ xử lý 325.635 trường hợp.
Cùng với đó, công tác quản lý vận tải cơ bản đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân; giá cước vận tải được công khai niêm yết, các phản ánh về tình trạng nhồi nhét hành khách, thu giá vé cao trái quy định giảm nhiều so với các năm trước.
Ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp để khôi phục hoạt động của các trung tâm đăng kiểm, phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tiếp nhận lực lượng kiểm định viên Công an, Quân đội hỗ trợ công tác kiểm định xe cơ giới, góp phần quan trọng giải tỏa, giảm tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm trong thời gian qua; đồng thời sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật có liên quan tới đăng kiểm (sửa đổi Thông tư 16, Nghị định 139), kịp thời tháo gỡ khó khăn tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng công an duy trì quyết liệt, thường xuyên, liên tục chuyên đề kiểm soát tải trọng phương tiện, đã xử lý hơn 35 nghìn trường hợp chở hàng quá tải (chiếm 2,13%), 2.448 trường hợp vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện (chiếm 0,15%). Thanh tra giao thông đã tiến hành kiểm tra, xử phạt trên 4.500 xe vi phạm; tình trạng vi phạm tải trọng và kích thước thùng hàng đã giảm sâu so với cùng kỳ 2022.
Vẫn xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng
|
Đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại hội nghị |
Theo ông Khuất Việt Hùng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Đó là còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Điển hình như: tại Quảng Nam xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 19 người chết, 25 người bị thương, trong đó vụ tai nạn ở huyện Núi Thành làm 10 người chết; tại Nghệ An xảy ra 01 vụ làm 03 người chết và 01 người bị thương; tại Hòa Bình xảy ra 01 vụ làm chết 03 người và 01 người bị thương; tại Điện Biên 01 vụ làm chết 4 người, bị thương 1 người; tại Phú Yên làm 04 người bị chết và 05 người bị thương; tại Lào Cai làm 03 người chết.
Vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời. Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố. Tình trạng xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hoá lên phương tiện, khiến cho hàng hoá bị rơi xuống đường, gây mất an toàn giao thông chưa được xử lý triệt để.
Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, hiện tượng thiếu niên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển mô tô diễn biến phức tạp, gây ra một số vụ TNGT nghiêm trọng, khiến xã hội lo ngại, dư luận bức xúc…
Phân tích nguyên nhân của những tồn tại hạn chế, ông Khuất Việt Hùng cho biết, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Hiệu lực thực thi pháp luật về TTATGT ở một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, coi việc bảo đảm TTATGT chỉ là trách nhiệm của ngành GTVT và Công an.
Nguyên nhân khác được ông Khuất Việt Hùng đề cập là cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, có nơi ỷ lại hoàn toàn vào lực lượng chức năng.
Nêu rõ mục tiêu trong năm 2023 kéo giảm từ 5-10% số vụ TNGT và thương vong do TNGT so với năm 2022, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh trong Quý III năm 2023 các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, tổ chức đoàn kiểm tra của Uỷ ban ATGT Quốc gia tại một số địa phương có tình hình TNGT diễn biến phức tạp, tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2023.
Bộ GTVT tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề án chính sách về ATGT, đặc biệt là đảm bảo tiến độ và chất lượng Dự án Luật Đường bộ. Tiếp tục rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT mới phát sinh. Phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa trong mùa mưa lũ; kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên các tuyến luồng đường thủy nội địa…
Bộ Công an tăng cường hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khép kín 24/24h, tập trung xử lý vi phạm theo các chuyên đề, các nhóm hành vi mà Bộ Công an đang chỉ đạo trong thời gian qua, như: công tác kiểm soát nồng độ cồn; kiểm soát xử lý triệt để các hành vi “cơi nới” thành thùng xử lý xe quá khổ quá tải; xử lý trách nhiệm của người giao xe mô tô, ô tô cho trẻ em điều khiển khi chưa đủ tuổi..
Đối với các tỉnh, thành phố có TNGT tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2023, đề nghị tổ chức kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của từng địa bàn từng lĩnh vực để xảy ra TNGT tăng, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm TTATGT…/.