Tầm quan trọng của ngoại giao đối thoại

Thứ tư, 27/02/2019 22:22
Việc một tổng thống Mỹ đương nhiệm lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1 năm gặp và ngồi cùng bàn đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên, đã trở thành sự kiện lịch sử đặc biệt và là minh chứng sinh động cho vai trò của ngoại giao đối thoại.
Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un
tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội, ngày 27/2/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Đúng 18h30 ngày 27/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Kim Châng Un) đã chính thức tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai tại khách sạn Sofitel Metropol Hà Nội. Cái bắt tay cùng thái độ khá thân thiện giữa hai nhà lãnh đạo, mở đầu cho một loạt cuộc tiếp xúc dự kiến sẽ diễn ra trong cả ngày 28/2, đang phát đi tín hiệu tích cực về cơ hội cuộc gặp thượng đỉnh lần này đạt được kết quả thực chất, đồng thời cũng thêm một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của chính sách ngoại giao đối thoại.

Việc một tổng thống Mỹ đương nhiệm lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1 năm gặp và ngồi cùng bàn đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên, đã trở thành sự kiện lịch sử đặc biệt và là minh chứng sinh động cho vai trò của ngoại giao đối thoại. Thực tế này càng có ý nghĩa nếu nhìn lại quá khứ, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton (Bin Clin-tơn) khi còn tại vị đã cân nhắc một cách nghiêm túc việc thăm Bình Nhưỡng để đạt một thỏa thuận giải quyết bất đồng và cải thiện quan hệ hai nước, song mọi chuyện không thể diễn ra như dự kiến.

Giá trị của việc Mỹ và Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán ở cấp cao nhất là không thể phủ nhận. Nhìn lại năm 2018, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên được đánh giá là bước đi đột phá, giúp tạo thêm thời gian và không gian cho ngoại giao. Chuyên gia Colin Kahl (Cô-lin Can), đồng chủ tịch Trung tâm Hợp tác và an ninh quốc tế CISAC, khẳng định ngoại giao đóng vai trò quan trọng trong giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, và Tổng thống Trump có thể tạo lòng tin để duy trì đối thoại cấp cao với nhà lãnh đạo Triều Tiên. 

Sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore tháng 6/2018, bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thể hiện một “cái nhìn khác” về nhau, cởi mở với nhau hơn và luôn dành cho nhau những đánh giá tốt đẹp. Đối thoại trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai quốc gia từng thù địch suốt 7 thập niên đã tạo ra cơ hội quý giá để hai bên hiểu nhau và ít nhiều xây dựng lòng tin đối với nhau.

Với cuộc gặp đầu tiên, Mỹ đã có thể kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, thể hiện ở chỗ trong cả năm qua Bình Nhưỡng không tiến hành thêm bất kỳ vụ thử hạt nhân hay tên lửa nào, đồng thời có nhiều động thái như tháo dỡ các cơ sở hạt nhân, tên lửa trong nước. Đương nhiên về phía Mỹ là những bước đi giảm căng thẳng như hạn chế các cuộc tập trận trên bán đảo Triều Tiên. Tất cả những điều đó phần nào giúp tránh các sự cố và tính toán sai lầm, từ đó giảm nguy cơ khủng hoảng vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Quan trọng hơn, hai bên đã thiết lập được các kênh liên lạc cần thiết. Chính việc duy trì những kênh liên lạc này đã giúp hai bên có thể tổ chức được cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai để tạo cơ hội phá vỡ thế bế tắc liên quan tới đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã một lần nữa làm nổi bật thêm giá trị của "ngoại giao đối thoại" như là phương tiện trung gian phù hợp nhất cho các triển vọng hòa bình.

Hiện hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên phải đối mặt với trách nhiệm đưa ra những bước đi cụ thể tại cuộc gặp ở Hà Nội. Theo học giả Siegfried S. Hecker (Xây-phrai Héc-cơ) từ CISAC, tại cuộc gặp ở Hà Nội, Washington cần nỗ lực để tiếp tục giảm mối đe dọa từ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, mà mục tiêu quan trọng là có thể kiểm chứng việc Triều Tiên ngừng các cuộc thử nghiệm vũ khí và tên lửa. Rõ ràng, việc này sẽ đòi hỏi Mỹ hướng đến bình thường hóa, cộng với việc nới lỏng trừng phạt Triều Tiên ở một mức độ nào đó.

Ông Gi-Wook Shin (Ghi Út Sin), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương Walter H. Shorenstein (APARC), dự đoán các lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ sử dụng cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội như một cơ hội để giảm thiểu những mập mờ hiện nay, cũng như những khác biệt trong các vấn đề chính, trước khi có thể tạo ra bất kỳ tiến bộ có ý nghĩa nào hướng đến phi hạt nhân hóa, hay đưa ra bất cứ biện pháp nào để thúc đẩy phi hạt nhân hóa. Theo ông, nhiệm vụ khẩn cấp căn bản nhất hiện nay là đạt một sự hiểu biết chung về cái gọi là “phi hạt nhân hóa”. Sự mập mờ của khái niệm này chỉ làm gia tăng sự hoài nghi về các cam kết của cả Mỹ và Triều Tiên về phi hạt nhân hóa. Ngoài ra, quan điểm của chính quyền Tổng thống Trump về “một cơ chế hòa bình ổn định, hòa bình và hợp pháp hơn” tại Triều Tiên cũng cần được giải thích đầy đủ. Chuyên gia trên nhấn mạnh: “Chỉ khi các động thái lớn và có ý nghĩa xóa bỏ mọi mập mờ nói trên mới có thể tạo cơ hội cho một bước đột phá lịch sử trên bán đảo Triều Tiên và tạo xung lực cần cho các nỗ lực ngoại giao của tất cả các nước liên quan”.

Cùng quan điểm trên, ông Thomas Fingar (Thô-mát Phinh-ga), một học giả tại Shorenstein APARC, cho biết các vấn đề giữa Mỹ và Triều Tiên rất phức tạp và những mâu thuẫn dẫn tới thù địch đã quá sâu, nên việc giải quyết mối quan hệ này sẽ cần nhiều thời gian và nhiều cuộc đàm phán nữa để xây dựng lòng tin và sự thấu hiểu sâu sắc hơn về những lo ngại và mục tiêu của nhau. Điều có thể hy vọng nhất tại cuộc gặp ở Hà Nội là một thỏa thuận – và cam kết – tiếp tục tiến trình cam kết bằng cách chỉ thị và trao quyền cho những quan chức cấp dưới gặp gỡ thường xuyên hơn, lắng nghe lẫn nhau và tìm cách xây dựng một mối quan hệ tốt hơn và giải quyết các vấn đề đặc biệt. Điều đó có nghĩa là hai bên tiếp tục đối thoại để biến đổi quan hệ từ thù địch và không tin tưởng nhau thành một quan hệ được đặc trưng bởi các lợi ích song phương và quản lý các vấn đề chưa thể giải quyết ngay lập tức.

Nếu coi cuộc gặp đầu tiên là bước “phá băng” sau nhiều thập niên thù địch giữa hai quốc gia, thì cuộc gặp thứ hai hiện nay được kỳ vọng sẽ vạch ra những bước đi cụ thể hơn với những giải pháp từng bước trên con đường phi hạt nhân hoá. Dù một giải pháp lâu dài vẫn còn ở tương lai xa, nhưng thế giới đã bắt đầu nhận ra rằng tiếp tục đối thoại mới là cách tốt nhất để tìm giải pháp cho tình trạng bế tắc hiện nay liên quan tới vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Và với cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội lần này, Mỹ và Triều Tiên đang đi đúng hướng./.

Bạch Dương/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực