Chiều 21/10, ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Y tế, tân Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội.
Tân Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Khi về nhận nhiệm vụ ở Bộ Y tế trong bối cảnh rất đặc biệt, và với tầm quan trọng của y tế đối với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân, chúng tôi đã rất cố gắng nắm bắt thực trạng của ngành, có những giải pháp triển khai trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, trong 3 tháng nắm bắt công việc, tân Bộ trưởng Bộ Y tế luôn xác định thời gian tới có nhiều việc để làm, trong đó vượt qua khó khăn, thách thức mà ngành đang đối mặt và định một trong nhiệm vụ trọng tâm, trong đó bảo vệ thành quả dịch COVID-19 là rất quan trọng để có cuộc sống bình an. Trong bối cảnh nhiều dịch bệnh mới liên tiếp xảy ra và cả những ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiệm vụ trước mắt rất quan trọng.
|
Tân Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: CP) |
"Tôi tập trung cho các nhiệm vụ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của người dân. Thời gian vừa qua chúng tôi chỉ đạo rà soát những mặt làm được và hạn chế, đặc biệt liên quan đến hệ thống cơ sở pháp lý, thể chế trong lĩnh vực y tế để tập trung triển khai trong thời gian tới", Tân Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã trình Chính phủ, Quốc hội để hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là trong kỳ họp này là Luât Khám chữa bệnh (sửa đổi). Ngành y tế đã kịp thời trình Chính phủ Luật Dược (sửa đổi), đây là những căn cứ quan trọng làm sao đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ hợp lý, tốt nhất đến người dân.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, một luật nữa rất quan trọng, đó là Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Bộ Y tế chỉ đạo làm sao mở rộng được phạm vi, đối tượng quyền lợi người tham gia BHYT, tiến tới xây dựng hệ thống BHYT công bằng, làm sao đáp ứng quyền lợi của người tham gia... các quy phạm pháp luật cũng được Bộ Y tế tập trung sửa đổi.
Bên cạnh đó hàng loạt vấn đề khác cũng đang tập trung tháo gỡ như vướng mắc về thiếu thuốc, trang thiết bị được Bộ Y tế tập trung chỉ đạo.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, để làm việc này ngoài sửa luật, còn hàng loạt văn bản khác của Chính phủ và các Bộ. Bộ Y tế cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, bổ sung các quy định về đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Cùng với đó, Dự án Luật Đấu thầu sửa đổi cũng sẽ tập trung các nội dung phải rà soát sửa đổi theo quy trình, quy định pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, về phía Bộ Y tế sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện sửa đổi. Đây là những căn cứ pháp luật rất quan trọng, có hệ thống quy phạm pháp luật đầy đủ trong việc cung ứng trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh cho người bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng tích cực đẩy mạnh tốc độ để làm sao cấp phép giấy gia hạn lưu hành thuốc, trang thiết bị vật tự y tế để có căn cứ doanh nghiệp tham gia cung ứng thuốc, vật tư y tế trên thị trường.
Bên cạnh đó các chính sách khác liên quan đến các quy định khuyến khích động viên cán bộ ngành y tế tích cực trong việc vượt qua khó khăn giai đoạn này. Hiện Bộ Y tế đang xây dựng trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56 liên quan đến các chế độ phụ cấp của cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng, cơ bản Nghị định này đang hoàn thiện, Bộ Tư pháp cũng cho ý kiến và sớm hoàn thiện để trình Chính phủ.
Đây cũng là nguồn động viên của Đảng, Nhà nước với cán bộ ngành y tế đã quan tâm đội ngũ y tế cấp cơ sở, nơi tuyến đầu phòng chóng dịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân...
Liên quan đến thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, khó khăn trong việc mua sắm, đấu thầu; năng lực của đội ngũ làm nhiệm vụ này...
“Bộ tập trung triển khai rất nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài. Về giải pháp trước mắt, ngoài việc tăng cường đẩy mạnh cấp phép giấy lưu hành thuốc, Bộ Y tế cũng đã làm việc với bệnh viện, địa phương có những văn bản tập trung tháo gỡ”- tân Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.
Theo tân Bộ trưởng, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, ngoài việc xử lý công việc trước mắt, về lâu dài chúng ta phải rà soát lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt liên quan đến Luật Dược, Luật Đấu thầu, Luật Giá và các nghị định hướng dẫn trong quá trình triển khai thực hiện để tháo gỡ một cách căn cơ, bài bản nhất nhằm đảm bảo không chỉ sau dịch COVID-19 mà những chặng đường tiếp theo có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện.
Hiện Bộ Y tế đang tổng kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội về các chính sách phòng chống dịch COVID-19. Trong đó có những vấn đề như kéo dài giấy đăng ký lưu hành thuốc. Đây cũng là một trong những giải pháp tập trung cùng tháo gỡ khó khăn việc cung ứng thuốc…
Chia sẻ về chiến lược để giải quyết những khó khăn của ngành Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng quan trọng nhất là nhận diện được vấn đề. Khi nhận diện được vấn đề khó khăn đó là gì, thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước hay tổ chức thực hiện, chuyên môn hay quản lý cũng sẽ có những giải pháp phù hợp.
Trong thời gian vừa qua, về vấn đề chuyên môn, Bộ Y tế rất tin tưởng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo; cán bộ cấp cục, vụ, viện của ngành Y tế; đội ngũ lãnh đạo các bệnh viện; đội ngũ chuyên môn, chuyên gia... Hiện nay cũng có một số bộc lộ trong triển khai nhiệm vụ quản lý, Tôi cùng với tập thể lãnh đạo Bộ, đội ngũ cán bộ cố gắng tháo gỡ khó khăn từng vấn đề.
“Thời gian vừa qua, ngành Y tế không đơn độc, chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban ngành để hỗ trợ cho ngành Y tế phục hồi, phát triển.
Sức khỏe con người là vốn quý, không có thời đại nào lại không cần đội ngũ y – bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chúng tôi xác định rõ trách nhiệm của mình.
Bản thân tôi khi nhận nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước phân công, với quyết tâm cao nhất, tôi sẽ cùng với cán bộ, nhân viên ngành Y tế, với sự đoàn kết của lãnh đạo bộ, các cục, vụ chuyên môn thì các khó khăn đó sẽ dần được tháo gỡ. Chúng tôi tin tưởng điều này”- Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ./.