Tận dụng các nguồn lực sẵn có để phát triển nền kinh tế xanh, bền vững

Thứ bảy, 26/10/2024 15:09
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thủ đô Hà Nội, với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, đang đứng trước nhiều tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực chuyển đổi sản xuất xanh. Đây là một mục tiêu quan trọng không chỉ với doanh nghiệp mà còn với cả xã hội, môi trường và nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hội nhập toàn cầu.

Phát triển bền vững đang là nhu cầu và xu thế tất yếu

Ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội phát biểu tại Toạ đàm.  

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía Bắc, đang chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, GDP Việt Nam trong quý 2 năm 2024 tăng trưởng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, đã có mức tăng trưởng vượt bậc trong các ngành công nghiệp, du lịch và dịch vụ.

Tuy nhiên, song song với sự phát triển kinh tế là những thách thức về môi trường. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2023 chỉ ra rằng, hơn 30% các khu công nghiệp tại phía Bắc chưa đáp ứng tiêu chuẩn về xử lý nước thải và chất thải rắn. Việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên không hợp lý đã dẫn đến suy thoái đất đai, ô nhiễm không khí, và cạn kiệt nguồn nước ngọt.

Chính vì thế, việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu bắt buộc. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng cường hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, đồng thời bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong dài hạn.

Tại tọa đàm “Xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững” diễn ra tại Hà Nội, ngày 25/10, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Trần Quang đã chỉ ra rằng, chuyển đổi sản xuất xanh mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả doanh nghiệp và xã hội. Ngân hàng Thế giới năm 2022 đã chỉ ra rằng, các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất xanh có thể tiết kiệm được 10-30% chi phí năng lượng và nguyên vật liệu. Điển hình là Tập đoàn Năng lượng Xanh tại Hải Phòng đã tiết kiệm được 25% chi phí vận hành nhờ vào việc ứng dụng công nghệ tái chế và tái sử dụng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, sản xuất xanh còn giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hiện nay, nhiều thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ đã đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường cho hàng hóa nhập khẩu. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh không chỉ dễ dàng tiếp cận các thị trường này mà còn được hưởng các ưu đãi về thuế và xuất khẩu.

Từ góc độ xã hội, sản xuất xanh giúp tạo ra các công việc mới trong các ngành công nghệ xanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Xanh, đến năm 2030, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh có thể tạo thêm 2 triệu việc làm trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, và nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam. 

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2020-2023, Việt Nam chỉ thu hút được khoảng 10 tỷ USD vào các dự án sản xuất xanh, chiếm khoảng 10% tổng vốn đầu tư FDI. Đây là một con số khiêm tốn so với tiềm năng phát triển của quốc gia. Đa số các khoản đầu tư xanh hiện nay tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), nông nghiệp hữu cơ, và xử lý chất thải.

“Tuy nhiên, quá trình thu hút đầu tư xanh còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những thách thức lớn nhất là sự thiếu hụt về nguồn vốn dài hạn và sự hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách còn chưa thực sự hoàn thiện, gây cản trở cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính và thuế ưu đãi…Tuy vậy, vẫn có những thành công đáng khích lệ từ một số dự án tiên phong. Điển hình như dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận của Công ty Solar Power đã thu hút 1 tỷ USD đầu tư từ Nhật Bản và đưa vào vận hành từ cuối năm 2023, góp phần giảm thiểu 100.000 tấn CO2 mỗi năm” – ông Nguyễn Trần Quang nêu rõ.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư vào sản xuất xanh. Theo Nghị định số 53/2022/NĐ-CP, các doanh nghiệp thực hiện các dự án sản xuất xanh có thể được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 10-30% trong vòng 5-10 năm đầu hoạt động. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp xanh còn được hưởng các ưu đãi về đất đai, phí dịch vụ hạ tầng.

Khu vực phía Bắc, với lợi thế về địa lý, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp xanh. Theo thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có 15 dự án đầu tư vào sản xuất xanh được cấp phép, với tổng vốn đầu tư hơn 2,5 tỷ USD. Ngoài ra, các tỉnh Thái Nguyên, Hải Phòng, và Quảng Ninh cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến thân thiện với môi trường. Điển hình là dự án nhà máy điện gió tại Quảng Ninh đã thu hút hơn 500 triệu USD từ các nhà đầu tư Hàn Quốc…

Biến thách thức thành cơ hội, tận dụng nguồn lực sẵn có để phát triển nền kinh tế xanh, bền vững

Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm. 

Đồng quan điểm, TS Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội cho biết, song song với sự phát triển kinh tế là những thách thức về môi trường. Báo cáo của Bộ TN&MT năm 2023 chỉ ra rằng, hơn 30% các KCN tại phía Bắc chưa đáp ứng tiêu chuẩn về xử lý nước thải và chất thải rắn. Việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên không hợp lý đã dẫn đến suy thoái đất đai, ô nhiễm không khí, và cạn kiệt nguồn nước ngọt.

“Chính vì thế, việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu bắt buộc. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng cường hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, đồng thời bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong dài hạn”, TS Mạc Quốc Anh nhìn nhận.

Thực tế, chuyển đổi sản xuất xanh mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả doanh nghiệp và xã hội. Điển hình là Tập đoàn Năng lượng Xanh tại Hải Phòng đã tiết kiệm được 25% chi phí vận hành nhờ vào việc ứng dụng công nghệ tái chế và tái sử dụng nguyên liệu.

Cũng theo TS Mạc Quốc Anh, sản xuất xanh còn giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hiện nay, nhiều thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ đã đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường cho hàng hóa nhập khẩu. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh không chỉ dễ dàng tiếp cận các thị trường này mà còn được hưởng các ưu đãi về thuế và xuất khẩu.

Từ góc độ xã hội, sản xuất xanh giúp tạo ra các công việc mới trong các ngành công nghệ xanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Xanh, đến năm 2030, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh có thể tạo thêm 2 triệu việc làm trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, và nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam”, TS Mạc Quốc Anh nói.

Chia sẻ về tiềm năng lợi thế thu hút đầu tư của Việt Nam nói chung, khu vực phía Bắc nói riêng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho hay, SHBC đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với doanh nghiệp nước ngoài. JETRO nhình nhận Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đầu tư đứng thứ 2 trên thế giới và đứng thứ 1 khu vực Châu Á.EuroCham nhận xét, Việt Nam được đánh giá thuộc top 10 điểm đến đầu tư toàn cầu...

Ngoài ra, theo Phòng CN&TM Đức, 90% doanh nghiệp Đức mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Hà Lan, Bỉ đang thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng tái tạo. Đặc biệt, một số lĩnh vực của các nhà đầu tư FDI quan tâm là, năng lượng sạch, tái tạo, hydrogen xanh, chip bán dẫn, nghiên cứu và phát triển, trí tuệ nhân tạo, robot.

“Trước thực tế trên, Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đang chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”, ông Tuấn nêu rõ.

Đồng thời, tăng cường môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định; thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo như trí tuệ nhân tạo, chuỗi cung ứng thông minh, năng lượng tái tạo và công nghệ xanh;thúc đẩy dự án đầu tư vào công nghiệp xanh, năng lượng sạch và phát triển đô thị bền vững; Phát triển các khu vực có cơ chế chính sách đặc thù và cải thiện kết nối toàn cầu; phát triển tài chính số và tài chính xanh...

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh cũng đã được thành lập để giúp Chính phủ. Ngoài ra, Bộ KH&ĐT đã ban hành “Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch hành động và tích hợp tăng trưởng xanh vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội các cấp”.

Cũng ở khía cạnh định hướng thu hút doanh nghiệp sản xuất xanh, bền vững, đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc thông tin, hiện Khu công nghệ cao Hoà Lạc thu hút đầu tư vào 4 lĩnh vực gồm: Công nghệ sinh học; Công nghệ vật liệu mới; Công nghệ tự động hoá; Công nghệ thông tin.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong lĩnh vực hoạt động của dự án theo quy định của pháp luật Việt Nam; khuyến khích đạt các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường ISO 14000 hoặc tương đương.

Đáp ứng tiêu chí về tỷ lệ doanh thu từ sản xuất sản phẩm công nghệ cao, nhân lực lao động, nhân lực thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển, tỷ lệ chi cho nghiên cứu và phát triển, dây chuyền công nghệ theo quy định của Bộ KH&CN. Phát thải, sử dụng đất, nhân công thấp. Suất đầu tư, công nghệ, giá trị gia tăng, tự động hoá cao.

Để hoàn thành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh mà Chính phủ đề ra, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định, đến 30/6/2024, đã có 50 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh đạt 650.253 tỷ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 4,52% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và nông nghiệp xanh...

Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận, vẫn còn nhiều thách thức và rào cản như, nguồn lực tài chính còn khá hạn chế; thiếu cơ sở pháp lý phục vụ cho hoạt động tín dụng xanh, thiếu hướng dẫn chuyên ngành của các cơ quan chuyên môn về danh mục các ngành, lĩnh vực xanh với tiêu chí cụ thể; nhiều doanh nghiệp chưa hiểu biết về sản xuất xanh, dẫn đến không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh... Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo các bộ, ngành hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các TCTD căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; Xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch, chiến lược phát triển...) của từng ngành, lĩnh vực...

Việc chuyển đổi sang sản xuất xanh không chỉ là một lựa chọn mà là con đường duy nhất để đảm bảo sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp xanh, khi mà các yêu cầu về môi trường ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế. Thực tế đó đòi hỏi các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cùng các cơ quan chức năng cùng nhau nỗ lực để biến các thách thức thành cơ hội, tận dụng triệt để các nguồn lực sẵn có để phát triển nền kinh tế xanh, bền vững./.

Mai Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực