Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh Tiểu vùng Mê Công mở rộng
Chiều 30/3, tại Hà Nội, lần đầu tiên Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) đã được tổ chức nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh của Lãnh đạo cấp cao khu vực GMS. Đây là sáng kiến của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường đối thoại giữa các chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, đối tác phát triển, cũng như thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực vào các hoạt động GMS.
Sáng kiến đã nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng tích cực từ các quốc gia thành viên, các đối tác phát triển cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Phó Tổng thống Myanmar U Henry Van Thio và Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Sự kiện có sự góp mặt của đại diện các tổ chức lớn như Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nako, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc Tài chính Ngân hàng Thế giới (WB) Joaquim Levy và hơn 2.000 đại biểu là doanh nhân, phóng viên báo chí trong nước và quốc tế tham dự.
Trong phiên toàn thể, lãnh đạo các quốc gia GMS cùng lãnh đạo ASEAN, ADB và WB đã cùng đưa ra những phát biểu và góc nhìn của mình về cách tìm kiếm những động lực tăng trưởng kinh tế mới, ít phụ thuộc vào lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên, và làm thế nào có thể tạo ra môi trường thuận lợi để nuôi dưỡng và phát triển các động lực tăng trưởng mới này.
Đặc biệt, Diễn đàn đã thu hút gần 2600 doanh nghiệp trong và ngoài khu vực GMS, đại diện lãnh đạo gần 40 tỉnh, thành trong nước và nhiều địa phương các quốc gia thành viên. Khoảng 300 phóng viên trong nước và quốc tế tham dự và đưa tin về Hội nghị.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ GMS là một khu vực rộng lớn với dân số lên tới 340 triệu người. Qua 25 năm đi vào hoạt động, hợp tác GMS đã cho thấy những quốc gia có tiềm lực hạn chế có thể chung tay phát triển và cùng tạo ra một thị trường chung có sức mạnh cộng hưởng to lớn, cùng nhau quyết tâm phát triển mạnh mẽ các tiềm năng để tô đẹp bức tranh phát triển kinh tế khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng để xây dựng một GMS đoàn kết, các quốc gia cần chung tay xây dựng một tầm nhìn mới. Một vùng Mekong kết nối và phát triển thịnh vượng cần phải được định hình ngay từ lúc này. Trong đó, những lĩnh vực cần tập trung bao gồm những thay đổi về thể chế pháp luật, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, phát triển thị trường nội địa và thương mại xuyên biên giới,... nhằm kết nối khu vực GMS với chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để cùng nhau phát triển khối GMS và CLV thật thịnh vượng, bên cạnh vai trò kiến tạo pháp chế của chính phủ các thành viên, của ADB và WB, còn có trách nhiệm kết nối của các doanh nghiệp tư nhân. Đó là lý do vì sao Việt Nam đưa ra sáng kiến về Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh tại GMS 6 lần này nhằm mục đích kết nối các chính phủ và doanh nghiệp các nước với nhau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những con số về sự phát triển vượt trội của Việt Nam trong năm 2017, khiến Việt Nam trở thành địa điểm thu hút các nguồn đầu tư FDI hàng đầu châu Á. Thực tế đó chứng tỏ lòng tin của các nhà đầu tư vào chính phủ Việt Nam, niềm hứng khởi khi hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, từ đó giúp Việt Nam có thêm tự tin để thúc đẩy cải cách.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có những biến chuyển sâu sắc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các quốc gia GMS cần xây dựng những động lực mới, mạnh mẽ hơn, đồng thời tiếp tục giữ vững bản sắc riêng, quyết tâm nỗ lực tạo nên những nguồn lực mới để phát triển kinh tế theo chiều rộng và chiều sâu. Không những vậy, hợp tác GMS cần phải có sự đồng tâm trong việc giữ vững môi trường kinh doanh tiện lợi, xây dựng nền tảng mới cho hội nhập và thu hút hỗ trợ từ những nguồn lực quốc tế.
Ngoài ra, những tiến bộ đột phá trong khoa học và cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 cũng là những yếu tố tiềm năng kết nối các quốc gia trong khu vực với nhau, vượt ra ngoài liên kết truyền thống.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định những nguồn lực trên sẽ đem lại xung lực mới cho sự phát triển của GMS trong giai đoạn tới. “Tuy nhiên, để xây dựng một khu vực GMS thịnh vượng, bền vững và hội nhập, chúng ta cần bảo đảm sự phát triển bền vững và hài hoà”, Thủ tướng nói.
Qua nội dung trao đổi tại hội nghị, có thể thấy, dù khu vực GMS và 3 quốc gia CLV có núi liền núi, sông liền sông và chung khát vọng về hòa bình, phát triển thịnh vượng, nhưng để đạt được mục tiêu chung, sự ủng hộ, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và đối tác phát triển rất quan trọng. Điều này cũng giải thích vì sao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nêu ra và nhấn mạnh vai trò của cộng đồng này trong những phát biểu của mình.
Sau phần phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đại diện cho chủ nhà Việt Nam; Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen phát biểu, đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, tăng trưởng kinh tế đang phục hồi từ năm 2017 đến nay nhưng vẫn còn những yếu tố khó đoán định ở nhiều khu vực trên thế giới. Ở khu vực GMS, tăng trưởng kinh tế được duy trì ổn định và cao nhưng vẫn phải đối mặt với nguy cơ từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và sự thu hẹp của nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Thủ tướng Campuchia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay cần tăng cường nỗ lực hội nhập và kết nối kinh tế khu vực thông qua những lĩnh vực ưu tiên bao gồm tài chính, kinh tế, thương mại điện tử và thương mại xuyên biên giới. Thủ tướng Campuchia đề nghị các doanh nghiệp chú trọng đến tiềm năng của các hành lang kinh tế, những thách thức do đô thị hóa cấp độ cao, sức ép của việc gia tăng thương mại xuyên biên giới, sự gia tăng nhu cầu về hợp tác liên kết kinh tế…Đây là mô hình không đem lại sự bền vững cho quá trình phát triển kinh tế xã hội ở khu vực.
Ủy viên Quốc Vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Vương Nghị nhấn mạnh: Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh GMS rất quan trọng vì giúp các nước GMS lắng nghe tâm tư nguyện vọng và kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp. Chia sẻ thông điệp với các doanh nghiệp, Ủy viên Quốc Vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Vương Nghị cho biết, gần đây Trung Quốc đã đưa ra những kế hoạch cụ thể thúc đẩy phát triển, tiến hành cải cách và có những biện pháp chủ động phát triển nền kinh tế để tăng trưởng bền vững, chuyển dịch nhanh chóng hướng tới tăng trưởng chất lượng cao. Trung Quốc mở cửa và tạo cơ hội mới cho các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, thể hiện quyết tâm của Trung Quốc thúc đẩy tự do hóa thương mại, mở rộng thị trường dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài. Trung Quốc mở cửa trước hết đối với các quốc gia láng giềng, thúc đẩy cùng nhau hợp tác. Những năm qua, Trung Quốc đã đầu tư 40 tỷ USD vào các quốc gia GMS, thông qua các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ 20 dự án cơ sở hạ tầng tại GMS. Trong số này có những dự án lớn như: Dự án đường sắt Trung Quốc-Lào, Trung Quốc –Thái Lan, dự án Vành đai và Con đường, nhận được sự ủng hộ của các quốc gia láng giềng. Điều đó góp phần thúc đẩy và sẵn sàng làm sâu sắc hơn lòng tin chính trị giữa các quốc gia vì hạnh phúc của người dân.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiến trình hợp tác GMS, Thủ tướng Chính phủ Lào ThongLoun Sisoulith khẳng định, Chính phủ Lào cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các quốc gia GMS trong thúc đẩy các hoạt động kinh doanh. Thủ tướng Lào kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào các hoạt động kinh doanh ở khu vực, nỗ lực nâng cao tính cạnh tranh của các khu vực trong GMS và tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực như: Sáng tạo khoa học công nghệ, tăng năng suất. Thủ tướng ThongLoun Sisoulith cũng đề nghị các nước thành viên GMS cần tăng cường tiếp cận với thị trường khu vực và thế giới, trao đổi thông tin kết nối giữa doanh nghiệp và các bên liên quan. Các hoạt động kinh doanh cần đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, đảm bảo tính bền vững trong dài hạn.
Phó Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar U Henry Van Thio cho rằng, một số quốc gia trong khu vực GMS trước đây chủ yếu dựa vào lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên để đạt mức tăng trưởng kinh tế cao. Tuy nhiên, giờ đây, lao động chi phí thấp và tài nguyên thiên nhiên không còn là lợi thế so sánh nữa. Các quốc gia GMS cần xem xét lại và tạo ra động lực mới cho phát triển bền vững trong thế kỷ XXI. Để đạt được tăng trưởng bền vững, cùng với nguồn vốn nhân lực, khu vực này cần môi trường pháp lý, khu vực tư nhân phát triển.
Cho rằng, các nước thành viên GMS đang tiến đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững không còn dựa nhiều vào tài nguyên và nguyên liệu giá rẻ, Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayuth Chan-ocha tin tưởng sáng tạo và kỹ thuật số sẽ nổi lên như động lực mới trong phát triển kinh tế trên cơ sở hợp tác công tư. Vì thế cần phải tận dụng tiềm năng kinh tế số mang lại, thúc đẩy khuyến khích doanh nghiệp mới áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thị trường vốn và tiêu thụ hàng hóa. Thủ tướng Vương quốc Thái Lan nhận định, trong bối cảnh 4.0 hiện nay, việc tận dụng tất cả các động lực mới này là hết sức quan trọng. GMS cần liên kết chặt chẽ hài hòa hóa các khuôn khổ chính sách thúc đẩy liên kết thị trường chuỗi giá trị thành thị trường chung để tăng sức cạnh tranh. Thái Lan đặt ưu tiên vào khuyến khích khu vực tư nhân, thúc đẩy kết nối hợp tác giữa các đối tác.
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao cho biết, các quốc gia khu vực GMS đã có tiến bộ vượt bậc về tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo, phát triển cộng đồng, nâng cao cạnh tranh. Gần đây, các công nghệ kỹ thuật số cũng trở thành động lực mới trong phát triển khu vực. Lĩnh vực viễn thông đã giúp trao đổi xuyên biên giới, tự động hóa. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng đang thay đổi, thách thức con người đưa ra những chính sách phù hợp. Đại diện Ngân hàng ADB cho rằng, hợp tác trong khối GMS sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng hết các lợi thế công nghệ mang lại, đồng thời, tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo cơ hội chia sẻ những ý tưởng mới. Ông Takehiko Nakao khẳng định, ADB cam kết ủng hộ mạnh mẽ GMS nhằm hỗ trợ phát triển và nâng cao sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân vào phát triển kinh tế khu vực.
Ông Lim Jock Hoi, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cho rằng, GMS 6 đã diễn ra trong thời điểm ý nghĩa. Đây là lúc ASEAN phát triển năng động nhất. Khu vực này được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2050, giúp tăng thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân trong khu vực. Bên cạnh đó, số lượng người tiêu dùng trong khu vực sẽ tăng rất nhanh, tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư về thị trường.
Bàn về các động lực tăng trưởng mới, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc Tài chính Ngân hàng Thế giới (WB) Joaquim Levy dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt 3.1 % trong năm 2018, trong đó, các nền kinh tế phát triển đạt mức khoảng 2,1 %, các nền kinh tế đang nổi là 4.5%. Với khối GMS là 6% trong các năm tới. Tỷ lệ nghèo đói sẽ tiếp tục giảm xuống, tuy nhiên vẫn có một số bất ổn và rủi ro và các quốc gia cần duy trì chính sách kinh tế vĩ mô cẩn trọng, cần hội nhập, cởi mở tối ưu hóa các cơ hội. Theo ông Joaquim Levy, trong tương lai sẽ có 3 xu hướng lớn cần chú trọng, đó là thay đổi về công nghệ trong tất cả các lĩnh vực đặc biệt là sản xuất. Điều này sẽ tác động lớn với khối GMS. Thứ hai là thay đổi về kết cấu dân số, trong đó có thách thức về dân số già đi trong tương lai. Thứ ba là vấn đề biến đổi khí hậu. Điều này đặc biệt quan trọng với người nghèo, hiện chiếm 2/3 dân số GMS./.