Quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ phát triển ngày càng sâu rộng và đi vào thực chất
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Na-ren-đờ-ra Mô-đi diễn ra trong bối cảnh Quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ phát triển ngày càng sâu rộng và đi vào thực chất trên tất cả các lĩnh vực. Chính phủ của Thủ tướng Na-ren-đờ-ra Mô-đi coi trọng và đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam như một trụ cột trong quan hệ của Ấn Độ với khu vực Đông Nam á. Năm 2017, Việt Nam và Ấn Độ sẽ kỷ niệm 45 năm thiết lập (1972 – 2017) quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2007 – 2017).
Cộng hòa Ấn Độ nằm tại Nam Á, phía Bắc giáp Trung Quốc, Nê-pan và Bu-tan; Đông Bắc giáp Mi-an-ma, Băng-la-đét; Tây Bắc giáp Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan; Tây, Đông và Nam là Ấn Độ Dương bao bọc. Ấn Độ có khoảng 15.200 km đường biên giới đất liền và 7.516 km bờ biển. Diện tích, gần 3,3 triệu km2. Tổng GDP, 2.09 nghìn tỷ USD (2015); Thu nhập bình quân đầu người: 1.617 USD (năm 2015).
Sau thắng lợi vang dội trong tổng tuyển cử 2014, Đảng cầm quyền Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) nắm đa số tại Hạ viện. Tình hình an ninh-xã hội ngày càng được cải thiện, các lực lượng ly khai và chống đối vũ trang bị suy yếu đáng kể.
Nền kinh tế Ấn Độ phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới trong 2 năm qua (7,5%), tổng GDP năm 2015 đạt 2180 tỷ USD, cơ cấu kinh tế ưu việt với tỷ lệ dịch vụ chiếm 65% tổng GDP. Chính phủ thông qua nhiều chính sách, sáng kiến mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế với mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự có trình độ khoa học công nghệ hiện đại; là một trong 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới đến năm 2020. Sáng kiến “Make in India” đem lại kết quả khả quan, năm 2015 Ấn Độ vượt Trung Quốc trở thành nước thu hút đầu tư lớn nhất thế giới với tổng trị giá FDI 63 tỷ USD.
Về quốc phòng, Ấn Độ đang tăng cường sức mạnh phòng thủ cả về lục quân, không quân và hải quân cũng như lực lượng hạt nhân chiến lược; đặc biệt bổ sung thêm tàu ngầm và tàu sân bay để mở rộng tầm hoạt động; tự sản xuất máy bay tiêm kích loại nhỏ; mua sắm thêm cũng như hợp tác cùng sản xuất máy bay với các nước khác như Mỹ, Nga, Pháp.
Trong vài năm gần đây, đặc biệt là dưới thời Thủ tướng Na-ren-đờ-ra Mô-đi (5/2014), kinh tế Ấn Độ đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Ấn Độ trỗi dậy mạnh mẽ và ngày càng cải thiện vị thế ở khu vực và quốc tế nhờ tiềm lực kinh tế ngày một mạnh hơn cộng với tư duy đối ngoại rộng mở, có tầm nhìn và can thiệp toàn cầu của Thủ tướng Na-ren-đờ-ra Mô-đi.
Chính phủ của Thủ tướng Na-ren-đờ-ra Mô-đi về cơ bản tiếp tục đường lối đối ngoại của Chính phủ tiền nhiệm nhưng có sự điều chỉnh và triển khai một cách mạnh mẽ, quyết đoán hơn theo các hướng: ưu tiên hàng đầu cho việc củng cố và tăng cường quan hệ với các nước láng giềng Nam Á và đảm bảo vai trò lãnh đạo tại khu vực Ấn Độ Dương; phát triển quan hệ với các cường quốc cả ở phương Đông và phương Tây một cách cân bằng; cam kết sâu hơn với Châu Á - Thái Bình Dương thông qua chính sách Hành động Hướng Đông (Act East) (Giai đoạn II của Hướng Đông (Look East) trước đây). Ấn Độ cải thiện quan hệ theo hướng xích lại gần hơn với Mỹ và phương Tây.
Ở Châu Á-Thái Bình Dương, Thủ tướng Na-ren-đờ-ra Mô-đi thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực như kinh tế-thương mại, vấn đề khủng bố; tuyên bố coi phát triển quan hệ với ASEAN là trọng tâm và sẽ tích cực cùng các nước gìn giữ an toàn, an ninh và tự do hàng hải vì lợi ích chung. Ấn Độ cũng thúc đẩy các mối liên kết ba bên, bốn bên với các nước đồng minh thân cận của Mỹ như Nhật, Úc (thiết lập đối thoại an ninh cấp thứ trưởng ngoại giao Ấn-Nhật-Úc tháng 6/2015; tập trận hải quân Ấn-Úc tháng 9/2015; tập trận chung Mỹ-Ấn-Nhật tại Tây Thái Bình Dương); đẩy mạnh chiến lược hòa hợp hai đại dương Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với láng giềng, Ấn Độ khẳng định đây là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại với nhiều bước đi đột phá.
Ấn Độ ngày càng thể hiện vai trò tích cực tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong lĩnh vực chống khủng bố và an ninh hạt nhân, biến đổi khí hậu; đề ra nhiều sáng kiến như thành lập Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế (tại Hội nghị COP21 tháng 12/2015); sáng kiến ký kết Công ước của Liên hợp quốc về chống khủng bố quốc tế. Tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân vừa qua (4/2016) Ấn Độ được các nước đánh giá cao khi nêu đậm việc hợp tác toàn cầu trong kiểm soát hạt nhân, ngăn chặn bảo trợ và hậu thuẫn tài chính cho khủng bố. Ấn Độ cũng đã đạt được sự ủng hộ của nhiều nước quan trọng để tham gia vào Nhóm các nước cung cấp hạt nhân (NSG).
Ngay sau khi Việt Nam và Ấn Độ giành được độc lập, các mối quan hệ hữa nghị và hợp tác chính thức giữa hai nước đã dần được tạo dựng: Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã sang thăm Việt Nam năm 1954 ngay sau ngày hòa bình được lập lại ở miền Bắc Việt Nam, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Ấn Độ năm 1955; hai nước đã thiết lập quan hệ lãnh sự quán vào năm 1956 và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sang thăm Ấn Độ năm 1958. Hai nước chính thức nâng quan hệ ngoại giao lên cấp Đại sứ ngày 7/1/1972.
Trên nền tảng quan hệ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã dày công vun đắp 44 năm qua, chúng ta tự hào về sự phát triển tốt đẹp của các mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm kể từ khi hai nước thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược (7/2007). Đến nay, hai nước đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau, trong đó kim ngạch thương mại song phương năm 2013 đạt 5,23 tỷ USD, đạt 5,6 tỉ USD năm 2014 và 5,00 tỷ USD năm 2015; hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020.
Hai nước đã thiết lập cơ chế Tiểu ban Hỗn hợp thương mại nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và họp phiên đầu tiên tháng 1/2014. Quan hệ đầu tư giữa hai nước đã có những dấu hiệu khởi sắc và dự kiến tăng nhanh trong thời gian tới khi Tập đoàn TATA thực hiện dự án Nhiệt điện Long Phú II trị giá 1,8 tỷ USD tại tỉnh Sóc Trăng. Ấn Độ đứng thứ 28 trong số 110 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, hiện có 118 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 590 triệu USD.
Về giáo dục, Ấn Độ đang giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, kinh tế, luật, tiếng Anh… thông qua nhiều học bổng ngắn hạn và dài hạn (khoảng 150 suất). Ngoài ra, Ấn Độ đã mở Trung tâm đào tạo tiếng Anh tại thành phố Đà Nẵng.
Về văn hóa: Hai nước đã gia hạn Chương trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ. Ấn Độ đang thúc đẩy mở Trung tâm Văn hóa Ấn Độ tại Hà Nội, cam kết viện trợ cho Việt Nam thực hiện dự án bảo tồn tôn tạo các tháp Chàm tại Mỹ Sơn.
Việt Nam và Ấn Độ cũng đang xúc tiến mở đường bay thẳng. Tháng 11/2014, hãng JetAirways đã mở đường bay thẳng theo tuyến Mumbai-Bangkok-Thành phố Hồ Chí Minh. Hãng hàng không VietjetAir và Vietnam Airlines cũng đang xúc tiến mạnh việc mở các đường bay thẳng từ các thành phố lớn của Việt Nam đến các thành phố và trung tâm du lịch của Ấn Độ như Delhi, Mumbai, Bodh Gaya, v..v… trong thời gian sớm nhất.
Quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt. Bộ Quốc phòng hai nước thiết lập cơ chế Đối thoại Chính sách Quốc phòng năm 2003. Cho đến nay đã tổ chức được 9 phiên họp (2003, 2006, 2007, 2008, 2010, 2011, 2012, 2013, 1/2015). Hợp tác quốc phòng hai nước đã được mở rộng trong cả 3 quân binh chủng hải, lục, không quân và tập trung vào 3 lĩnh vực đào tạo, công nghiệp quốc phòng và tàu thăm viếng; ngoài ra là hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trên các lĩnh vực.
Về tài chính - tín dụng, từ năm 1976, Ấn Độ đã dành cho Việt Nam nhiều khoản tín dụng ưu đãi. Gần đây có, tín dụng ưu đãi trị giá 45 triệu USD cho dự án Thủy điện Nậm Chiến (2008), khoản tín dụng ODA 19,5 triệu USD, trong đó trên 10 triệu USD cho Dự án Thủy điện Nậm Trai 4 (Sơn La) (2012); 100 triệu USD cho quốc phòng; khoản 3 triệu USD để trùng tu khu tháp Chàm Mỹ Sơn; 300 triệu USD cho dệt may.
Về dầu khí, Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ hợp tác khai thác dầu khí từ năm 1988. Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này có hiệu quả và được cả hai nước đánh giá cao; Ấn Độ tiếp tục hợp tác tại các lô dầu khí 106, 128 của Việt Nam.
Về khoa học - công nghệ, đây là một trong các trụ cột của mối quan hệ Đối tác chiến lược hai nước. Hai nước có Tiểu ban hỗn hợp về khoa học công nghệ thường xuyên tổ chức họp. Tháng 2/2012, hai bên đã ký MOU về nâng cao năng lực tính toán hiệu năng cao tại Việt Nam, theo đó Ấn Độ đã chuyển giao cho Việt Nam siêu máy tính PARAM.
Tại các diễn đàn đa phương: Việt Nam và Ấn Độ phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau (Liên hợp quốc, ASEAN, ARF, ADMM+, v.v). Ấn Độ đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ (MES) tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 15 (tháng 10/2009, Thái Lan).
Những kết quả mà hai nước đã đạt được không chỉ tiếp nối xứng đáng truyền thống quan hệ giữa hai nước, mà còn làm cho các mối quan hệ ấy không ngừng được mở rộng, thường xuyên được thúc đẩy vươn tới những mục tiêu có ý nghĩa to lớn hơn, quan trọng hơn và thiết thực hơn đối với cả hai nước trên mọi lĩnh vực.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng những tình cảm quý báu của nhân dân Ấn Độ dành cho Việt Nam trước đây cũng như hiện nay, đó là sự ủng hộ chí tình, sự giúp đỡ kịp thời mà nhân dân Ấn Độ dành cho Việt Nam trong cả những thời kỳ khó khăn và gian nan nhất. Sự hỗ trợ về tín dụng, giáo dục, khoa học công nghệ và nhiều lĩnh vực khác có ý nghĩa và tác dụng thực tiễn không nhỏ đối với thành công của sự nghiệp Đổi mới, của công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay. Là nước có Quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam là không ngừng tăng cường quan hệ hợp tác với Ấn Độ trong cả khuôn khổ song phương và đa phương./.