Tăng cường sự tham gia của Quốc hội Việt Nam tại diễn đàn IPU

Thứ hai, 17/12/2018 23:50
Bên lề Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững”, sáng 17/12, tại thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Martin Chungon.

Bày tỏ vui mừng gặp lại Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn Tổng Thư ký IPU đã nhận lời mời của Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị. 

 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, là người rất quan tâm đến vai trò của Nghị viện trong việc giám sát thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) với mục tiêu chọn Việt Nam là nước thí điểm ở khu vực, Tổng Thư ký Martin Chungong đã đề xuất và ủng hộ Quốc hội Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị IPU khu vực châu Á - Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 5/2017, để khẳng định cam kết chung tay cùng nhân dân Việt Nam và thế giới trong công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. 

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Liên hợp quốc, Liên minh Nghị viện Thế giới tổ chức Hội nghị về “Quốc hội và các Mục tiêu phát triển bền vững” và phổ biến nội dung Bộ Công cụ tại thành phố Đà Nẵng. Đây là những nội dung hết sức cô đọng, mang tính chất định hướng, các tiêu chí đánh giá để Quốc hội các nước cùng tham khảo, áp dụng nhằm tăng cường vai trò của Quốc hội đối với việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở mỗi quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đối với Việt Nam, Quốc hội nghiên cứu và tham khảo những nội dung trong Bộ Công cụ cũng như từ kinh nghiệm của một số nước đã áp dụng. Hội nghị lần này là bước khởi động để các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân địa phương bắt tay vào việc xây dựng một số kế hoạch hành động nhằm tham gia sâu hơn vào việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, phù hợp với những ưu tiên, yêu cầu và hoàn cảnh phát triển của mỗi địa phương.

Nhân dịp này, thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn những tình cảm tốt đẹp và những đóng góp tích cực của ông Martin Chungon trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và IPU, đặc biệt tăng cường sự tham gia của Quốc hội Việt Nam tại diễn đàn quan trọng này; cảm ơn Tổng Thư ký IPU và Ban Chấp hành IPU đã nhất trí thông qua đề cử của Nhóm châu Á – Thái Bình Dương đã bầu ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, thành viên Ban Chấp hành IPU là Phó Chủ tịch IPU nhiệm kỳ 2018-2019. 

Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới Martin Chungon cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian cho cuộc tiếp; đánh giá cao những nỗ lực Quốc hội Việt Nam trong tổ chức Hội nghị về “Quốc hội và các Mục tiêu phát triển bền vững”.

Ông Martin Chungon nhấn mạnh, Việt Nam là hình mẫu trong thực hiện các chương trình, dự án. Vào tháng 5 năm 2017, tại Thành phố Hồ Chí Minh, IPU và Quốc hội Việt Nam đã phối hợp tổ chức Lễ công bố Bộ Tiêu chí tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững dành cho các Nghị viện do IPU và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) xây dựng. 

Cùng với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), IPU đã xây dựng và ban hành Bộ Công cụ tự đánh giá về việc thực hiện các SDGs dành cho các nghị viện. Là một thành viên tích cực trong IPU, Việt Nam được chọn là một trong những quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương công bố Bộ Công cụ này tới các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. 

Đánh giá cao sự tích cực của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, ông Martin Chungon cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có sự chỉ đạo tích cực trong thực hiện; đồng thời cho rằng, trên cơ sở nền tảng của mối quan hệ tốt đẹp giữa IPU và Quốc hội Việt Nam, thời gian tới hai bên tiếp tục quá trình hợp tác về những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Việt Nam sẽ sử dụng Bộ công để giám sát quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. IPU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này.

Liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Tổng Thư ký IPU đã trao đổi về vấn đề dinh dưỡng; nhấn mạnh Việt Nam có chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, trong đó có việc nâng cao tiêu chuẩn về dinh dưỡng cho trẻ em; khẳng định IPU sẵn sàng hợp tác với Việt Nam về lĩnh vực này.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại hội nghị lần này, các bộ ngành hữu quan Việt Nam sẽ có những phát biểu thể hiện sự cam kết trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Việc lồng ghép 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam có nội dung về dinh dưỡng. Là đất nước có tiềm năng phát triển nông nghiệp, sản xuất lúa gạo, thủy sản..., trong phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam đang nỗ lực giải quyết các vấn đề về dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe người dân…  

Trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, các bộ, ngành, địa phương sẽ được yêu cầu căn cứ vào Bộ công cụ để tự đánh giá, cùng với báo cáo hàng năm của Chính phủ sau đó tổng hợp thành báo cáo chung. Các kết luận của việc đánh giá sẽ hỗ trợ Quốc hội đặt ra những ưu tiên nhằm thực hiện các SDG hiệu quả hơn./.

Hoàng Thị Hoa/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực