(Ảnh minh họa. Ảnh: Đỗ Thoa)
Theo PGS.TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 áp dụng cho đối tượng không tham gia BHYT và người có thẻ BHYT nhưng không sử dụng. Theo lộ trình, có 30 tỉnh thực hiện vào tháng 8/2017, 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10/2017 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12/2017. TP.Hồ Chí Minh vừa thực hiện điều chỉnh tăng viện phí vào ngày 1/10 vừa qua và trước đó, TP. Hà Nội cũng đã thực hiện tăng giá viện phí vào tháng 8/2017.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết, Luật BHYT quy định BHYT là bắt buộc, tuy nhiên hiện nay vẫn còn hơn 15% dân số chưa tham gia BHYT. Thực hiện Thông tư 02 sẽ khuyến khích người chưa có thẻ BHYT tham gia BHYT, tạo thuận lợi cho các cơ sở y tế trong việc thu và quản lý nguồn thu, các bệnh viện có kinh phí để nâng cao chất lượng dịch vụ. Thông tư 02 không làm ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội vì các đối tượng này đã được nhà nước mua thẻ BHYT và được BHXH thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo quy định.
Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế đã kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí 3 yếu tố trực tiếp, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng 2-3 lần giá cũ và sẽ do người bệnh trả 100%. Do vậy, những người chưa có thẻ BHYT sẽ chịu tác động đáng kể khi các bệnh viện điều chỉnh giá các dịch vụ y tế.
Cụ thể, theo Thông tư 02, có 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa. Bao gồm: Giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện (BV).
Trong 3 nhóm dịch vụ này, cả hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng giá rất mạnh, cao gấp 2- 4 lần so với giá hiện tại.
Cụ thể, tiền khám bệnh đã tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2. Theo quy định mới, tiền khám tối đa ở BV hạng đặc biệt và BV hạng 1 là 39.000 đồng/lượt; hạng 2 là 35.000 đồng/lượt; hạng 3 là 31.000 đồng/lượt và BV hạng 4/PKĐK khu vực, trạm y tế xã là 29.000 đồng/lượt.
Tương tự, giá tối đa dịch vụ ngày điều trị hồi sức tích cực tại BV hạng đặc biệt cũng tăng gấp đôi lên 677.100 đồng; BV hạng 1 là 632.200 đồng; BV hạng 2 là 568.900 đồng. Đối với ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu, chống độc, các mức tương ứng là: 362.800 đồng/ngày, 335.900 đồng/ngày, 279.100 đồng/ngày; tại BV hạng 3 là 245.700 đồng/ngày và BV hạng 4 là 226.000 đồng/ngày...
Mức tăng này là rất đáng kể khi người bệnh phải điều trị nội trú, điều trị dài ngày. Tuy nhiên, tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT phải là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng BV, bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú, điều trị ít ngày hay dài ngày.
Với 1.916 dịch vụ được điều chỉnh tăng giá trong Thông tư này, mặc dù điều chỉnh mức tăng chủ yếu ở khoảng 20 - 30%, một số ít có mức tăng gấp đôi so với mức giá hiện hành, nhưng số tiền tuyệt đối của nhiều dịch vụ lên tới hàng trăm nghìn; thậm chí, đến cả triệu đồng cho một lần chỉ định, do đơn giá dịch vụ kỹ thuật vốn đã có kết cấu chi phí cao.
Theo Thông tư 02, chỉ có nhóm giá khám bệnh, ngày giường điều trị là khác nhau theo hạng BV, còn lại các các dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm đều thực hiện thống nhất một mức giá tại tất cả các BV trên toàn quốc. Điều khác nhau cơ bản giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT là bệnh nhân BHYT đã được quỹ BHYT chi trả từ 80 đến 100% chi phí, tùy theo từng đối tượng thụ hưởng. Còn bệnh nhân khám dịch vụ sẽ phải chi trả 100% toàn bộ chi phí KCB.
Như vậy, khoản tiền người KCB không có BHYT phải trả thêm so với mức giá hiện hành sẽ là con số không nhỏ. Đặc biệt, những bệnh nhân cần sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao thì mức chi 100% từ tiền túi rất lớn, ví dụ như chụp PET/CT, chi phí tối đa đã lên tới hơn 20 triệu đồng; chi phí PET/CT mô phỏng xạ trị gần 21 triệu đồng...
Việc tăng giá viện phí lần này, số người không có thẻ BHYT sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi chẳng may bị những căn bệnh hiểm nghèo. Mà theo nhận định của ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người dân chưa tham gia BHYT tập trung vào hai nhóm: nhóm thứ nhất là những người không nghèo, không cận nghèo, thậm chí những người có mức sống trung bình khá và cao. Đặc biệt những công dân Việt Nam đang làm ở văn phòng đại diện nước ngoài, họ không quan tâm tới BHYT mà tham gia vào những loại hình bảo hiểm thương mại. Nhóm thứ hai là những hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có thu nhập theo mùa vụ. Nhóm đối tượng này nếu chưa có thẻ BHYT sẽ gặp khó khăn ban đầu khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế của người chưa có BHYT lên ngang bằng giá của người có BHYT.
Trước thông tin về việc tăng giá viện phí từ ngày 1/8 đối với các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, nhiều người chưa có thẻ BHYT đã chủ động mua BHYT. Ngồi chờ mua thẻ BHYT tại phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chị Trần Ánh Ngọc chia sẻ: "Nghe nói tăng giá khám và điều trị bệnh đối với người chưa có thẻ BHYT nên tôi tranh thủ ra mua BHYT cho hai vợ chồng. Bệnh tật không biết đến lúc nào, nên mua BHYT để phòng khi ốm đau".
Theo thống kê, tại Hà Nội có 82,4% dân số đã có thẻ BHYT trong đó bao gồm người già, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo và cận nghèo, chính sách xã hội. Số còn lại là 17,6% dân số có mức sống ổn định nhưng chưa tham gia BHYT sẽ là đối tượng chịu tác động của việc điều chỉnh giá viện phí lần này.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Khắc Hiền, 17,6% người chưa tham gia BHYT không phải là con số quá cao nên việc tăng giá dịch vụ y tế có thể kiểm soát được, không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của toàn Thành phố cũng như không tạo nên sự biến động quá lớn về thị trường giá cả.
Việc điều chỉnh giá cũng giúp các cơ sở y tế có điều kiện tăng chất lượng dịch vụ do bảo đảm các yếu tố cấu thành giá dịch vụ: Thuốc, hóa chất, vật tư y tế được tính đúng, tính đủ. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý khám chữa bệnh thống nhất một danh mục, một giá. Mặt khác, việc tăng giá lần này cũng phần nào tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, thúc đẩy người dân mua BHYT, tăng độ bao phủ và tiến tới BHYT toàn dân
Khi thực hiện mức tối đa khung giá dịch vụ y tế tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT, việc tăng giá sẽ tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, tạo sự công bằng hơn trong việc thực hiện chính sách chung khi giá dịch vụ Y tế tương đương nhau cung cấp cho cả người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT, người dân sẽ thấy lợi ích của BHYT để tham gia và càng rõ hơn tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tham gia BHYT, bảo đảm chủ trương tiến tới BHYT toàn dân, làm Quỹ BHYT bền vững hơn./.