Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì cuộc Đối thoại (ảnh: BTC Hội nghị cung cấp)
Tham dự Đối thoại có các nhà lãnh đạo kinh tế APEC cùng Thủ tướng Campuchia Xăm-đéc Tê-chô Hun-sen; Chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vo-la-chít và Cố vấn Nhà nước Mianma Oong San Su chi.
Phát biểu khai mạc cuộc Đối thoại, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Đối thoại diễn ra vào thời điểm châu Á - Thái Bình Dương đang trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng. Bên cạnh những xu hướng tích cực và những vận hội lớn đang nổi lên, khu vực của chúng ta cũng đang đối mặt với những thách thức, nhất là liên kết đang chậm lại và rủi ro về tăng trưởng trong trung hạn và dài hạn.
Cuộc Đối thoại phản ánh mong muốn của chúng ta trong việc cùng nhau tạo động lực mới cho liên kết, kết nối kinh tế khu vực và ứng phó có hiệu quả với những thách thức chung. Đồng thời, Đối thoại cũng cho thấy kỳ vọng và tầm nhìn chung của các nhà lãnh đạo hai diễn đàn trong việc xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương kết nối toàn diện, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng.
Chủ tịch nước khẳng định, APEC và ASEAN đều là hai cơ chế hội nhập khu vực thành công, luôn đi đầu trong việc thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực. APEC đã khẳng định là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực và là vườn ươm ý tưởng của tương lai. ASEAN đã góp phần quan trọng đưa Đông Nam Á từ đối đầu sang đối thoại, từ nghi kỵ sang hợp tác, từ chia rẽ sang đoàn kết và liên kết, mà đỉnh cao là việc hình thành Cộng đồng ASEAN.
Trong bối cảnh năm nay đánh dấu việc cả APEC và ASEAN đều đang chuẩn bị bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng: APEC đang chuẩn bị bước vào thập niên thứ tư và xây dựng tầm nhìn sau năm 2020; ASEAN đang ở năm kỷ niệm vàng sau 50 năm thành lập và đang tích cực thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025, Chủ tịch nước cho rằng, cuộc Đối thoại là cơ hội tốt để các nhà lãnh đạo chia sẻ tầm nhìn và định hướng cho hợp tác APEC - ASEAN, đặc biệt là làm thế nào để hai Diễn đàn có thể bổ trợ lẫn nhau trong việc ứng phó có hiệu quả những thách thức chung về liên kết, kết nối kinh tế và cùng nhau củng cố cấu trúc kinh tế khu vực bền vững, qua đó tạo động lực mới cho một châu Á - Thái Bình Dương kết nối toàn diện, vì hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.
Tổng thống Phi-líp-pin Rô-dri-gô Đu-tê-tê đã có bài phát biểu trên cương vị Chủ tịch ASEAN, khẳng định APEC là nơi khởi xướng ý tưởng và động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực; đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tổ chức Đối thoại giữa APEC và ASEAN nhằm kết nối chặt chẽ hơn tầm nhìn của các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC và các nhà lãnh đạo ASEAN.
Tiếp đó, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đã chia sẻ nhiều ý kiến sâu sắc, gợi mở những phương hướng và biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa APEC và ASEAN; đẩy mạnh phối hợp giữa hai cơ chế trong nỗ lực xây dựng một cấu trúc kinh tế khu vực bền vững, minh bạch, có khả năng thích ứng cao; chú trọng kết nối toàn diện về con người, kết cấu hạ tầng và thể chế, hợp tác thúc đẩy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa…; và triển khai các sáng kiến liên kết kinh tế góp phần hiện thực hóa một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương liên kết toàn diện.
Đây là cuộc Đối thoại đầu tiên giữa APEC và ASEAN, được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam. Cuộc Đối thoại đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phối hợp và bổ trợ giữa hai cơ chế hợp tác khu vực quan trọng là APEC và ASEAN, hướng tới mục tiêu chung nâng cao vai trò của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu./.