Tạo khung pháp lý cho việc tổ chức hoạt động phòng không nhân dân

Thứ tư, 30/10/2024 18:00
(ĐCSVN) – Đại biểu Quốc hội đánh giá, dự thảo Luật Phòng không nhân dân đã được tiếp thu, giải trình theo hướng khái quát hơn, đáp ứng cơ bản yêu cầu về tư duy đổi mới trong xây dựng pháp luật. Đồng thời dự thảo Luật đã thể chế đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Chiều 30/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng không nhân dân.

Dự thảo Luật Phòng không nhân dân sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 8 chương với 55 điều, đã thể chế đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không...

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày, về nội dung quy định tại Điều 5 về nhiệm vụ phòng không nhân dân, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cụ thể độ cao “dưới 5.000m” vì khó xác định độ cao của máy bay, vật thể bay và khó khăn trong phòng thủ, đánh trả.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng không nhân dân chiều 30/10. Ảnh: QH 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật quy định phòng không nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 m là dựa trên cơ sở nhiệm vụ, vũ khí, trang bị được biên chế, khả năng tác chiến của lực lượng phòng không nhân dân và quan hệ phối hợp với các lực lượng khác trong sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không.

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại khoản này theo hướng không quy định cụ thể các lực lượng mà quy định các nhiệm vụ cụ thể để xác định rõ vị trí, vai trò của lực lượng phòng không nhân dân trong quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 m.

Về lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân, có ý kiến cho rằng, quy định về lực lượng phòng không nhân dân huy động là khó khả thi; cân nhắc quy định việc huy động nhân lực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quần chúng khi tham gia vào lực lượng phòng không nhân dân huy động.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với nguyên tắc xây dựng lực lượng phòng không nhân dân liên hoàn, rộng khắp, vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thay cụm từ “lực lượng phòng không nhân dân huy động” bằng cụm từ “lực lượng rộng rãi” để có tính bao quát hơn; đồng thời chỉ đạo nghiên cứu, chỉnh lý theo hướng làm rõ lực lượng phòng không nhân dân.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, các đại biểu đánh giá, dự thảo Luật lần này đã được tiếp thu, giải trình theo hướng khái quát hơn, đáp ứng cơ bản yêu cầu về tư duy đổi mới trong xây dựng pháp luật, đó là chỉ quy định tại luật những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa nghị định, thông tư.

Quan tâm tới nội dung tại Điều 6 về trọng điểm phòng không nhân dân, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đề nghị, tại khoản 2 dự thảo Luật cần bổ sung, quy định rõ khi một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được xác định là trọng điểm phòng không nhân dân cấp tỉnh thì các quận, huyện trực thuộc tỉnh, thành phố này có đương nhiên là trọng điểm phòng không nhân dân cấp huyện hay không.

Góp ý về chế độ, chính sách đối với người được huy động tham gia hoạt động phòng không nhân dân tại Điều 43, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nêu rõ, khoản 1 và khoản 2 quy định cụ thể đối với những người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

 Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) phát biểu tại hội trường chiều 30/10. Ảnh: QH

Theo đó, người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước khi được huy động tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng không nhân dân theo quyết định của cấp có thẩm quyền được Nhà nước chi trả tiền công lao động theo ngày huy động đảm bảo không thấp hơn mức tiền công hiện hưởng, trường hợp không có thu nhập ổn định thì đảm bảo không thấp hơn mức thu nhập trung bình tại địa phương và được hỗ trợ tiền ăn, tiền tàu xe theo quy định của pháp luật.

Vậy người lao động tại doanh nghiệp khi tham gia hoạt động phòng không nhân dân được hưởng chế độ như thế nào? Chủ thể nào sẽ chi trả cho họ? Doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả tiền công, tiền lương cho họ trong thời gian tham gia hoạt động phòng không nhân dân hay không? Băn khoăn với nội dung này, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị, quy định theo hướng: khi người lao động tại doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền huy động tham gia hoạt động phòng không nhân dân thì được hưởng nguyên tiền lương, tiền công, các phúc lợi khác và doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả.

Tại khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật quy định, trong thời bình, thời hạn huy động để tham gia bồi dưỡng, tập huấn, diễn tập phòng không nhân dân hoặc diễn tập khu vực phòng thủ của địa phương không quá 7 ngày/năm. Theo đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng), quy định như vậy sẽ thiếu tính đồng bộ vì có thể đơn vị sẽ tổ chức từ 1-7 ngày. Đại biểu kiến nghị bỏ cụm từ “không quá”, bổ sung cụm từ khác để thống nhất chung thời gian từ 5-7 ngày để đảm bảo thời gian huy động tham gia bồi dưỡng, tập huấn phòng không nhân dân hoặc diễn tập khu vực phòng thủ của địa phương.

Cho ý kiến đối với dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị bổ sung, chuẩn hóa một số vấn đề từ ngữ, về lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân, tổ chức lực lượng phòng không nhân dân, nhất là tổ chức lực lượng ở các doanh nghiệp phù hợp với phương án tác chiến phòng thủ, không làm gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật của người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng quan tâm cho ý kiến về vấn đề quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay khác; về thẩm quyền đình chỉ, miễn cấp phép bay, tầm nhìn trực quan; về đình chỉ, thu hồi giấy phép của phương tiện bay không người lái...

Đa số đại biểu nhất trí về việc phân định, phân cấp để phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cá nhân, tổ chức sử dụng thiết bị bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ song cần đảm bảo yêu cầu về quốc phòng, an ninh; cho rằng cần phân loại hoạt động bay, vùng bay từ đó phân hóa trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ thể gắn với từng hoạt động bay, làm rõ quy định về Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã bám sát kết luận, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của đại biểu Quốc hội để tổ chức tiếp thu, giải trình và hoàn chỉnh dự thảo Luật một cách công phu.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh tập trung chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các đại biểu Quốc hội tại phiên họp để hoàn chỉnh báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có Báo cáo tiếp thu giải trình theo đúng thời gian quy định. 

Cũng tại phiên họp, Quốc hội đã nghe các Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương./.

 

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực