Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Truyền thống ngành Tư pháp (28/8/1945- 28/8/2021), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã có những chia sẻ về chặng đường phát triển đầy vinh quang của Bộ, ngành Tư pháp và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Phóng viên (PV):Thưa Bộ trưởng, trải qua 76 năm hình thành, phát triển, ngành tư pháp đã có nhiều đóng góp quan trọng trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và xây dựng Nhà nước pháp quyền. Xin Bộ trưởng chia sẻ rõ hơn về những kết quả này?
Bộ trưởng Lê Thành Long: Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm 13 Bộ, trong đó, Bộ Tư pháp do luật sư Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng. Trải qua 76 năm xây dựng và phát triển, từ buổi đầu được thành lập, trải qua những tháng năm gian lao của hai cuộc kháng chiến cho tới thời kỳ Đổi mới, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp có thể tự hào về những đóng góp của Bộ, Ngành trong các giai đoạn phát triển của đất nước.
Những ngày đầu thành lập, Bộ Tư pháp đã chủ động tham mưu để Chính phủ lâm thời ban hành nhiều sắc lệnh và văn bản quy phạm pháp luật quan trọng thiết lập hệ thống tư pháp của chế độ mới, đồng thời tích cực tham gia xây dựng Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước nhà. Giai đoạn này, Bộ, ngành Tư pháp cũng đã làm tốt công tác xây dựng, quản lý hệ thống tư pháp và đội ngũ thẩm phán, công tố, thi hành án của chính quyền non trẻ.
Từ năm 1986, Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi mới toàn diện. Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành giúp Chính phủ trình Quốc hội ban hành những đạo luật mang tính rường cột của nước nhà về dân sự, hình sự, xử lý vi phạm hành chính, về luật sư, công chứng, giám định tư pháp, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, thi hành án dân sự… tạo tiền đề cho việc chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mở cửa, hội nhập và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Những năm gần đây, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao cho Bộ, ngành Tư pháp ngày càng nhiều, với yêu cầu ngày càng cao hơn về chất lượng, tiến độ, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về nguồn lực, tác động tiêu cực của dịch COVID-19, tuy nhiên, với bề dày truyền thống tốt đẹp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp đã thực sự cố gắng, phát huy tinh thần đoàn kết để vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao, nhiều lĩnh vực có sự khởi sắc, trở thành điểm sáng, nổi bật trên một số điểm sau:
|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm việc với Sở Tư pháp Thái Nguyên. Ảnh: TH. |
Ngành Tư pháp đã chủ động, tích cực tham mưu giúp Chính phủ, Quốc hội, chính quyền các cấp thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng. Tới nay, hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi, đặt trọng tâm vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Ngành ngày càng được nâng cao, đảm bảo tiến độ; ngoài những khía cạnh pháp lý, các ý kiến thẩm định đã kịp thời đề xuất các giải pháp khắc phục, điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, thiết lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng hơn;
Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật đạt nhiều kết quả cụ thể. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản đã kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, được các cơ quan có thẩm quyền và người dân đánh giá cao. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đẩy mạnh;
Kết quả thi hành án dân sự (THADS) rất đáng ghi nhận, nhất là trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Công tác theo dõi, đôn đốc thi hành án hành chính có nhiều chuyển biến tích cực; công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, bồi thường nhà nước, đăng ký giao dịch bảo đảm tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai đồng bộ và có nhiều giải pháp đổi mới, đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp;
Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Với vai trò đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết các tranh chấp quốc tế về đầu tư, thương mại, Bộ Tư pháp đã bảo vệ thành công một số vụ kiện, góp phần quan trọng bảo vệ lợi ích quốc gia;
Công tác xây dựng và phát triển Ngành được chú trọng; tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp, pháp chế, đội ngũ cán bộ tiếp tục được kiện toàn. Các cơ sở đào tạo của Bộ tiếp tục củng cố được vị thế là những cơ sở đào tạo luật có uy tín hàng đầu Việt Nam. Hoạt động khoa học có nhiều khởi sắc. Công tác báo chí, xuất bản, truyền thông có bước phát triển mạnh.
Những thành quả đó chính là sản phẩm của sự tâm huyết, lòng yêu nghề, trí tuệ và những cố gắng không mệt mỏi của lớp lớp các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành Tư pháp cả nước trong suốt 76 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
PV: Đại hội XIII của Đảng ta tiếp tục xác định việc xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong 3 khâu đột phá chiến lược cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới. Ngành tư pháp đã có những định hướng, nhiệm vụ trọng tâm nào cần ưu tiên thực hiện, đặc biệt trong xây dựng, hoàn thiện thể chế gắn với nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, thưa Bộ trưởng?
|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: TH. |
Bộ trưởng Lê Thành Long: Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu đưa nước ta trở thành “nước phát triển, theo định hướng XHCN, có thu nhập cao” vào năm 2045 từ vị trí là quốc gia thu nhập trung bình thấp hiện nay. Thực tiễn 35 năm đổi mới và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để hiện thực hóa khát vọng kể trên, nhất thiết, chúng ta phải xây dựng được thể chế phát triển có chất lượng cao đi kèm với nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Đại hội XIII của Đảng ta tiếp tục xác định việc xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong 3 khâu đột phá chiến lược cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh nội dung này tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp trong tháng 5/2021 và tại nhiều văn bản, chỉ đạo gần đây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này, bám sát các Chỉ thị của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động số 10-Ctr/BCS ngày 21/6/2021 về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau đây: Tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, phổ biến nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nâng cao vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong việc tham mưu với Quốc hội, Chính phủ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch..; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, giảm thiểu rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ đối với xã hội, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp; Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính…; Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp; Nâng cao hiệu quả công tác pháp luật quốc tế…; Tăng cường công tác xây dựng Bộ, ngành, đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học pháp lý.
Đây cũng chính là những định hướng nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ, Ngành Tư pháp cần thực hiện trong thời gian tới nhằm sớm đưa những quyết sách quan trọng của Đảng về xây dựng, hoàn thiện thể chế gắn với nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật vào cuộc sống.
PV: Nhân dịp 76 năm ngày Truyền thống Ngành Tư pháp, Bộ trưởng có điều gì nhắn gửi đối với đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành?
Bộ trưởng Lê Thành Long: Năm nay, Bộ, ngành Tư pháp kỷ niệm 76 năm Ngày Truyền thống trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang chung sức phòng, chống đại dịch COVID-19. Chính vì thế, chúng ta không tổ chức các hoạt động kỷ niệm như thường lệ mà dành sự quan tâm, nguồn lực cùng chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Trong thời gian qua, trước bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp đã nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nỗ lực cùng các cơ quan, ban, ngành tham mưu cho Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều giải pháp để từng bước đẩy lùi đại dịch, tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam nhất là trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Bằng cách này hay cách khác, chúng ta đều thấy dấu ấn đậm nét của Bộ, ngành Tư pháp với những đóng góp thiết thực, cụ thể, nhất là trong công tác tham mưu xây dựng pháp luật, phản ứng chính sách kịp thời đối phó với dịch bệnh, đảm bảo sự phát triển thông suốt của nền kinh tế.
Tiếp nối chặng đường vẻ vang 76 năm qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19: “chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa”, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ tin tưởng và mong muốn rằng, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, lòng yêu ngành, yêu nghề, đoàn kết, trí tuệ, sáng tạo hơn nữa, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
PV: Trân trọng cám ơn Bộ trưởng!