Đường tới sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng quá tải (Ảnh: K.V)
Theo đó, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh vừa thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư đường trên cao số 1 với tỷ lệ tham gia góp vốn là 80%. Việc lập Công ty này nhằm triển khai, quản lý dự án đường trên cao từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố.
Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự án đường trên cao nói trên được bắt đầu từ nút giao Lăng Cha Cả, tiếp đó, chạy dọc đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long nối dài và giao với đường Điện Biên Phủ. Sau đó sẽ có một nhánh xuống nút giao đường Điện Biên Phủ; nhánh còn lại sẽ đi theo đường Ngô Tất Tố và kết thúc ở cầu Phú An (phường 22, quận Bình Thạnh). Tổng chiều dài của tuyến đường là 9,5 km.
Tuyến đường này dự tính sẽ chi phí khoảng 15.000 tỉ đồng, bao gồm bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hình thức đề xuất đầu tư là xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Theo tiêu chuẩn chung, đường trên cao có bốn làn xe chạy hai chiều và có dải phân cách giữa cùng vách chắn an toàn hai bên. Theo thiết kế, hệ trụ từ dưới đất lên có thể nằm lọt giữa dải phân cách của mặt đường hiện hữu. Còn hệ đà trụ phía trên sẽ là hình chữ T xòe ra hai bên. Ngoài ra, bốn làn đường trên cao sẽ được thiết kế gọn, đẹp để chúng không tỏa ra che hết mặt đường bên dưới.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị, dự kiến năm 2017 sẽ khởi công và hoàn thành sau 3 năm xây dựng nếu có được mặt bằng sạch.
Trước đó, tuyến đường trên cao số 1 được đề xuất đầu tư theo hướng tuyến cũ từ nút giao Lăng Cha Cả - kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - Nguyễn Hữu Cảnh. Tuy nhiên, theo các đơn vị chức năng, hướng tuyến cũ đi dọc kênh sẽ phá vỡ cảnh quan dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vừa được chỉnh trang. Ngoài ra, hướng tuyến này còn có nhiều khúc cong cua, gấp khúc nên khi đi trên cao phải xử lý kỹ thuật phức tạp. Công trình đường trên cao không chỉ là công trình giao thông thuần túy, mà nó còn là công trình kiến trúc, mỹ thuật bổ sung cho cảnh quan đô thị của thành phố Hồ Chí Minh.
Được biết, theo Quyết định 568/2013 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hồ Chí Minh có năm đường trên cao, gồm: Tuyến số 1 dài khoảng 9,5 km. Điểm đầu ở nút giao Lăng Cha Cả và điểm cuối ở cầu Phú An. Tuyến số 2 dài gần 12 km. Điểm đầu giao với đường trên cao số 1 tại nút giao Lăng Cha Cả - Bùi Thị Xuân - cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - Bắc Hải - Thiên Phước - Âu Cơ - Công viên Đầm Sen - rạch Bàu Trâu - Chiến Lược - hương lộ 2 và kết thúc tại quốc lộ 1 (quận Bình Tân). Tuyến số 3 dài hơn 8 km, điểm đầu giao với tuyến số 2 tại đường Thành Thái - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - rạch Ông Lớn - Nguyễn Văn Linh. Tuyến số 4 dài khoảng 7,3 km, bắt đầu từ quốc lộ 1 (giao với tuyến trên cao số 5) - Vườn Lài - vượt sông Vàm Thuật và đường sắt Bắc-Nam - Phan Chu Trinh - chung cư Mỹ Phước - Điện Biên Phủ, giao với tuyến số 1. Tuyến số 5 dài khoảng 34 km, tuyến đi trùng đường Vành đai 2 (quốc lộ 1) từ nút giao Trạm 2 đến nút giao An Lạc./.