Thảo luận kỹ để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

Thứ hai, 03/10/2022 10:15
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Đề án, Tờ trình và dự thảo Nghị quyết trình Hội nghị Trung ương lần này đã được Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc trên cơ sở 27 báo cáo chuyên đề tổng kết toàn diện cả về lý luận và thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời gian qua.
Hình ảnh tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII. (Ảnh: Phạm Cường) 

Tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII lần này, Trung ương sẽ thảo luận về Đề án, dự thảo Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Phát biểu khai mạc Hội nghị sáng 3/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đây là vấn đề rất cơ bản, rộng lớn, phức tạp, nhạy cảm, hệ trọng, liên quan đến sự tồn vong của chế độ, sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Tổng Bí thư nêu rõ: Như chúng ta đều biết, từ khi Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời vào năm 1945 đến nay, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu có chọn lọc những giá trị phổ quát của nhân loại về Nhà nước pháp quyền để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, và đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu rất quan trọng. Cụ thể là: Việc quản lý nhà nước bằng pháp luật được chú trọng và tăng cường; hệ thống pháp luật được từng bước xây dựng, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định, kế thừa những nội dung đúng đắn, tiến bộ của các bản Hiến pháp trước đó, đồng thời có những sửa đổi và bổ sung quan trọng, hoàn thiện thêm cơ cấu bộ máy nhà nước, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ và hệ thống các cơ quan tư pháp, phát huy ngày càng đầy đủ cả ba quyền: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp theo đúng quy định của Hiến pháp: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước.

Dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được nhận thức đúng đắn hơn và phát huy mạnh mẽ hơn, coi đây là cốt lõi của vấn đề đổi mới hệ thống chính trị. Về kinh tế, đó là quyền được tự do sản xuất kinh doanh ở tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm; quyền sở hữu hợp pháp tài sản và quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ; mọi tiềm năng, nhiệt tình, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân được phát huy... Về chính trị, đó là quyền dân chủ trong bầu cử, ứng cử, đề cử; trong thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng các dự án luật; là sinh hoạt dân chủ trong các cơ quan dân cử, các đoàn thể xã hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng; là quyền con người, quyền công dân ngày càng được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn...

Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước được đổi mới và có những tiến bộ đáng kể. Quốc hội hoạt động ngày càng có chất lượng cao hơn, dân chủ hơn, thiết thực hơn. Tổ chức, hoạt động và điều hành của Chính phủ từng bước được đổi mới, tập trung vào công việc quản lý vĩ mô, đồng thời chỉ đạo tổ chức thực hiện tương đối sâu sát, nhanh nhạy. Hoạt động của Viện Kiểm sát và Toà án các cấp cũng có những bước tiến mới. Tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò trong đời sống xã hội. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước có nhiều đổi mới, từng bước được xác định rõ và cụ thể hơn, có chất lượng và hiệu quả cao hơn, tạo điều kiện cho việc kiện toàn, phát huy vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước.

Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới, trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định sự cần thiết phải "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam"; coi đây "là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị" ở nước ta; đồng thời, đề ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó có xác định những nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030, tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Đề án, Tờ trình và dự thảo Nghị quyết trình Hội nghị Trung ương lần này đã được Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc trên cơ sở 27 báo cáo chuyên đề tổng kết toàn diện cả về lý luận và thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời gian qua của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; ý kiến tham gia tại 18 cuộc hội thảo, hội nghị, toạ đàm, 3 Hội nghị lấy ý kiến các tỉnh uỷ, thành uỷ và Báo cáo tư vấn của Hội đồng Lý luận Trung ương.

“Đây là vấn đề rất cơ bản, rộng lớn, phức tạp, nhạy cảm, hệ trọng, liên quan đến sự tồn vong của chế độ, sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn” - Tổng Bí thư nhấn mạnh và đề nghị các đồng chí Trung ương và các đồng chí tham dự hội nghị nghiên cứu thật kỹ các tài liệu, thảo luận, đánh giá một cách khách quan, khoa học về những kết quả, thành tựu đã đạt được; đồng thời phân tích sâu sắc những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân. Từ đó, bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực tế đất nước, tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu và những nhiệm vụ và giải pháp lớn cần được quán triệt và triển khai thực hiện để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Tổng Bí thư yêu cầu cần chú ý đến việc hoàn thiện đồng bộ, đầy đủ hệ thống pháp luật, vận hành thông suốt, thống nhất bộ máy nhà nước và các lĩnh vực của đời sống xã hội; phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lực nhà nước; tăng cường kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tinh gọn, liêm chính; phòng, chống có hiệu quả tham nhũng, tiêu cực./.

Hoa Hiền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực