Thế giới tuần qua: Đoàn kết giải quyết các thách thức toàn cầu

Chủ nhật, 26/09/2021 13:18
(ĐCSVN) – Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành cùng với các vấn đề về an ninh, biến đổi khí hậu,… thế giới tuần qua (20 – 26/9) đã chứng kiến nhiều nỗ lực đoàn kết, hợp tác, hạ nhiệt căng thẳng để giải quyết các thách thức toàn cầu. Trong đó, Việt Nam đã khẳng định vai trò và trách nhiệm tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Đoàn kết giải quyết các thách thức toàn cầu

Tuần lễ cấp cao kỳ họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 76, tổ chức trụ sở LHQ ở New York, Mỹ. (Ảnh: Xinhua) 

Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 (21 – 27/9) là sự kiện đa phương quan trọng, quy tụ nhiều lãnh đạo, nguyên thủ các nước tham dự để cùng chia sẻ quan điểm, tìm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới ủng hộ phân phối vaccine công bằng và không để tình trạng phần lớn các nước giàu đã đạt miễn dịch cộng đồng trong khi 90% người dân châu Phi thậm chí chưa được tiêm mũi 1 vaccine COVID-19. Hiện khoảng 5,7 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được tiêm cho người dân ở nhiều nước nhưng chỉ 2% trong số này tới với người dân châu Phi.

Đối với tình trạng thế giới ngày càng chia rẽ, phân cực, khó đoán định hơn cả thời chiến tranh lạnh, Tổng Thư ký Guterres kêu gọi các nước hãy hợp tác hơn, thấu hiểu nhau hơn để khôi phục lòng tin và mở ra hy vọng tươi sáng hơn cho thế giới.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid cho rằng, nhân loại đã có vaccine và điều duy nhất còn thiếu là sự ủng hộ về mặt chính trị và tài chính của một số nước. Ông Abdulla Shahid khẳng định, thế giới sẽ sớm vượt qua đại dịch COVID-19 không chỉ bằng khát khao, hy vọng mà bằng tinh thần sẻ chia đầy nhân văn. Ông Shahid cũng cho rằng, mặc dù thế giới đã có những đổi mới thần kỳ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ ứng dụng và dần chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, song thế giới vẫn chưa có được sự ủng hộ, cam kết mạnh mẽ, nhất quán của các chính phủ đối với vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi sự hợp tác của các nước trên thế giới nhằm đối phó với đại dịch; đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ ủng hộ thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech cho các nước, cùng với đó là khoản hỗ trợ 370 triệu USD cho các chiến dịch tiêm chủng. Tổng thống Mỹ Biden kêu gọi tập trung vào 3 mục tiêu chính: tăng nguồn cung vaccine, tăng nguồn cung oxy để cứu thêm được nhiều bệnh nhân, tăng khả năng xét nghiệm, thuốc và trị liệu…

Về biến đổi khí hậu, Tổng thống Joe Biden gọi đây cuộc khủng hoảng là "không biên giới" và vì thế cần hợp tác quốc tế sâu rộng. Ông khẳng định sẽ làm việc với Quốc hội Mỹ để tăng gấp đôi các nguồn tài chính công quốc tế nhằm giúp các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố nỗ lực huy động 100 tỉ USD để hỗ trợ các nước đang phát triển trong cuộc chiến này.

Trong bài phát biểu được phát qua video, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới giải quyết những khác biệt và bất đồng thông qua “đối thoại và hợp tác”.

Tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Khóa họp 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc với chủ đề: “Cùng vững tin và tự cường - Hướng tới phục hồi sau COVID-19, tái thiết bền vững, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy quyền con người và cải tổ Liên hợp quốc”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu với chủ đề “Việt Nam chung nhịp đập sẻ chia, hợp tác, cùng chiến thắng đại dịch, xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển phồn vinh, người dân hạnh phúc”.

Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước đã đưa ra nhiều ý kiến đánh giá lớn cùng các đề xuất cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác đa phương với Liên hợp quốc là trung tâm và lấy luật pháp quốc tế làm nền tảng, để cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu phức tạp. Chủ tịch nước cho rằng vấn đề cấp bách nhất hiện nay là cần kiểm soát đại dịch COVID-19 thông qua hợp tác quốc tế, và nêu rõ để vượt qua được đại dịch và phục hồi kinh tế thì nhân tố quan trọng hàng đầu là sự nỗ lực trên tinh thần tự cường của mỗi quốc gia.

Về đường lối đối ngoại của Việt Nam, Chủ tịch nước khẳng định: Việt Nam kiên định và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là thành viên tích cực, đóng góp trách nhiệm vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Trân trọng cảm ơn các nước đã tin tưởng trao cho Việt Nam trọng trách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 – 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong hai năm qua, Việt Nam luôn nêu cao tinh thần “Đối tác vì nền hòa bình bền vững”, đề cao đối thoại, hợp tác, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào nỗ lực ngăn ngừa và giải quyết các xung đột.

Nhóm AUKUS tìm cách hạ nhiệt căng thẳng với Pháp

 Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp gỡ tại hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 ở Anh vào tháng 6/2021. (Ảnh: AFP)

Mỹ, Anh, Australia - 3 nước mới ra tuyên bố thiết lập thỏa thuận an ninh 3 bên (gọi tắt là AUKUS) - liên tục có các động thái nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ giữa các bên với Liên minh châu Âu, đặc biệt là Pháp, nước bị ảnh hưởng lớn nhất từ AUKUS.

Phủ Tổng thống Pháp chiều 22/9 phát ra thông cáo chung cùng Nhà Trắng, cho biết hai nước Pháp – Mỹ cam kết xây dựng lại niềm tin sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ, Joe Biden, đồng thời Đại sứ Pháp tại Mỹ sẽ quay trở lại Mỹ trong tuần sau.

Sau cuộc điện đàm giữa hai Tổng thống Emmanuel Macron và Joe Biden, hai nước Pháp – Mỹ thừa nhận “tình huống hiện nay lẽ ra đã có thể tránh được nếu các cuộc tham vấn cởi mở giữa các đồng minh về các vấn đề chiến lược đối với nước Pháp và các đối tác châu Âu được thực hiện”, đồng thời cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ thực hiện việc tham vấn này một cách bền vững. Hai nhà lãnh đạo Emmanuel Macron và Joe Biden đã nhất trí sẽ gặp nhau vào cuối tháng 10/2021 và quyết định sẽ xây dựng một tiến trình tham vấn sâu rộng nhằm thiết lập các điều kiện đảm bảo sự tin tưởng cũng như đề ra các biện pháp cụ thể để đạt được các mục tiêu chung.

Cuộc điện đàm này do phía Mỹ đề xuất với mục đích xoa dịu sự tức giận của phía Pháp, sau khi Pháp phản ứng quyết liệt bằng các tuyên bố chỉ trích gay gắt Mỹ - Anh - Australia, đồng thời lần đầu tiên trong lịch sử triệu tập các Đại sứ Pháp tại Mỹ và Australia về nước. Pháp cũng đã vận động thành công các nước Liên minh châu Âu đứng về phía mình để ra các tuyên bố yêu cầu các nước Mỹ - Anh - Australia phải giải thích và xin lỗi.

2 ngày sau, Thủ tướng Anh Boris Johnson lại có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng song phương.

Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chủ động đề nghị điện đàm với Tổng thống Emmanuel Macron để khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Anh - Pháp. Đồng thời, bày tỏ muốn cùng Pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong nhiều vấn đề quốc tế phù hợp với các giá trị và lợi ích chung. Đáp lại đề nghị, Văn phòng Tổng thống Pháp chỉ thông tin ngắn gọn rằng Tổng thống Emmanuel Macron sẽ chờ đợi những đề nghị cụ thể từ phía nước Anh.

Iran cam kết sớm nối lại đàm phán về khôi phục thỏa thuận hạt nhân

 Các cuộc đàm phán về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 sẽ sớm được nối lại. (Ảnh: AP)

Ngày 24/9, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết các cuộc đàm phán về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 sẽ sớm được nối lại và chính phủ mới của nước này đang xem xét cách thức tiến hành đàm phán hiệu quả trong chính sách đối ngoại của mình.

Phát biểu họp báo bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ), ông Abdollahian nêu rõ: “Chúng tôi đang rà soát lại các hồ sơ đàm phán ở Vienne và rất nhanh thôi, các cuộc đàm phán sẽ được khởi động lại”.

Cũng theo ông Abdollahian, Iran sẽ không từ bỏ đàm phán mà phải theo đuổi để bảo vệ các lợi ích của mình. Tuy nhiên, ông không cho biết thời gian dự kiến nối lại đàm phán là khi nào.

Trước đó, trong bài phát biểu ghi âm gửi tới phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 21/9, tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cũng lên tiếng ủng hộ nối lại đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đồng thời kêu gọi Mỹ chấm dứt toàn bộ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này.

Đến nay, Iran và các thành viên Nhóm P5+1 đã tiến hành 6 vòng đàm phán tại thủ đô Vienne của Áo nhưng chưa đạt được kết quả.

Trong thời gian qua, các cuộc đàm phán đã phải tạm ngừng do Iran tiến hành bầu cử và thành lập chính phủ mới. Mục đích đàm phán là nhằm đưa Mỹ tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, trong khi Iran tuân thủ lại một cách đầy đủ các cam kết của mình.

Nhóm Bộ tứ nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ tại Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức ở Washington, Mỹ, ngày 24/9/2021.
(Ảnh: Reuters) 

Ngày 24/9, tại hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) tại Nhà Trắng, lãnh đạo các nước đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "tự do và rộng mở".

Tại hội nghị, 4 nhà lãnh đạo đã thảo luận về nỗ lực tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19, hạ tầng cơ sở của khu vực, vấn đề biến đổi khí hậu và và đảm bảo chuỗi cung cứng chất bán dẫn được dùng trong công nghệ máy tính.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Anh Scott Morrison nêu rõ: "Chúng tôi ở đây cùng với nhau, tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một khu vực mà chúng tôi luôn mong muốn được tự do, nơi các chủ quyền của các nước được tôn trọng và những tranh chấp được giải quyết hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế".

Thủ tướng Morrison cũng cho biết Australia sẽ tổ chức họp nhóm Bộ tứ vào đầu năm 2022 để đề ra kế hoạch đầu tư vào một số công nghệ phát thải thấp trong 10 năm tới. Ông Morrison nhấn mạnh hội nghị, với sự tham dự của những người trực tiếp tham gia nghiên cứu và công nghệ, thương mại hóa, kỹ thuật, ứng dụng, sẽ đưa ra một chương trình rõ ràng về cách thức xây dựng các chuỗi cung ứng năng lượng sạch ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Phát biểu với báo giới sau hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết lãnh đạo các nước trong nhóm Bộ tứ đã nhất trí hợp tác về vaccine ngừa COVID-19, năng lượng sạch và vũ trụ cũng như đồng ý mỗi năm tổ chức một thượng đỉnh của nhóm.

Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Bí thư Đối ngoại Ấn Độ cho biết Thủ tướng nước này Narendra Modi tại hội nghị đã thông báo kế hoạch cho phép xuất khẩu 8 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng 10 tới theo một thỏa thuận đạt được của nhóm hồi tháng 3 vừa qua nhằm cung cấp 1 tỉ liều vaccine cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nhiều nước hướng tới “sống chung” với COVID-19

 Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hanam, Hàn Quốc, ngày 24/9/2021.
(Ảnh: THX/TTXVN)

Sau hơn một năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến chủng mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn, khiến số ca nhiễm mới vẫn không ngừng gia tăng. Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cho thấy tính đến sáng 25/9, thế giới có tổng số 232.276.713 ca nhiễm và 4.757.299 ca tử vong vì dịch COVID-19.

Thời gian gần đây, nhiều nước trên thế giới đang tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực để sống chung an toàn với đại dịch, thích ứng với cuộc sống trong điều kiện “bình thường mới” cũng như hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Một số nước đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế để mở cửa đón du khách quốc tế.

Nepal đang nỗ lực hồi sinh ngành du lịch vốn chịu tổn thất nặng nề sau 18 tháng bùng phát đại dịch COVID-19. Tuần này, quốc gia Nam Á này đã mở cửa trở lại với du khách và dỡ bỏ quy định cách ly khi nhập cảnh đối với người nước ngoài đã tiêm phòng. Trong khi đó, quốc gia láng giềng của Nepal là Ấn Độ dự định cấp miễn phí 500.000 thị thực du lịch để chuẩn bị nối lại hoạt động của ngành du lịch sau hơn một năm đóng cửa. Hiện Ấn Độ đang đàm phán với các hãng hàng không quốc tế để lên lịch trình nối lại các chuyến bay giữa nước này và các thị trường chính ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Ngày 25/9, Na Uy đã dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19, bao gồm cả giữ khoảng cách trong các hoạt động xã hội. Chính phủ quốc gia Bắc Âu đã thông báo rằng đã đến lúc "sống như bình thường" với COVID-19 sau 561 ngày thực hiện các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Tương tự, Hà Lan đã chấm dứt các biện pháp giãn cách xã hội vào ngày 25/9, thay thế các hạn chế bằng yêu cầu xuất trình thẻ sức khỏe COVID-19 để vào các địa điểm công cộng như khách sạn, nhà hàng và khu vui chơi giải trí. Trong khi đó, Bắc Ireland sẽ nới lỏng các quy định về giãn cách cho các chuyến du lịch quốc tế từ tháng 10. Cụ thể, từ ngày 4/10, những du khách đến từ các quốc gia không nằm trong danh sách đỏ đã được tiêm phòng đầy đủ sẽ không còn phải xét nghiệm COVID-19 trước khi đến Bắc Ireland.

Cuba chuẩn bị mở cửa kinh tế nhờ tăng tốc tiêm phòng, trong khi El Salvador triển khai tiêm mũi 3 cho những nhóm nguy cơ cao. Theo đó, Cuba sẽ cho phép mở cửa trở lại các nhà hàng, trung tâm mua sắm và các bãi biển tại các tỉnh có số lượng ca mắc mới giảm, dù quốc gia này vẫn có tỷ lệ lây nhiễm trên số dân thuộc nhóm cao nhất trên thế giới. Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế trong thời kỳ phong tỏa được đưa ra khi quốc gia vùng Caribe chuẩn bị đón mùa cao điểm du lịch./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực