Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông

Thứ sáu, 12/06/2020 16:46
(ĐCSVN) - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

 Dự báo hướng đi của áp thấp nhiệt đới
(Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia)

Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng nay (12/6), ATNĐ  đã vượt qua đảo Lu-dông (Phi-líp-pin) và đi vào Biển Đông. Hồi 7 giờ, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 119,5 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-dông (Phi-líp-pin) khoảng 90km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên khoảng 80km tính từ tâm ATNĐ.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7 giờ ngày 13/6, vị trí tâm bão ở khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 116,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 470km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: Phía Đông kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông; từ vĩ tuyến 15,5 độ Vĩ Bắc đến 20,0 độ Vĩ Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai do ATNĐ: cấp 3.

Để ứng phó với ATNĐ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có Thông báo số 202/TWPCTT-VP ngày 11/6/2020 gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng để chủ động ứng phó với ATNĐ có khả năng đi vào Biển Đông và mưa lớn diện rộng.

Ngày 11/6/2020, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác ứng phó trước mùa mưa lũ năm 2020 tại tỉnh Nghệ An. Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống; đồng thời, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin, đôn đốc triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực