Thỏa thuận Anh - EU: Nhượng bộ và toan tính được, mất

Thứ ba, 23/02/2016 10:11

(ĐCSVN) - Ngày 19/2, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí với thoả thuận mới, mở đường cho cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh tiếp tục là thành viên của khối này. Theo đó, EU sẽ tạo cơ chế để những ý kiến từ phía Anh và nhiều quốc gia khác không thuộc Eurozone, được lắng nghe và quan tâm. Nhiều khả năng sẽ có 2 cơ chế song trùng về hoạt động ngân hàng dành cho các nước trong và ngoài Eurozone. Tuy nhiên, người dân Anh mới là người phán quyết cuối cùng vào giữa năm 2016.


Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và
Thủ tướng Anh David Cameron (phải) tại cuộc gặp ở Brussels. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Sự nhượng bộ lẫn nhau


Ngay sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Anh, ông David Cameron thông tin cho người dân Anh trên Twitter rằng: “Tôi vừa thảo luận về thoả thuận cho Anh vị thế đặc biệt trong EU. Tôi sẽ đề xuất với Nội các vào ngày mai”. Ông Cameron cũng dự kiến ngày tổ chức trưng cầu dân ý, có thể vào tháng 6 tới. 

Trả lời báo giới, ông khẳng định: “Tôi tin rằng chúng ta sẽ mạnh hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn trong một EU được cải cách”, và “đó là lý do tôi sẽ vận động bằng tất cả trái tim và tâm huyết của mình để thuyết phục người Anh ở lại trong EU khi nó được cải cách, theo thoả thuận chúng ta đạt được hôm nay”.

Trong quá trình đàm phán, ông Cameron đề nghị EU cải cách trên 4 lĩnh vực chủ chốt: sự cạnh tranh kinh tế, quyền chủ quyền của các nước thành viên, chính sách an sinh xã hội, và dòng lao động dịch chuyển tự do.

Các nước thành viên EU phía Đông Âu phản đối quyết liệt những đề xuất của Anh, nhất là việc hạn chế những lao động EU không phải là người Anh tiếp cận với phúc lợi xã hội của London.

Pháp đặc biệt quan ngại đối với ngành tài chính của Anh, vốn cạnh tranh với nước này sẽ ít bị điều chỉnh hơn so với trước đây. Còn Thủ tướng của quốc gia đầu tàu EU, bà Angela Merkel lại cho biết sự thoả hiệp có được là vì “chúng tôi muốn Anh ở lại”.

Các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo EU và Thủ tướng Cameron vấp phải một số đòi hỏi từ phía Anh, đặc biệt việc hạn chế trợ cấp xã hội cho công dân EU làm việc tại Anh, còn EU đề xuất cắt khoản hỗ trợ này trong vòng 4 năm.

Ông Cameron đã nhận được sự ủng hộ từ người đồng cấp Đức Merkel, khi bà cho rằng điều cần thiết trong EU là tập trung vào tính cạnh tranh, sự minh bạch và chống quan liêu. Bà Merkel nhấn mạnh rằng mỗi quốc gia thành viên cần bảo vệ hệ thống xã hội của mình chống lại sự lạm dụng yêu cầu cắt giảm hỗ trợ xã hội.

Dưới sức ép của những người theo trường phái hoài nghi EU, Thủ tướng Cameron hứa sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về việc Anh ra đi hay ở lại trong EU. Giới quan sát thì lo ngại, điều này có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng mới với quy mô lớn trong lúc toàn bộ châu Âu đang bị lung lay bởi cuộc khủng hoảng nhập cư chưa từng thấy.

Trong toan tính được, mất

Theo giới tài chính Anh thì việc ra đi khỏi EU, nước Anh sẽ không chỉ bị hủy hoại nền kinh tế, mà còn đẩy hoạt động ngân hàng đến những rào cản thương mại lớn hơn, và điều quan trọng là các ngân hàng mất đi những lao động chất lượng cao với sự dịch chuyển từ các thành viên khác.

Bằng chứng là, những diễn biến trên thị trường tài chính Anh đã đón nhận nó với một thái độ tích cực, theo hướng nó có thể vẫn là vị trí trung tâm tài chính lớn nhất thế giới của London.

Một khảo sát trong khối doanh nghiệp được Thebusinessdesk đăng tải cho thấy, 40% lãnh đạo doanh nghiệp muốn Anh ở lại EU bất chấp điều kiện là gì, 52% muốn ở lại trong một EU cải cách và chỉ có 8% cho rằng Anh nên ra khỏi EU sẽ có lợi hơn.

Theo Công ty nghiên cứu Capital Economics, ra khỏi EU sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho nước Anh, nhưng là trong dài hạn. Còn trước mắt, trung tâm tài chính City sẽ bị ảnh hưởng, nhưng không đến mức tham họa, và thậm chí sau đó còn có lợi, khi giao dịch với các nền kinh tế mới nổi thuân lợi hơn.

Tuy nhiên, cũng theo trang Tài chính City buổi sáng, nếu Anh ra khỏi EU thì từ nay đến năm 2030, nền kinh tế nước này sẽ mất đi cơ hội có thêm 58 tỷ Bảng, và 790.000 lao động mỗi năm từ nhiều lĩnh vực đưa lại.

Tờ Guardian lại cho rằng, Anh sẽ mất 11 tỷ Bảng mỗi năm từ quan hệ thương mại với EU. Đây là số tiền từ những loại thuế mà hàng hoá của Anh có thể phải trả sau khi đã mất đi quy chế thương mại nội khối.

Còn theo Telegraph thì việc ra đi hay ở lại là vấn đề quyết định sự sống còn của nông nghiệp Anh. Bởi vì, hiện nay 60% thu nhập của nông dân Anh đến từ những quy chế bảo hộ của EU. Liệu Anh có thể ra đi, trong khi London chưa có giải pháp nào được đề xuất thay thế?

Ngoài ra, còn phải kể đến nhập khẩu lương thực, thực phẩm của Anh hiện đã là 30%, trong đó đa phần là từ các thành viên châu Âu. Để rời EU, Anh sẽ nhập khẩu từ đâu để thay thế, khi thuế ưu đãi không còn được như cũ. Đây là bài toán vẫn chưa có lời giải trước khi trả lời câu hỏi ra đi hay ở lại.

Và những phản ứng trái triều

Ngay sau khi thỏa thuận đạt được, người ủng hộ cho rằng đây là thỏa thuận lịch sử, mang lại lợi ích cho cả Anh và EU. Người nghi ngờ lại cho rằng, Thủ tướng Anh đã đưa ra những yêu cầu quá đơn giản, và việc EU nhượng bộ, không có ý nghĩa gì nhiều cho nước Anh, cho nền kinh tế và thị trường tài chính London.

EU chưa trao cho Anh và các nước không dùng đồng Euro, được quyền phủ quyết các quyết sách tiền tệ nội khối này. Nhưng thỏa thuận này là một sự thở phào cho thị trường tài chính, nhất là giới lãnh đạo doanh nghiệp. Vì thực tế cái họ quan tâm nhất, không phải là Anh và EU đạt được thỏa thuận đến đâu, mà Anh có ở lại với EU hay không.

Trong khi đó, theo trang kinh tế Bloomberg, đại diện điều hành các Ngân hàng lớn như Barclays hay Goldman Sachs đều bắt đầu năm 2016 bằng các chiến dịch vận động để Anh ở lại trong EU. Dù vẫn còn nhiều ý kiến chỉ trích rằng bản thỏa thuận ban đầu giữa Thủ tướng Cameron và EU là chung chung, hời hợt, đặc biệt trong các nội dung liên quan đến thị trường tài chính.

Mặc dù chưa có sự ngã ngũ, nhưng tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor đã cảnh báo, xếp hạng tín nhiệm của Anh sẽ bị hạ 2 bậc, không còn mức cao nhất AAA như hiện nay, nếu nước này rời khỏi EU. Tín nhiệm giảm, đồng nghĩa với sự hấp dẫn đầu tư cũng đi xuống đó là sự bất lợi cho nền tài chính Anh.

Như vậy, trước ngưỡng cửa cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh có ở lại EU hay không, các nhà lãnh đạo hai bên đã đạt được một thỏa thuận quan trọng, với sự nhượng bộ lẫn nhau, trên cơ sở lợi ích, tạo cơ sở để các bên hiểu biết lẫn nhau và người dân Anh sẽ ra quyết định cuối cùng trong vòng 4 tháng tới. Khiến giới quan sát và dư luân đặc biệt quan tâm./.

Nguyễn Nhâm (CTV)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực