Cùng dự có Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Lai Châu.
Chung tay hành động để mọi trẻ em Việt Nam có tuổi thơ đúng nghĩa
Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm động viên và tặng quà thầy, cô giáo, học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Tần, huyện Sìn Hồ.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Pa Tần hiện có gần 650 em học sinh đang theo học, chủ yếu là các em người dân tộc Mông, Thái, Mảng, Tày… Mặc dù điều kiện học tập và sinh hoạt còn nhiều khó khăn nhưng các em đã không ngừng nỗ lực vươn lên để trở thành con ngoan trò giỏi. Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Quỹ khuyến học Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Pa Tần 50 triệu đồng.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính với giáo viên, học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Tần. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.
|
Cũng tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao 100 chiếc xe đạp, 300 suất học bổng bằng tiền mặt và nhiều phần quà ý nghĩa với tổng giá trị gần 550 triệu đồng của Công ty Bảo Việt Nhân thọ tài trợ, tặng trẻ em, học sinh còn nhiều khó khăn, vượt khó trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Phát biểu với các trẻ em, học sinh, thầy cô giáo tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là mối quan tâm lớn của xã hội và là tương lai của đất nước. Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và mọi người dân.
Những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, đề án về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực thực hiện cùng sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, đoàn thể và người dân, các nhà hảo tâm.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Lai Châu (Nguồn: vtvgo.vn) |
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho trẻ em đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Trong đó, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm mạnh và duy trì qua các năm; tiêm chủng trẻ em cơ bản được bảo đảm. Giáo dục trẻ em đạt được những kết quả quan trọng; tỷ lệ trẻ em đi học đúng tuổi các cấp không ngừng tăng lên. Đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi giải trí, môi trường giao tiếp xã hội của trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng.
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khó khăn được hỗ trợ về nhiều mặt, nhất là về tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, nước sạch và các dịch vụ phúc lợi xã hội. Quyền được tham gia của trẻ em tiếp tục được quan tâm, chú trọng; tiếng nói, nguyện vọng của các em được lắng nghe, đáp ứng.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi được biết, tỉnh Lai Châu luôn thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quan tâm đầu tư, nỗ lực thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Pa Tần, chất lượng giáo dục của nhà trường liên tục được nâng lên; các cháu học sinh được chăm sóc, nuôi dưỡng cơ bản đảm bảo, là điều kiện rất tốt để phát triển toàn diện.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Pa Tần. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Nhân dịp này, bày tỏ cảm ơn những đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Thủ tướng cho rằng, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em vẫn còn những tồn tại, khó khăn, thách thức.
Để làm tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho trẻ, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, các nhà trường tập trung rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; hỗ trợ toàn diện hơn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi hay gặp thiên tai, dịch bệnh; tăng cường quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho trẻ về cả dinh dưỡng và tâm thần; đẩy mạnh truyền thông về thực hiện quyền trẻ em; thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và các công trình phụ trợ cho các trường, đặc biệt là trường nội trú, bán trú, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thủ tướng kêu gọi, mỗi người - cả người lớn cũng như các cháu nhỏ, hãy cùng chung tay có những hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn vì mọi trẻ em ở Việt Nam, để trẻ có một tuổi thơ đúng nghĩa và không có trẻ nào bị bỏ lại phía sau; tin tưởng trẻ em, học sinh Việt Nam và trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Tần, với sự quyết tâm, cố gắng vượt qua khó khăn, nghịch cảnh để học giỏi, rèn luyện tốt, sẽ trở thành con ngoan, trò giỏi, sau này trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Đồn là nhà, biên giới là quê hương
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm Đồn Biên phòng Huổi Luông, huyện Phong Thổ.
Chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng về những khó khăn, gian khổ để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Quân đội là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”, Thủ tướng khẳng định, Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và duy trì an ninh, trật tự, an toàn ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Huổi Luông. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Thời gian qua, tình hình trên thế giới, khu vực biến động nhanh chóng, phức tạp tác động sâu sắc đến công tác quân sự, quốc phòng. Ở trong nước, tình hình chủ quyền lãnh thổ, an ninh, trật tự ở khu vực biên giới cơ bản ổn định, song một số thời điểm vẫn có diễn biến phức tạp, tội phạm, vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng… đã đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn, nặng nề hơn đối với công tác biên phòng.
Trong bối cảnh đó, lực lượng Biên phòng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới; đấu tranh hiệu quả với các hoạt động tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật; quản lý tốt hoạt động xuất nhập cảnh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tham gia tích cực giải quyết khó khăn, vướng mắc về thông quan, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu.
Thủ tướng cho biết, Lai Châu là địa phương có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, có đường biên giới và 2 cửa khẩu với Trung Quốc. Đồn Biên phòng Huổi Luông luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân khu vực biên giới đánh giá cao, góp phần củng cố, thắt chặt đoàn kết quân dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc ở khu vực biên giới.
Biểu dương, đánh giá cao sự đóng góp, cống hiến, hy sinh của Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu nói chung và Đồn Biên phòng Huổi Luông nói riêng trong thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sự ổn định của biên giới quốc gia, chủ quyền, lãnh thổ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước. Do đó, công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia cần được quan tâm đặc biệt.
Thủ tướng yêu cầu Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, Đồn Biên phòng Huổi Luông tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; thực hiện hiệu quả Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản pháp lý về quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, kết hợp sức mạnh, công cụ của luật pháp với sức mạnh của hệ thống chính trị, đặc biệt là của đồng bào các dân tộc.
Bộ đội Biên phòng Lai Châu và Huổi Luông phải thường xuyên nắm chắc, đánh giá, dự báo đúng tình hình an ninh, chính trị vùng biên giới, địa bàn trọng yếu; kịp thời tham mưu, xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia; giữ vững an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu; tập trung xây dựng cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”; xây dựng trong cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết, thống nhất, nêu cao trách nhiệm, quyết tâm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; bảo đảm tốt hậu cần, kỹ thuật cho các nhiệm vụ, chú trọng bảo đảm đời sống, sức khỏe bộ đội.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Huổi Luông. Ảnh: Dương Giang/TTXVN. |
Thủ tướng yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy; tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững; tham mưu và cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng an ninh khu vực biên giới.
“Bộ đội Biên phòng phải luôn bám dân, gần dân, bám địa bàn, làm tốt công tác dân vận, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới vững mạnh, giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng Bộ đội Biên phòng Lai Châu và Huổi Luông tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, những thành tích, chiến công đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Lai Châu và cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ
Đoàn công tác vô cùng xúc động, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ 33 Anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
Ghi sổ vàng lưu niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đời đời biết ơn ghi nhớ công lao, sự hy sinh to lớn của các Anh hùng, liệt sĩ, các thế hệ hôm nay và mai sau xin nguyện đoàn kết, phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc.
Quan tâm phát triển kinh tế cửa khẩu và dược liệu
Cùng ngày, Thủ tướng đã đi khảo sát khảo sát, nghe báo cáo và cho ý kiến về phát triển kinh tế Khu cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng của tỉnh Lai Châu.
Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng có tổng diện tích là 43 ha, cách thành phố Lai Châu 50 km trên Quốc lộ 4D và Quốc lộ 12, tiếp giáp với cửa khẩu Kim Thủy Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lai Châu tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng thành một trong những điểm đột phá về kinh tế, cực tăng trưởng mới của địa phương; xây dựng phòng tuyến hợp tác và phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo quy hoạch Khu Cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN. |
Trước đó, nhân dịp dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Sà Dề Phìn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi khảo khát mô hình kinh tế khép kín trồng cây Sâm Lai Châu tại xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ.
Mô hình trồng sâm do Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh đầu tư theo hướng trồng sâm trong nhà màng công nghệ cao, nhận chuyển nhượng lại toàn bộ vườn sâm từ Hợp tác xã Sâm và thảo dược Sìn Hồ. Công ty đang trồng gần 2 ha và sẽ mở rộng lên 20 ha trong tương lai.
Thăm vườn sâm và nghe giới thiệu về quy trình canh tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp tiếp tục mở rộng mô hình trồng sâm trên địa bàn; ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, trong đó phân tích kỹ hàm lượng dược tính để chứng minh chất lượng; tăng cường chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm; chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm; hình thành mô hình hợp tác xã phù hợp, chuyển giao công nghệ để người dân có thể tự làm giàu trên chính mảnh đất quê hương./.