Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024

Thứ bảy, 09/11/2024 10:36
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Sáng 9/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024 thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm, các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 11 và từ nay đến cuối năm.

Tham dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ Thường kỳ tháng 10 năm 2024. Ảnh: Dương Giang-TTXVN 

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong tháng 10, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai 6 nhiệm vụ lớn: Thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII của Đảng; ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai, nhất là bão số 3; chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với số lượng lớn dự án luật, tài liệu và phiên chất vấn sắp tới; tập trung xử lý các dự án yếu kém, tồn đọng kéo dài (cơ bản xử lý xong 12 dự án thua lỗ, yếu kém và giải quyết các vướng mắc với 2 dự án bệnh viện, một số dự án điện…). Chính phủ triển khai các giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; rà soát tình hình thực hiện các mục tiêu của năm 2024, 5 năm và thực hiện nhiệm vụ Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.

Thủ tướng đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, năm nay tốt hơn năm ngoái; từ đó đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, chỉ rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, thách thức, phân tích các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành; dự báo, nhận định về tình hình thời gian tới, trong đó có việc dự báo tác động từ kết quả bầu cử tại Hoa Kỳ; đề xuất những những cơ chế, chính sách, giải pháp thời gian tới.

Về bối cảnh tình hình quốc tế tháng 10 và 10 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ các điểm nổi lên: Cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột leo thang ở Ukraine, Trung Đông và nhiều nơi khác; giá vàng, xăng dầu, hàng hóa cơ bản, cước vận tải quốc tế biến động mạnh; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm, chưa vững chắc; thiên tai, biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp; khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là xu thế, cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những nước đang phát triển.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu luôn chủ động, tích cực, phản ứng chính sách kịp thời, có các kịch bản điều hành với mọi tình huống. Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành tất cả các mục tiêu của năm 2024, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng GDP, nếu quý IV đạt khoảng 7,5% thì cả năm sẽ đạt hơn 7% (gần gấp đôi so với mức trung bình của ASEAN và thế giới); những cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng cũ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Thủ tướng nêu rõ, tăng trưởng GDP là chỉ tiêu rất quan trọng, giúp tăng năng suất lao động.

 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2024. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý về vấn đề các giải pháp kích thích tiêu dùng trong nước, do đó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan chức năng, nghiên cứu, đề xuất giải pháp về thuế để trình Quốc hội.

Thủ tướng cũng đề nghị rà soát các công việc phục vụ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có việc chuẩn bị tốt hồ sơ trình chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; công tác tổ chức các ngày lễ lớn của đất nước sắp tới, đặc biệt là kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng vào cuối năm 2024 và những ngày lễ lớn trong năm 2025.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 tiếp tục xu hướng tích cực và tốt hơn tháng 9, tính chung 10 tháng tốt hơn cùng kỳ trên các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư. Các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tiếp tục phát triển tích cực; nhiều vấn đề tồn đọng được tập trung tháo gỡ. An sinh xã hội được bảo đảm. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục được quan tâm phát triển và có nhiều kết quả tốt. Công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là trước cơn bão số 3 được triển khai từ sớm, từ xa, từ Trung ương đến cơ sở, đã giảm thiểu nhiều thiệt hại và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm khôi phục hoạt động kinh tế, xã hội. Chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên./.

Xuân Tùng/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực