Thủ tướng: Đồng Tháp cần nỗ lực hơn nữa trong thu hút đầu tư

Thứ ba, 19/12/2017 20:13
(ĐCSVN) - Ngày 19/12, tại TP. Cao Lãnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 tỉnh Đồng Tháp với chủ đề “Đồng Tháp - Tiềm năng của chúng tôi, cơ hội của bạn”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: chinhphu.vn)

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi chứng kiến nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế thể hiện quyết tâm đầu tư sản xuất kinh doanh ở Đồng Tháp.

Theo Thủ tướng, trong nhiều năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, Đồng Tháp là ngôi sao sáng về môi trường đầu tư kinh doanh. Một tinh thần đồng hành với người dân, doanh nghiệp đã thể hiện trong các cấp chính quyền. Đồng Tháp đã có nhiều hình thức xúc tiến, kêu gọi, lắng nghe để giải quyết trên tinh thần Nhà nước, người dân, doanh nghiệp cùng thắng, như cà phê doanh nhân, một cửa liên thông hiện đại, hội quán của nông dân, lắng nghe thực sự các ý kiến của nhà đầu tư, của người dân, chứ không phải gặp gỡ hình thức. Đây là kinh nghiệm tốt cho các cấp hành chính ở nước ta.

Cho rằng Đồng Tháp đã tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, Thủ tướng đánh giá cao các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các định chế tài chính lớn tại Việt Nam đã đến góp ý, hiến kế, đầu tư, xây dựng Đồng Tháp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận
cam kết đầu tư vào tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: chinhphu.vn)

 Về bài học trong quá trình phát triển của Đồng Tháp, Thủ tướng cho rằng, từ khóa “liên kết” đã trở thành tâm điểm của những thành tích, thành công của địa phương này.

Cụ thể, tỉnh đã liên kết sản xuất và thị trường với trọng điểm về sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Từ đó, Đồng Tháp có sản lượng lúa xếp thứ 3 cả nước, nhiều loại trái cây, rau quả nổi tiếng, một số sản phẩm có thương hiệu. Đặc biệt là liên kết giữa vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học và người nông dân qua mô hình hội quán nông dân, đặt người nông dân ở vị trí trung tâm.

Thủ tướng chia sẻ, ngày 18/12, Thủ tướng đã cùng lãnh đạo các bộ đến thăm, nói chuyện với các thành viên hội quán ở thành phố Cao Lãnh và được biết, thông qua mô hình này, bà con cùng chia sẻ, cùng bàn chuyện làm ăn, cùng học tập những công nghệ, kỹ thuật, kiến thức mới, với tình cảm hàng xóm láng giềng thương yêu giúp đỡ nhau.

Liên kết còn thể hiện qua chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, bằng việc Đồng Tháp đã kiên trì thay đổi từ nhận thức đến hành động trong bộ máy công quyền, từ ứng xử theo kiểu xin-cho thành đồng hành với doanh nghiệp, có nhiều sáng tạo trong triển khai chương trình khởi nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển sản phẩm đặc thù của địa phương. Vì thế, trong nhiều năm liền, Đồng Tháp luôn trong tốp đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Đồng Tháp cũng là địa phương khởi xướng, cùng với Long An, Tiền Giang, xây dựng triển khai đề án liên kết phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Đặc biệt, Đồng Tháp khởi xướng liên kết qua dịch vụ logistic và hạ tầng giao thông. Kết quả đạt được của Đồng Tháp rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, không thể chủ quan, thỏa mãn bởi “những tài nguyên và lợi thế cũng như sự khác biệt về môi trường kinh doanh của Đồng Tháp với các địa phương khác trong vùng là không nhiều”. Đồng Tháp cần nỗ lực hơn nữa trong việc lấp đầy các khoảng trống khác trong thu hút đầu tư và cải thiện kết quả tăng trưởng kinh tế.

Nhân dịp này, Thủ tướng nêu rõ một số quan điểm phát triển đối với Đồng Tháp cũng như toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trước hết, đó là nông nghiệp phải theo hướng xanh, sạch, minh bạch, là đòn bẩy chính cho phát triển. Cần chú ý nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, triển khai mạnh công nghệ chế biến, thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp lớn đầu tư và “những con sếu đầu đàn hãy vào Đồng Tháp”.

Đồng Tháp cần năng động, sáng tạo, thể hiện sự tiên phong cùng với Chính phủ và các bộ, ngành giải quyết các thách thức, không chỉ cho Đồng Tháp mà cho tất cả các địa phương trong vùng cũng như đối với nền nông nghiệp của Việt Nam. Cần tiếp tục đặt người nông dân ở vai trò trung tâm của tái cơ cấu nông nghiệp. Người nông dân phải có tiếng nói, có vị trí, có lợi ích ổn định, lâu dài trong quá trình tái cơ cấu, xác lập mối quan hệ hài hòa lợi ích giữa người nông dân với doanh nghiệp và Nhà nước. Tiếp tục liên kết có hiệu quả hơn nữa, rõ ràng hơn nữa từ tiểu vùng Đồng Tháp Mười, đang tạo cho Đồng Tháp một không gian phát triển rộng hơn. Cần hoạch định các định hướng và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của vùng trong mối liên kết với thị trường lớn hơn, nhất là đối với TP Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực như phát triển du lịch, nông nghiệp, hoàn thiện hạ tầng, phát triển bất động sản, phát triển thành phố Cao Lãnh, Sa Đéc.

Đồng Tháp cần nâng cấp chất lượng giáo dục của địa phương; nếu giáo dục không tốt sẽ làm giảm chất lượng của công dân, giảm cơ hội việc làm, đánh mất cơ hội kinh tế và tạo ra nhiều thách thức xã hội.

Liên kết tài nguyên bản địa với công nghệ và kiến thức rộng khắp của toàn cầu. “Thương hiệu của Đồng Tháp từ tự nhiên, con người, lịch sử đang tạo ra sức hấp dẫn. Đồng Tháp cần nhân nó lên bằng sức mạnh tri thức và công nghệ 4.0 của thế giới”, Thủ tướng nói, “Sen của Đồng Tháp không chỉ là món ăn mà còn là một trải nghiệm với chiều dài về cảm xúc, văn hóa và những đặc trưng khác biệt”. Hội quán nông dân của Đồng Tháp không phải chỉ là một mô hình liên kết nông dân mà cần phát triển thành chuỗi giao dịch hiện đại, nơi các công nghệ về thương mại điện tử, tương tác trực tuyến, giúp các ý tưởng, thương vụ thăng hoa. Đồng Tháp là nơi thích ứng để nói về ứng dụng các xu hướng công nghệ này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bấm nút khai trương hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ
công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh:chinhphu.vn)

Trước thách thức của biến đổi khí hậu, Đồng Tháp cần tích hợp chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, chủ động.

Thủ tướng tin tưởng, với định hướng và cách làm của Đồng Tháp, kinh nghiệm, lượng vốn, trí tuệ của các chuyên gia, nhà đầu tư hôm nay, nhất định Đồng Tháp sẽ cất cánh. Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp hãy coi Đồng Tháp là quê hương thứ 2 của mình, hãy đầu tư mạnh mẽ, liên tục, hiệu quả, chứ không phải là đầu tư trên giấy. Thủ tướng lưu ý không để đầu tư hủy hoại môi trường sống, gia tăng giá trị sản phẩm và mong muốn không có nhà đầu tư chỉ nói mà không làm.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Chính phủ luôn coi thành công của nhà đầu tư, của Đồng Tháp là thành công của Chính phủ, của Việt Nam. Chính phủ bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bấm nút khai trương hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh Đồng Tháp (tại địa chỉ egov.dongthap.gov.vn). UBND tỉnh Đồng Tháp trao quyết định chủ trương đầu tư, ký thỏa thuận ghi nhớ đầu tư trên nhiều lĩnh vực với tổng vốn khoảng 24.000 tỷ đồng./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực