Tiếp tục các hoạt động trong xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan theo lời mời của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha (Pray-út Chan-ô-cha), sáng 18/8, tại thủ đô Bangkok, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam – Thái Lan. Đây là sự kiện kết nối hợp tác đầu tư đặc biệt do Hiệp hội doanh nhân Thái - Việt, Ngân hàng Kashikorn của Thái Lan phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tổ chức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: TTXVN)
Cùng tham dự có Đại tướng, Phó Thủ tướng Thái Lan Prajin Juntong (Pra-gin Chun-tông), một số thành viên chính phủ hai nước, Mặc dù dự kiến chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp tham dự nhưng đến giờ khai mạc, con số này lên tới hơn 500 doanh nghiệp hai nước.
Bày tỏ vui mừng gặp gỡ đông đảo các nhà đầu tư tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng điều này thể hiện sức thu hút, sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư, doanh nghiệp Thái Lan đối với Việt Nam trên tinh thần quan hệ đối tác chiến lược của hai nước.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, qua 4 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Thái Lan, đến nay, riêng về phương diện kinh tế, hai bên có tiến bộ đáng mừng. Kim ngạch thương mại song phương đạt trên 12,5 tỷ USD. Tính đến nay, Thái Lan có 470 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 8 tỷ USD. Nhiều tập đoàn lớn của Thái Lan có mặt tại Việt Nam. Về du lịch, lượng khách Việt Nam đến Thái Lan đạt khoảng 830.000 lượt và khách du lịch Thái đến Việt Nam đạt gần 270.000 lượt.
Giới thiệu về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam là đất nước có nền kinh tế vĩ mô ổn định và đạt tốc độ tăng trưởng liên tục ở mức 6% trong 30 năm qua. Việt Nam có khoảng 23.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư trên 325 tỷ USD. Môi trường đầu tư được cải thiện rõ nét. Việt Nam có dân số vàng, với 60% dân số ở độ tuổi dưới 35 tuổi. Việt Nam cũng đang chủ động hội nhập quốc tế và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Cộng đồng ASEAN. Việt Nam đã ký 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 FTA khác đưa thị trường Việt Nam nằm trong mạng liên kết kinh tế với 55 quốc gia, trong đó có Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và nhiều quốc gia Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Chia sẻ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp Thái Lan về các cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn trong các lĩnh vực như vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng.... Thủ tướng khẳng định: "Các bạn có thể trở thành cổ đông chiến lược trong các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước”.
Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực đổi mới thể chế, khuôn khổ pháp lý đẩy mạnh mô hình hợp tác công-tư (PPP) trong phát triển cơ sở hạ tầng, chú trọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia với tỷ lệ góp vốn linh hoạt, cơ chế thông thoáng. Việt Nam tiếp tục khuyến khích khởi nghiệp, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với khu vực và toàn cầu, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp đầy tiềm năng sáng tạo của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Chính phủ Việt Nam với tinh thần liêm chính, kiến tạo, hành động, sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư làm ăn kinh doanh, trên tinh thần hai bên cùng thắng. Chính phủ Việt Nam coi thành công của các bạn chính là thành công của chúng tôi. Chính sách của Việt Nam ổn định, không hồi tố, hướng tới nhóm đầu ASEAN và nhiều tiêu chuẩn hướng tới Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Chính phủ tiếp tục phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, cùng với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững trong thời gian tới".
Nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong việc đưa hai nước sớm đạt mục tiêu kim ngạch hai chiều 20 tỷ USD vào năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Prayut Chan-ocha, hai bên đã thảo luận việc định kỳ hàng năm hoặc 2 năm, hai nước tổ chức họp nội các chung, trong đó giải quyết các vấn đề tồn tại, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, nhất là kết nối hạ tầng hàng không, đường bộ, đường biển tốt hơn nữa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong các nhà đầu tư, doanh nghiệp Thái Lan, Việt Nam cùng nhau hợp tác, cùng hành động để sớm thành công trong điều kiện mới.
Tại Diễn đàn, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thái Lan Prajin Juntong, doanh nghiệp hai nước đã trao đổi các văn bản, thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như điện năng, nông nghiệp công nghệ cao, phân phối hàng hóa, mua bán nông sản, xây dựng…/.