Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Thứ năm, 21/06/2018 22:23
(ĐCSVN) – “Để Hợp tác xã (HTX) phát triển bền vững trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu đội ngũ cán bộ tham gia vào hoạt động HTX phải xác định phát triển Liên minh HTX là nhu cầu khách quan; đồng thời đổi mới cách nghĩ, cánh làm, phối hợp các bộ ngành để duy trì và phát triển.”

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Liên minh HTX Việt Nam diễn ra chiều ngày 21/6, tại Hà Nội.

Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển kinh tế tập thể; đại diện các bộ, ngành và Liên minh HTX các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát huy năng lực để tạo ra nên sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển của Liên minh HTX

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý những nội dung để các đại biểu trao đổi - ảnh: HM
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, 6 tháng đầu năm, cả nước có 895 HTX thành lập mới, đạt 40% kế hoạch năm 2018, giải thể 220 HTX yếu kém. Trong số HTX mới thành lập có 716 HTX nông nghiệp (chiếm 80%), 179 phi nông nghiệp; các vùng kinh tế đều có HTX thành lập mới tăng khá lớn như Tây Bắc 140 HTX, Đông Bắc 196 HTX, Đồng bằng sông Hồng 64 HTX, Bắc Trung bộ 117 HTX, Duyên hải miền Trung 53 HTX, Đông Nam bộ 75 HTX, Đồng bằng sông Cửu Long 160 HTX. Đến ngày 15/6, cả nước có 20.767 HTX, tăng 675 HTX và số thành viên HTX 6,5 triệu người, tăng 200.000 so với cuối năm 2017.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, các địa phương đang đẩy mạnh thành lập mới HTX và mạnh dạn giải thể các HTX "bình mới rượu cũ" để có dư địa thành lập các HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Đến nay, các HTX thành lập mới và tái cơ cấu, hoạt động theo mô hình chuỗi giá trị tăng mạnh, đến cuối tháng 6/2018 có khoảng 1.200 HTX, tăng 21% so với cuối năm 2017.

Để đẩy mạnh phong trào kinh tế hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018. Các nhiệm vụ đặt ra là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin và phát triển nguồn nhân lực. Đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp và phát triển HTX kiểu mới, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về vai trò của HTX đối với sự phát triển của nền kinh tế hiện nay; đồng thời cũng chỉ ra những khó khăn, bất cập trong quá trình xây dựng, phát triển HTX, từ đó có kiến nghị giải pháp để thời gian tới đẩy mạnh kinh tế HTX.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng Phạm Văn Tường cho biết, trước khi Luật HTX ra đời, Lâm Đồng chỉ có 28 HTX hoạt động. Đến nay, đã có 128 HTX và 2.900 tổ hợp tác với 86.000 xã viên, hoạt động ở hầu hết các huyện, thành phố, các lĩnh vực kinh tế của tỉnh. Theo đánh giá mới đây, số lao động thường xuyên trong HTX khoảng 11.000 người, thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, các HTX nông nghiệp đã đóng góp rất lớn trong chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chiếm 80% tổng giá trị xuất khẩu của cả tỉnh. Để đạt kết quả này, tỉnh đã xác định rõ phát triển nông nghiệp công nghệ cao là do doanh nghiệp, các HTX, tổ hợp tác, các hộ nông dân thực hiện. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng kiến nghị, Nhà nước hỗ trợ nếu các doanh nghiệp gặp khó về vốn, tiêu thụ sản phẩm, quy hoạch, định hướng sản xuất, giống cây trồng...

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, hoạt động của Liên minh HTX gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do trình độ nhân lực còn hạn chế, công cụ sản xuất lạc hậu, việc tiêu thụ sản phẩm chưa chuyên nghiệp. Quá trình phát triển của hệ thống này liên quan từ hộ gia đình, đến tổ hợp tác, doanh nghiệp rồi mới đến Liên minh HTX. Vì vậy, các chủ thể tham gia vào hệ thống cần phải phát huy năng lực để tạo ra nên sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển của Liên minh HTX. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến việc các địa phương nên tiếp cận mô hình hoạt động kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao để giải quyết vấn đề cốt lõi đang tồn tại ở Liên minh HTX hiện nay.

Đổi mới cách nghĩ, cánh làm... để duy trì và phát triển

Đánh giá cao vai trò, những đóng góp của HTX vào sự phát triển đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc tổ chức, sắp xếp lại, giải tán HTX yếu kém, bao cấp, “bình mới rượu cũ” là cần thiết. Mục tiêu cuối cùng vẫn là chuỗi giá trị phải hoạt động hiệu quả. Thủ tướng khẳng định, HTX có sứ mệnh rất quan trọng trong quá trình hội nhập; đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt ngày càng xuất hiện nhiều HTX hoạt động hiệu quả, giải quyết tốt vấn đề việc làm và nâng cao đời sống cho nhân dân.

Quang cảnh buổi làm việc - ảnh: HM

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ như trước đây không thể cạnh tranh được với nền kinh tế thị trường, cần phải có sự hợp tác để tạo ra sự liên kết mang tính chuyên nghiệp nhằm hướng tới phát triển bền vững, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Muốn làm tốt được điều này, cần phải có hành động, cách làm cụ thể, đầu tiên là củng cố hệ thống từ HTX các cấp, trong đó sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền rất quan trọng nhằm cải thiện bộ máy, tổ chức tốt vấn đề quan hệ sản xuất.

Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế để có giải pháp phát triển như: Nhận thức của một bộ phận người dân và đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị về kinh tế hợp tác, HTX còn hạn chế, mặc cảm với tồn tại yếu kém của mô hình HTX kiểu cũ, lòng tin đối với HTX kiểu mới chưa cao. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX đã được ban hành nhưng thiếu đồng bộ, thiếu cụ thể, còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của HTX; phân bổ theo cơ chế "xin cho"; kinh phí của Trung ương và địa phương bố trí để hỗ trợ còn ít, phân tán ở nhiều kênh, nhiều chương trình; quản lý Nhà nước đối với kinh tế hợp tác, HTX còn nhiều bất cập, hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức so với doanh nghiệp.

Thủ tướng cho rằng, tiềm năng và lợi thế của các địa phương, vùng kinh tế rất lớn nhưng kinh tế hợp tác, HTX phát triển chưa tương xứng, xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn, trở ngại; cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa đang xuống cấp, chưa đáp ứng sản xuất  quy mô lớn và áp dụng công nghệ cao.

Để hệ thống kinh tế hợp tác, HTX phát triển bền vững trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu đội ngũ cán bộ tham gia vào hoạt động HTX phải xác định phát triển Liên minh HTX là nhu cầu khách quan; đồng thời đổi mới cách nghĩ, cánh làm, phối hợp các bộ ngành để duy trì và phát triển. Thủ tướng khẳng định, các địa phương cần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; đồng thời tổ chức lại và phát triển chuỗi giá trị sản xuất từ khâu sản xuất đến thu mua và ra tới thị trường. Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành những văn bản mới, để vận dụng tốt, các địa phương cần đưa ra hội đồng nhân dân để thảo luận, giúp cho việc đầu tư vào HTX nông nghiệp được thuận lợi và hiệu quả.

"Các địa phương cần tính toán đến vấn đề chuyển giao công nghệ và giống mới, vấn đề chế biến và tiêu thụ sản phẩm; kiên trì xây dự hệ thống HTX hiệu quả theo kiểu mới, xây dựng chuỗi giá trị; phát triển HTX nhiều loại hình nhưng tập trung phát triển hợp tác xã nông nghiệp...", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực