Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada

Thứ sáu, 08/06/2018 10:35
(ĐCSVN) - Tối 7/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada từ ngày 8 - 10/6/2018.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc; Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ; Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám... 

Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) là một tập hợp gồm bảy quốc gia phát triển nhất thế giới, được thành lập năm 1975 theo sáng kiến của Hoa Kỳ trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu khủng hoảng dầu năm 1973 và suy thoái toàn cầu để thảo luận các vấn đề kinh tế, ban đầu gồm 6 thành viên (Pháp, Tây Đức, Italy, Nhật, Anh, Hoa Kỳ). Năm 1975, Tổng thống Pháp Valery Discard d’Estaing mời nguyên thủ của 6 nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh thường niên đầu tiên tại Rambouillet (Pháp). Tại Hội nghị Thượng đỉnh năm 1976, ở thủ đô San Juan (Puerto Rico), Nhóm trở thành G7 với sự tham gia của Canada. 

Mặc dù không phải là một tổ chức có cấu trúc chặt chẽ, nhưng G7 là một tập hợp lực lượng quan trọng nhất trong hệ thống quản trị toàn cầu, chiếm khoảng 47% GDP thế giới và là diễn đàn giúp các nước phát triển hàng đầu tìm kiếm sự đồng thuận và thống nhất quan điểm, lập trường về các vấn đề khu vực và quốc tế. 

Việc Canada mời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay xuất phát từ vai trò và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Các chủ đề và nội dung nghị sự của Hội nghị cơ bản phù hợp với quan tâm và lợi ích của Việt Nam, là quốc gia biển chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm 2018 được tổ chức vào ngày 8 - 9/6/2018 tại Charlevoix, Quebec, Canada với sự tham gia của 7 nước công nghiệp phát triển (Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Canada và Italy), Liên minh châu Âu và các khách mời bao gồm: Việt Nam, Argentina, Bangladesh, Haiti, Jamaica, Kenya, Nam Phi, Rwanda, Samoa, Senegal, Seychelles và một số tổ chức quốc tế. 

Chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay tập trung thảo luận: Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; đầu tư cho tăng trưởng bao trùm; chuẩn bị thích ứng với các vị trí việc làm của tương lai; hợp tác hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đại dương và phát triển năng lượng sạch; xây dựng một thế giới hòa bình và an toàn hơn. 

Chuyến thăm Canada của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Canada có những bước phát triển tích cực về chính trị, ngoại giao, kinh tế - thương mại, hợp tác phát triển, giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân…, nhân dịp hai nước đang triển khai các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (21/8/1973 - 21/8/2018). Đặc biệt sau khi hai nước đã ra Tuyên bố chung về việc xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Canada Justin Trudeau tháng 11/2017, đề ra các nguyên tắc định hướng cơ bản cũng như các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới. Chuyến thăm nhằm tiếp tục duy trì đà phát triển quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, tiếp tục tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, đẩy mạnh các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực nhằm đưa quan hệ giữa hai nước phát triển ngày càng thực chất và hiệu quả./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực