|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường dự các hội nghị tại Trung Quốc và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 - 8/11. |
Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8 theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường; đồng thời tham dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya – Mekong (ACMECS) lần thứ 10, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) lần thứ 11 và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 - 8/11.
Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác có: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường; Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến; Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Văn Tuyến; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp; Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh, Trung Quốc Hoàng Minh Sơn.
Kể từ ngày đầu thành lập GMS đến nay, Việt Nam đã và đang tham gia đầy đủ, tích cực các hoạt động hợp tác; đóng góp ý kiến xây dựng các kế hoạch, chiến lược trong tiểu vùng; tham gia và triển khai có hiệu quả Chiến lược giao thông vận tải GMS 2030; tiếp nhận 2 dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện Tiểu vùng Mê Công mở rộng” giai đoạn 1 từ năm 2014 đến 2019 và giai đoạn 2 từ năm 2019 đến 2024. Trong Khung đầu tư khu vực, giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam huy động được hơn 100 dự án trị giá trên 10,4 tỷ USD.
ACMECS là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan. Hợp tác ACMECS bao gồm 8 lĩnh vực là thương mại-đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp-năng lượng, giao thông, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, y tế và môi trường. Nguyên tắc hợp tác ACMECS là tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực thông qua nỗ lực chung trên tinh thần bình đẳng và hợp tác.
Là thành viên có trách nhiệm, Việt Nam luôn tích cực đề xuất và triển khai nhiều ý tưởng mới, đóng góp xây dựng các văn bản quan trọng, hình thành và thúc đẩy các sáng kiến, hỗ trợ phát triển cho các nước thành viên, trong đó có phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hạ tầng cơ sở. Đến nay, Việt Nam đang tiến hành các thủ tục trong nước để sớm công bố phương án đóng góp tài chính đối với Quỹ phát triển ACMECS, qua đó thúc đẩy việc sớm thành lập quỹ, bảo đảm công tác triển khai hiệu quả các dự án trong Kế hoạch tổng thể ACMECS, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và các nền kinh tế ACMECS cũng như sự phát triển bền vững của tiểu vùng.
Cùng với đó, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản vào tháng 12/2003 ở Tokyo (Nhật Bản), lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ nhất vào dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10 tại Vientiane (Lào) vào tháng 11/2004. Việc hình thành hợp tác CLMV là một trong những nỗ lực đáp ứng yêu cầu khách quan của hội nhập Tiểu vùng Mê Công và ASEAN. Hợp tác CLMV là cơ chế hợp tác mở, một mặt phát huy lợi thế, tiềm năng hợp tác sẵn có của các nước CLMV, một mặt là kênh kêu gọi hỗ trợ của các nước ASEAN khác và các đối tác phát triển dành cho các nước CLMV.
Hợp tác CLMV cũng là diễn đàn để các nước CLMV phối hợp trong tiến trình liên kết kinh tế ASEAN. Ngay từ khi tham gia vào hợp tác CLMV, Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, tích cực thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia vì sự phát triển chung của khu vực. Đặc biệt, năm 2018, trong vai trò Chủ tịch hợp tác CLMV, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 8 với sự ra đời của Khung khổ Phát triển CLMV - văn kiện có tính định hướng chiến lược đầu tiên được xây dựng về hợp tác kinh tế giữa các nước CLMV kể từ khi cơ chế hợp tác này được hình thành.
Có thể thấy, GMS, ACMECS và CLMV là những cơ chế có mục tiêu thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước; hỗ trợ các nước thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG); đưa Tiểu vùng Mê Công mở rộng nhanh chóng, trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng; khai thác và phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển. Cho đến nay, hợp tác GMS, ACMECS và CLMV được đánh giá đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, cũng như củng cố quan hệ hữu nghị, hòa bình và ổn định ở khu vực.
Chuyến công tác lần này của Thủ tướng Chính phủ diễn ra trong bối cảnh quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” ngày càng phát triển, sâu sắc, toàn diện và bền vững. Điểm nhấn là các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước trong thời gian qua.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều bước phát triển thực chất, với kim ngạch thương mại hai bên đạt 171,9 tỷ USD năm 2023. Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển tải thông điệp Việt Nam luôn coi trọng và đóng góp thúc đẩy các cơ chế GMS, ACMECS, CLMV, cũng như tổng thể hợp tác tiểu vùng Mekong tạo bứt phá trong giai đoạn phát triển mới. Đồng thời tiếp tục củng cố, thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” ngày càng phát triển, sâu sắc, toàn diện và bền vững.