|
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát tình hình, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, thiên tai tại Yên Bái |
Sáng 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Yên Bái, thị sát tình hình, thăm hỏi đời sống người dân, kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân. Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Yên Bái.
Điểm đầu tiên Thủ tướng tới thị sát, động viên người dân và các lực lượng là tổ dân phố Bảo Thắng, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái. Tại đây, thời tiết đã tốt hơn, nước lũ đã rút, song bùn đất và rác thải vẫn ngổn ngang trên đường phố và nhà dân, công sở... Các lực lượng Quân đội, Công an, thanh niên, phụ nữ... đang huy động tối đa lực lượng dọn dẹp, vệ sinh môi trường.
Trong những ngày qua, bão số 3, mưa lũ, thiên tai đã gây hậu quả rất lớn tại các tỉnh, thành phố phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra. Sau bão, tại Bắc Bộ liên tiếp xảy ra mưa rất lớn trên diện rộng, lũ một số nơi ở thượng nguồn đã vượt mức lũ lịch sử, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã xảy ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
|
Thủ tướng kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão, lũ tại Yên Bái (Nguồn: vtvgo.vn) |
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều công điện, liên tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung ứng phó bão, mưa lũ, sạt lở… từ sớm, từ xa, với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất; thành lập các đoàn do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó ở các địa phương; quyết định lập Ban Chỉ đạo tiền phương để trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão…
Yên Bái là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do đợt mưa lũ, thiên tai hiện nay. Đặc biệt, Yên Bái có hồ thủy điện Thác Bà - một trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, nằm ở 2 huyện Lục Yên và Yên Bình.
Tính tới chiều tối 11/9, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Yên Bái đã có 44 người thiệt mạng và mất tích, 23 người bị thương. Tỉnh ước giá trị thiệt hại tài sản khoảng 820 tỷ đồng.
Về công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục thiệt hại, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung thực hiện nghiêm các chỉ đạo, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.
Tổng số lực lượng huy động tham gia khắc phục hậu quả của thiên tai là trên 30.835 người; 129 máy xúc, 14 máy ủi, 63 xuồng máy, 24 thuyền máy, 11 thuyền nan, 38 máy phát điện, 168 máy cưa xăng….
|
Thủ tướng hỏi thăm các đơn vị Công an đang giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ |
Cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện xuống hiện trường thực hiện công tác tìm kiếm nạn nhân bị thương vong do sạt lở đất, đưa nạn nhân bị thương đi cấp cứu, đồng thời hỗ trợ tạm thời cho gia đình có người bị chết 25 triệu đồng/người; hỗ trợ gia đình có người bị thương 5 triệu đồng/người.
Tỉnh đã di dời 12.008 hộ dân có nhà bị hư hỏng và 21.288 hộ dân có nhà bị ngập để đảm bảo an toàn. Thành phố Yên Bái và các huyện bị ảnh hưởng nặng, nhất là các địa bàn bị cô lập đã triển khai mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, đồng thời tiếp nhận hàng cứu trợ từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân để cứu trợ cho các hộ trong vùng ngập lụt.
Số lượng hàng hóa cứu trợ ước tính có: Gạo 2 tấn; bánh mỳ, bánh ngọt 3.500 cái; giò 300 kg; cơm, xôi 5.000 suất; mỳ tôm 3.000 thùng; nước uống 3.500 thùng; lương khô 1.000 hộp; sữa 500 thùng...
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ tại Trường THPT Lý Thường Kiệt, TP. Yên Bái |
Riêng với đập thủy điện Thác Bà, ngày 10/9, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch UBND 3 tỉnh: Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn đập.
Trưa cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đang đi thị sát tình hình lũ lụt và công tác ứng phó tại tỉnh Bắc Giang, đã dừng lại để họp trực tuyến với các điểm cầu, trong đó một nội dung trọng tâm là bảo đảm an toàn đập Thác Bà. Ở thời điểm đó, mực nước thượng lưu hồ thủy điện Thác Bà đang ở mức rất cao, lưu lượng đến hồ vượt quá khả năng xả lũ thiết kế của hồ.
Nhấn mạnh tinh thần là đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Thành Long tiếp tục ở lại Yên Bái, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ, quyết định các vấn đề liên quan. Tỉnh Yên Bái và các địa phương khác chủ động lên phương án di dời người dân có thể bị ảnh hưởng tới nơi an toàn, cùng các bộ, ngành, cơ quan liên quan chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu, kể cả tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Yên Bái và lực lượng quân đội, công an phối hợp, bằng mọi cách để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại các địa bàn bị chia cắt, chủ động, sáng tạo tìm cách tiếp cận, kể cả phương án sử dụng trực thăng.
Tỉnh Yên Bái đã cho di dời 3.186 hộ với 11.279 nhân khẩu của 24 thôn, tổ ở các xã Vĩnh Kiên, Yên Bình, Hán Đà, Đại Minh, thị trấn Thác Bà (huyện Yên Bình) để đảm bảo an toàn cho người dân khi Nhà máy thủy điện Thác Bà xả lũ.
Đến nay, thủy điện Thác Bà an toàn, lưu lượng nước về hồ đã giảm dần.
|
Sau khi kiểm tra tình hình, động viên người dân và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại phường Hồng Hà, Thủ tướng đã tới thị sát khu vực sạt lở làm 2 người mất tích tại phường Nguyễn Thái Học, TP. Yên Bái.
Thủ tướng ân cần thăm hỏi bà con đang cùng lực lượng vũ trang, các lực lượng tình nguyện dọn dẹp đường phố đang còn ngập bùn đất. Chia sẻ với những thiệt hại, mất mát của bà con, Thủ tướng hỏi thăm, biểu dương tinh thần tích cực của các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ đang hỗ trợ nhân dân dọn dẹp bùn đất. Thủ tướng chỉ đạo tỉnh cần huy động toàn lực lượng, cả hệ thống chính trị vào cuộc dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Gặp một số cháu học sinh đang tình nguyện giúp đỡ các gia đình, khu phố dọn dẹp, Thủ tướng biểu dương tinh thần nhiệt tình của các cháu, mong các cháu vận động các bạn tích cực tham gia hỗ trợ; đề nghị bà con nhân dân tích cực vào cuộc với tinh thần "ai có công giúp công, ai có của giúp của".
Thăm các trường mầm non, trung học phổ thông, Thủ tướng ân cần hỏi thăm các cô giáo đang dọn dẹp bùn đất; yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường hỗ trợ lực lượng, cố gắng cho các cháu đi học trở lại. Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm cải thiện đời sống vật chất của đội ngũ giáo viên, trong đó có giáo viên mầm non, nhất là có chủ trương, giáo viên mầm non là đối tượng cần được điều chỉnh tăng lương.
Thủ tướng rất mừng vì trong bão lũ Trường Mầm non Ánh Dương cũng là địa điểm lánh nạn của khoảng 170 người; mong Hiệu trưởng, các cô giáo tiếp tục tham gia hỗ trợ người dân còn đang ở đây.
|
Thủ tướng động viên người dân khu vực sạt lở làm 2 người bị vùi lấp tại phường Nguyễn Thái Học, TP. Yên Bái |
Thăm trụ sở Công an phường Hồng Hà, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng điều thêm lực lượng lên hỗ trợ Yên Bái khắc phục hậu quả bão lũ. Biểu dương tinh thần hỗ trợ nhân dân, địa phương khắc phục hậu quả mưa bão. Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn, mất mát của người dân; mong bà con phát huy tinh thần "tương thân tương ái", giúp đỡ lẫn nhau trong lúc hoạn nạn; mong bà con yên tâm vì có chính quyền, các lực lượng vũ trang luôn hỗ trợ; nêu rõ, lúc này, bà con nhân dân cần phải tăng cường đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Thăm bà con nhân dân ở đường Điện Biên, phường Nguyễn Thái Học, nơi xảy ra vụ sạt lở khiến 2 người đang bị vùi lấp, Thủ tướng mong bà con sớm ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh; biểu dương cấp ủy, chính quyền quyết liệt di dời nhiều người dân đến nơi an toàn trước khi xảy ra sạt lở vào đêm.
Trưa 12/9, tại Yên Bái, sau khi kiểm tra tình hình thực tế, thăm hỏi, động viên người dân và các lực lượng đang làm nhiệm vụ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định tình hình, đời sống người dân và khôi phục sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định tình hình, đời sống người dân và khôi phục sản xuất kinh doanh trên địa bàn |
Báo cáo Thủ tướng trong cuộc làm việc nhanh tại trụ sở Tỉnh ủy Yên Bái, lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Yên Bái cho biết, do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nên từ ngày 5 đến 11/9, các khu vực trong tỉnh Yên Bái có mưa to và rất to. Trên sông Thao tại Yên Bái mực nước đo được cao nhất là 35,73 m, trên báo động 3 là 3,73 m (trên mức lũ lịch sử năm 1968 là 34,42 m); trên sông Chảy tại Thác Bà mực nước cao nhất là 29,05 m (trên báo động 3 là 7,05 m); mực nước Hồ Thác Bà tại thời điểm sáng ngày 11/9 đạt đỉnh 59,84 m, vượt mức cảnh báo cấp 2.
Hoàn lưu của cơn bão số 3 đã gây ảnh hưởng trực tiếp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đối với khu vực dọc sông Hồng (gồm các huyện Văn Yên, Trấn Yên và TP. Yên Bái), mưa lớn cùng với lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Hồng đổ về gây ngập úng, dềnh nước kéo dài. Đặc biệt, TP. Yên Bái có 15/15 phường, xã bị ngập, có nguy cơ sập cầu Yên Bái, trong đó có 8 xã, phường bị ngập hoàn toàn; huyện Trấn Yên có 12 xã bị cô lập do ngập nước và nhiều xã của huyện Văn Yên ngập sâu.
Đối với khu vực sông Chảy (gồm 16 xã của huyện Lục Yên và 22 xã của huyện Yên Bình), mưa lớn cùng nước từ thượng nguồn đổ về dẫn đến mực nước hồ Thác Bà lên nhanh; thời điểm ngày 10/9, nước hồ Thác Bà dâng cao; việc điều tiết, xả lũ gây ngập úng các xã vùng hạ lưu Thủy điện Thác Bà tại huyện Yên Bình. Mưa lũ đã tàn phá nặng nề hệ thống giao thông của huyện Lục Yên, gây sạt lở nhiều tuyến đường xã, thôn, sạt lở taluy vùi lấp nhiều hộ dân; nhiều khu vực bị cô lập, chia cắt, khó tiếp cận để cứu nạn cứu hộ.
Đối với khu vực các huyện phía Tây (gồm Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu), do địa hình chia cắt bởi các suối, ngòi, nhiều dãy núi cao, lượng mưa lớn, kéo dài nhiều ngày, toàn bộ lượng nước mưa đổ về Ngòi Thia gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại nhiều điểm.
Về thiệt hại, toàn tỉnh có 2.700 điểm sạt lở đất tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố; trong đó, riêng TP. Yên Bái có gần 1.000 điểm. Đặc biệt, đã xảy ra sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng tại xã Tân Phượng, huyện Lục Yên gây chết 9 người. Đến nay, đã có 40 người chết, 4 người mất tích, 23 người bị thương. Bão cũng gây thiệt hại lớn về nhà ở, nông nghiệp, hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng y tế, giáo dục, điện, nước, thông tin liên lạc.
Thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo; đình hoãn, tạm dừng các cuộc họp, hội nghị không thật sự cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tập trung ứng phó với bão, lũ.
Cùng với việc phân bổ, sử dụng hiệu quả 20 tỷ đồng hỗ trợ tạm thời của Chính phủ, tỉnh Yên Bái đã chủ động bố trí trên 46 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ khẩn cấp cho các lực lượng và nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tổng số lực lượng được huy động tham gia khắc phục hậu quả thiên tai là trên 100.000 người (gồm lực lượng quân đội, công an, dân quân, thanh niên, phụ nữ và các lực lượng tình nguyện khác).
Về phương tiện, đã huy động hàng nghìn phương tiện của Quân khu 2, công an, quân đội, các sở, ngành, các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn và các tổ chức tình nguyện trong và ngoài tỉnh (máy xúc, xúc lật, xe lội nước, xuồng máy, thuyền nhẹ, ô tô, máy phát điện, máy bơm nước...) tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; trong đó, đã huy động được hàng trăm tàu, thuyền, xuồng máy, cano của Quân khu 2, các tỉnh Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Ninh... và các câu lạc bộ cứu hộ, thể thao dưới nước hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực bị ngập lụt. Trưng dụng các điểm trường học, nhà văn hóa, trụ sở cơ quan, khách sạn, nhà nghỉ... để bố trí chỗ ở tạm thời cho người dân bị, các hộ gia đình.
Tỉnh đã di dời và bố trí chỗ ở tạm thời cho gần 13.000 hộ gia đình nằm trong vùng nguy hiểm, có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất; gần 60.000 người có nhà bị ngập sâu trong nước đến nơi an toàn. Trong vòng 6 tiếng đã di dời gần 11.000 người khu vực hạ lưu hồ Thác Bà (có nguy cơ ngập úng khi vỡ đập). Khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân mất tích, hỗ trợ an táng cho những người chết do mưa lũ, sạt lở đất.
Tỉnh hỗ trợ người bị thương nặng 5 triệu đồng/người; hỗ trợ đối với gia đình có người chết, người mất tích với mức hỗ trợ 25 triệu đồng/người. Hỗ trợ tạm thời cho 100% hộ gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn là 40 triệu đồng/hộ; hỗ trợ nhà bị hư hỏng nặng là 20 triệu đồng/hộ.
Về giao thông, đã khắc phục một số điểm sụt sạt tại 4 tuyến Quốc lộ; 175/200 điểm sạt lở đất tại 14 tuyến đường tỉnh. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam mở lối rẽ tạm thời tại Km 128+500, cao tốc Nội Bài - Lào Cai để kịp thời tiếp cận sớm, thực hiện cứu trợ đối với các xã, thị trấn đang bị cô lập trên địa bàn huyện Trấn Yên.
Ngay sau khi nước rút, các lực lượng tại chỗ và nhân dân các địa phương đã tổ chức hót dọn bùn đất, di chuyển đồ đạc, tài sản, dựng lại nhà cửa. Bố trí vị trí đổ thải hàng triệu tấn bùn, rác thải tại các địa điểm phù hợp. Đồng thời, lực lượng y tế đã phối hợp với các lực lượng tăng cường của tỉnh tổ chức phun tiêu độc khử trùng các khu vực bị ảnh hưởng.
Đến sáng 12/9, tỉnh đã tiếp nhận hỗ trợ của hàng trăm đoàn ủng hộ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân (chưa tính các đoàn ủng hộ trực tiếp); tiếp nhận hỗ trợ của hàng chục tổ chức và cá nhân đăng ký và đã ủng hộ chuyển khoản bằng tiền mặt với số tiền gần 20 tỷ đồng; kịp thời phân bổ cho các huyện để kịp thời hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bão lũ.
Về hồ Thác Bà, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hiện lưu lượng về hồ khoảng 2.700m3/giây, giảm mạnh so với lúc cao điểm và từ chiều nay, có thể tính phương án đưa người dân đã di dời trở về nhà.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức kiểm tra, rà soát, cảnh báo những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, các công trình giao thông, thủy lợi có nguy cơ mất an toàn; thông báo đến các thôn bản và người dân biết để chủ động phương án phòng ngừa; nghiêm cấm mọi phương tiện và người dân đi qua nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; tuyên truyền, vận động nhân dân không đi lại, vớt củi khi có mưa lũ, chưa trở về nhà khi chưa an toàn; tiếp tục rà soát, di dời các hộ dân ở những khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn.
Cùng với đó, bố trí lực lượng phương tiện trực, hỗ trợ người dân tiếp cận các bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở khám chữa bệnh để kịp thời cứu chữa; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ hậu sự cho gia đình các nạn nhân thiệt mạng do thiên tai, bão lũ, sạt lở đất. Huy động tối đa lực lượng, máy móc, phương tiện, nhất là phương tiện đường thủy, đáp ứng đầy đủ nhiên liệu xăng, dầu phục vụ việc khôi phục các hoạt động sản xuất, học tập, làm việc của người dân và doanh nghiệp. Phấn đấu, đến hết ngày 15/9, các cơ sở giáo dục, y tế, cơ quan hành chính sẽ cơ bản trở lại hoạt động bình thường.
Thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo ổn định đời sống cho các hộ dân bị ảnh hưởng; khẩn trương khắc phục, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, như: Giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, thông tin liên lạc; có biện pháp khắc phục sản xuất các diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng.
Tổ chức cuộc vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, "lá lành đùm lá rách", quyên góp, thiết thực ủng hộ, giúp đỡ các gia gia đình, cá nhân bị nạn khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra. Tiếp nhận hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức và có kế hoạch phân bổ cho các địa phương bảo đảm thiết thực, hiệu quả, công khai, minh bạch.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc |
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết chuyển lời thăm hỏi, chia buồn của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới gia đình, cơ quan, đơn vị và địa phương có thiệt hại, mất mát về người, tài sản do mưa bão, lũ lụt, gây ra.
Thủ tướng biểu dương Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Yên Bái đã chủ động, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương về phòng chống, khắc phục hậu quả mưa bão, thiên tai; biểu dương các lực lượng chức năng đã tích cực hỗ trợ địa phương, đặc biệt là di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm.
Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cấp ủy, chính quyền các cấp, người dân của Yên Bái và các cơ quan, lực lượng, địa phương liên quan đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn cho hồ thủy điện Thác Bà. Đến nay, chúng ta đã không phải sử dụng tới phương án cho tình huống xấu nhất.
Thời gian tới, với tinh thần "đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết", mục tiêu "không để ai bị đói, bị rét, bị khát, không có chỗ ở", Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục tập trung lực lượng cứu hộ, cứu nạn tìm kiếm người mất tích, cứu chữa những người bị thương, chăm lo cho người ốm, tiếp tế cho những nơi bị chia cắt, phòng chống sạt lở với tinh thần cảnh giác cao độ, thực hiện chu đáo các chính sách với những người thiệt mạng.
Cùng với đó, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đưa những người đi sơ tán trở về nhà khi an toàn, lo nơi ở mới an toàn cho những người mất nơi ở; tập trung, triển khai ngay việc dọn dẹp, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; bảo đảm lương thực, thực phẩm, nước sạch, quần áo, thuốc men cho nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu rà soát thống kê thiệt hại tài sản để có phương án khắc phục; sửa chữa các trường học, bệnh viện để các cháu sớm được trở lại trường, người bệnh được chăm sóc; khắc phục ngay các thiệt hại, sự cố về điện, nước, viễn thông, các khu công nghiệp, sinh kế, sản xuất, kinh doanh.
Về giao thông, Bộ Giao thông vận tải lo khôi phục các tuyến quốc lộ lớn, những tuyến đi qua địa bàn thì Yên Bái lo, đường đi qua huyện nào thì huyện đó lo, đi qua xã nào thì xã đó lo.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quan điểm "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.
Thủ tướng cũng biểu dương các cách làm sáng tạo như dùng UAV tiếp tế nhu yếu phẩm; cảm ơn người dân đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, nhân văn, hỗ trợ lẫn nhau, ngoài mỳ tôm, bánh mì… còn tổ chức gói bánh chưng, giò…, đưa thuyền bè ủng hộ đồng bào vùng thiên tai.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương, Thủ tướng yêu cầu lực lượng Quân đội, Công an có thể điều động thêm người từ nơi khác, tích cực tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ địa phương nhanh chóng ổn định tình hình.
Bộ Y tế lo vệ sinh môi trường, hướng dẫn, cung cấp sinh phẩm, vật tư y tế phòng chống dịch. Bộ Giáo dục và Đào tạo lo cùng địa phương sửa chữa trường học, không để học sinh thiếu sách giáo khoa, đồ dùng học tập.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tính toán lại số thiệt hại về lúa, hoa màu, nhanh chóng hướng dẫn bà con khôi phục canh tác, nuôi trồng thuỷ sản, vật nuôi.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng nghiên cứu giãn, hoãn, khoanh nợ, đảo nợ, hỗ trợ lãi suất và tiếp tục cho người dân vay để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ngành Bảo hiểm phải chi trả bảo hiểm nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp; ngành Tài chính nghiên cứu các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chăm lo bảo đảm an sinh xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm, hướng dẫn bảo đảm môi trường, chống sạt lở.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng với lực lượng vũ trang tích cực tham gia dọn dẹp, vệ sinh môi trường, nhanh chóng ổn định tình hình, kêu gọi việc hỗ trợ người dân. Thủ tướng cho biết trong ngày hôm nay sẽ phân bổ 50 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Yên Bái./.