Một thị trường rộng mở trong tương lai
Theo PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), mối quan hệ giữa Liên bang Nga với các quốc gia ASEAN và các nền kinh tế mới nổi đã được hình thành thông qua sự tương tác nhiều chiều của các yếu tố kinh tế, bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng của toàn cầu hóa, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu trong những năm gần đây.
Thương mại giữa ASEAN và Nga đạt khoảng 20 tỷ USD năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của ASEAN sang Nga là 12,6 tỷ USD với lĩnh vực dẫn đầu là máy móc và thiết bị điện tử. Chỉ trong vòng 5 năm, từ năm 2016-2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Liên bang Nga đã tăng gấp đôi về trị giá, đạt 5,5 tỷ USD vào năm 2021, tương ứng tăng trưởng bình quân 15%/năm.
ASEAN là một trong các khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, trở thành đối tác thương mại đầy tiềm năng đối với mọi quốc gia. BRICS (trong đó có Nga) cũng là nhóm quốc gia lớn, chiếm tổng cộng hơn 40% dân số thế giới và 25% GDP toàn cầu.
|
PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) |
PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê nhấn mạnh: "Nga là một cường quốc có nhiều thế mạnh kinh tế, đặc biệt là về tài nguyên thiên nhiên, kinh tế số và công nghiệp về năng lượng. Việc hợp tác kinh tế giữa Nga, ASEAN và BRICS đã mang lại nhiều thành công nhất định. Có thể kể đến như Tuyên bố Sochi, đưa quan hệ ASEAN-Nga trở thành quan hệ đối tác chiến lược, hoặc các thành tựu về thương mại giữa Nga-Trung Quốc (thương mại song phương đạt 240 tỷ USD năm 2023), Nga-Ấn Độ (thương mại song phương đạt 55 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2023), Nga- Braxin (Nga là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Braxin năm 2022)…
Quan hệ thương mại giữa các quốc gia trong các khu vực này vẫn còn tiềm năng và triển vọng phát triển mạnh mẽ, có thể tạo ra một thị trường rộng mở trong tương lai, mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên".
Năm 2023 đánh dấu mốc kỷ niệm 5 năm Quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga với ASEAN. Trong quá trình chuyển đổi của hệ thống kinh tế toàn cầu hiện nay, Nga đặc biệt quan tâm đến việc tạo ra các động lực bổ sung để tăng cường và đa dạng hóa thương mại cũng như hợp tác kinh tế với ASEAN. Các ưu tiên bao gồm đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng, kinh tế tuần hoàn, các vấn đề môi trường, số hóa kinh tế, phát triển thành phố thông minh và tăng cường hợp tác trong khoa học và giáo dục.
Chính vì vậy, theo PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Diễn đàn được kỳ vọng sẽ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam và Liên bang Nga về phát triển kinh tế bền vững, những vấn đề, cơ hội và thách thức mà Việt Nam đang gặp phải. Từ đó giúp tăng cường, làm sâu sắc hơn nữa sự hiểu biết, mối quan hệ tốt đẹp, bền chặt trên nhiều lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN và trên thế giới, hướng tới việc hoàn thiện một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam trong những năm tiếp theo.
|