Thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Thứ ba, 25/06/2019 16:22
(ĐCSVN) - Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phải tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước; phấn đấu cùng Vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ là hai đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất và phát triển năng động của cả nước.
Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Ngày 25/6, tại Hưng Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ về kết quả đạt được thời gian qua. Vùng đóng góp hơn 32% GDP cả nước. Đặc biệt, đây là vùng duy nhất trong 4 vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước có 100% các tỉnh, thành phố trong vùng có điều tiết về ngân sách Trung ương.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ chưa cao, chưa bền vững; tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của vùng có xu hướng giảm (từ gần 51% năm 2016 xuống còn khoảng 47% năm 2018).

Sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn manh mún, nhỏ lẻ vẫn là phổ biến, liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh còn rất yếu; trình độ canh tác, công nghệ sơ chế, chế biến còn lạc hậu… Tình trạng ô nhiễm môi trường ở đô thị, nông thôn, lưu vực sông, làng nghề, cụm công nghiệp… rất phức tạp. Việc di dân vào Hà Nội đã gây quá tải kết cấu hạ tầng.

Khu vực công nghiệp chủ yếu phát triển chiều rộng, đóng góp của khoa học kỹ thuật, năng suất các yếu tố tổng hợp còn hạn chế. Một số địa phương vẫn tập trung vào khai thác tài nguyên, gia công. Các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, logistics, dịch vụ cao cấp phát triển chưa tương xứng.

Việc gắn kết giữa các dự án FDI và doanh nghiệp trong nước tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chưa có tính chất lan tỏa. Phần lớn (gần 65% số vốn) các dự án FDI thường tập trung vào các lĩnh vực, các ngành có nhiều ưu đãi đầu tư, nhân công giá rẻ.

Phát triển các dự án công nghiệp tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh (với các dự  án lớn của Samsung, LG, Microsoft, Canon...) và mới dừng lại ở gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp.

Các hoạt động hợp tác liên kết nội vùng và giữa các vùng chưa thật sự chủ động, hiệu quả. Chất lượng tăng trưởng và mức độ lan tỏa của Vùng KTTĐ chưa thực sự rõ nét. Chỉ số PCI, PAPI ở một số  địa phương còn thấp.

Cấu trúc không gian phát triển Vùng KTTĐ Bắc Bộ còn hình thành thụ động, chưa rõ nét theo định hướng (như Hà Nội chậm phát triển các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Xuân Mai; Hải Phòng và Quảng Ninh được quy hoạch là khu du lịch mang tầm cỡ vùng và quốc gia nhưng chưa được tập trung đầu tư...).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị.

Về định hướng phát triển vùng KTTĐ Bắc Bộ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, phải tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước; phấn đấu cùng vùng KTTĐ Nam Bộ là hai đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất và phát triển năng động của cả nước.

Về định hướng phát triển và xác định ngành nghề trụ cột ưu tiên, quy hoạch phân bổ không gian phù hợp hơn. Danh mục dự án hạ tầng liên kết vùng, cả nội vùng và kết cấu ngoại vùng cần làm rõ hơn. Cần có cơ chế thu hút đầu tư từ Trung ương, địa phương, đầu tư xã hội và đặc biệt là đầu tư tư nhân. Cần có thể chế liên kết vùng, cơ chế phối hợp vùng; liên kết trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ rõ nét hơn. Mục tiêu phát triển của vùng phải là đi đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đi đầu trong 3 đột phá chiến lược và đặc biệt là cơ cấu lại nền kinh tế trên tinh thần là phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường.

Làm rõ hơn mô hình tăng trưởng, đó là kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Làm tốt hơn dịch vụ logistic. Chúng ta cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung trong cuộc cách mạng 4.0, Thủ tướng nói. Là vùng có dân trí cao, nên cần phát huy giá trị văn hóa, con người, coi đây là thế mạnh, tiềm năng cần khơi dậy.

Vùng cần làm rõ hơn đột phá về tăng trưởng xanh như công nghệ cao, môi trường tốt.

Quan tâm phát triển đô thị là một động lực tăng trưởng, đồng thời tiếp tục xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chống tham nhũng, lãng phí. Không chỉ lo vấn đề kinh tế mà cần quan tâm đến cả vấn đề xã hội, an toàn cho người dân.

Về thể chế điều hành và mô hình vùng, Thủ tướng cho biết, sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các cơ quan liên quan, đề xuất mô hình cụ thể, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp các ý kiến phát biểu, các đề xuất tại Hội nghị, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các giải pháp chủ yếu phát triển vùng KTTĐ Bắc Bộ./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực