Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới

Thứ năm, 11/05/2017 10:07
(ĐCSVN) - Nhận lời mời của Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới Klaus Schwab (Cờ-lau-xơ Sơ-oáp), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN) tại Phnom Penh (Phnôm Pênh), Campuchia, từ ngày 11-12/5/2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Klaus Schwab (Ảnh: TTXVN)

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế, cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Hàng năm, Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề kinh tế - phát triển và thời sự toàn cầu. Diễn đàn quan trọng nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới là Hội nghị thường niên được tổ chức vào cuối tháng 1 hàng năm tại Davos, Thụy Sỹ. 

Bên cạnh Hội nghị Davos, hàng năm Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu như: Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á, Diễn đàn Kinh tế thế giới về Mỹ La tinh, Diễn đàn Kinh tế thế giới về Trung Đông… Các diễn đàn khu vực này là nơi trao đổi và phân tích, đánh giá các vấn đề phát triển của khu vực. 

Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2017 diễn ra trong bối cảnh ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập. Với chủ đề “Thanh niên, Công nghệ và Tăng trưởng: Phát huy các lợi thế của ASEAN về nhân khẩu học và công nghệ số”, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2017 là diễn đàn để cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tiến trình phát triển của ASEAN, nhận diện những thuận lợi, khó khăn của ASEAN trước những biến chuyển mạnh về kinh tế, khoa học - công nghệ đang diễn ra trên thế giới và trong khu vực. 

Diễn đàn năm nay thu hút hơn 600 đại biểu, trong đó có Thủ tướng các nước: Campuchia, Lào, Việt Nam, Tổng thống Philippines... tham dự. Chương trình nghị sự của Diễn đàn tập trung vào đánh giá tiến trình phát triển và hội nhập của ASEAN, những vấn đề đặt ra cho giai đoạn phát triển sắp tới của ASEAN. Diễn đàn sẽ thảo luận nhiều vấn đề phản ánh sự quan tâm của giới doanh nghiệp đối với ASEAN như: định vị ASEAN trong bối cảnh mới về địa chính trị và kinh tế toàn cầu, triển vọng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với các nước ASEAN trong lĩnh vực giáo dục, lao động, năng lực cạnh tranh, kinh tế số, phát triển đồng đều và bao trùm trong ASEAN… 

Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới có quan hệ hợp tác từ năm 1989 khi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tham dự WEF Davos 1989. Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã gặp Tổng thư ký Tổ chức Thuế quan và Thương mại Thế giới (GATT) Anthur Dunnkel và hình thành chủ trương gia nhập GATT từ đó. Đến nay, Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos và Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á. Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới Philipp Roesler đã có các chuyến thăm Việt Nam vào ngày 28/11/2014, ngày 22/7/2015 và ngày 25/4/2016. 

Diễn đàn Kinh tế thế giới là diễn đàn đối thoại quan trọng của Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu thế giới. Bên cạnh việc tham dự để quảng bá quốc gia, Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới đã mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực như: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hợp tác trong nông nghiệp, công nghiệp. Việt Nam chủ động đăng cai các hội nghị khu vực của Diễn đàn Kinh tế thế giới… Hiệu quả quan hệ Việt Nam với Diễn đàn Kinh tế thế giới ngày càng được tăng cường với các nội dung thiết thực. 

Việc tham gia các Hội nghị, đặc biệt là Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos và Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN, đã góp phần quảng bá các thành tựu phát triển chính sách, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Tại nhiều hội nghị, Việt Nam đã tổ chức các buổi tiếp xúc giữa lãnh đạo Chính phủ với các doanh nghiệp, là kênh trao đổi trực tiếp với các tập đoàn hàng đầu thế giới. Sáng kiến tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Mê Công (tháng 10/2016) nhằm quảng bá tiểu vùng Mê Công đến cộng đồng các tập đoàn hàng đầu thế giới. Diễn đàn thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu, trong đó có các lãnh đạo cấp cao và bộ trưởng kinh tế các nước Mê Công, hơn 100 đại biểu doanh nghiệp thành viên Diễn đàn Kinh tế thế giới và các doanh nghiệp trong khu vực. Sáng kiến này đã được đánh giá cao, thu hút sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp thành viên Diễn đàn Kinh tế thế giới. 

Việt Nam tham gia Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2017 nhằm quảng bá hình ảnh một nền kinh tế năng động, quyết tâm cải cách và hội nhập quốc tế, chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển; góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN và khu vực; thúc đẩy quan hệ hợp tác đang phát triển tích cực giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới. Đặc biệt, Việt Nam là nước đăng cai Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018. Trong dịp Hội nghị lần này, Việt Nam sẽ nhận bàn giao vai trò nước chủ nhà của Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực