|
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. |
Ngày 19/12, tại Hà Nội, Báo Thế giới và Việt Nam phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tổ chức Hội thảo "Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới". Đây là sự kiện diễn ra nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948 - 10/12/2024).
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. Tham dự Hội thảo có gần 80 đại biểu đến từ các cơ quan, ban, ngành trực tiếp tham gia vào công tác thông tin đối ngoại về quyền con người như Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Ngoại giao, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), đại diện Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền và các cơ quan báo chí…
Hội thảo gồm hai phiên: “Thông tin đối ngoại và quyền con người: Mối liên kết nằm ở đâu?” và “Giải pháp thúc đẩy thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới”.
Công tác thông tin đối ngoại về quyền con người được triển khai mạnh mẽ
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ nhấn mạnh, hiện nay, cùng với những thành tựu to lớn của đất nước, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác thông tin đối ngoại về quyền con người cần thẳng thắn nhìn nhận và cùng nhau tìm ra giải pháp khắc phục càng sớm càng tốt. Trong đó phải kể đến việc đề cao công tác chủ động thông tin, xây dựng lòng tin, tạo các luồng thông tin có lợi. Bên cạnh đó, công tác thông tin các vấn đề liên quan đến quyền con người còn chậm, bị động trước thông tin của báo chí nước ngoài. Các sản phẩm thông tin đối ngoại về thành tựu trong đảm bảo quyền con người ở Việt Nam vẫn còn thiếu về cả số lượng lẫn các sách đa ngữ; chưa tận dụng tốt việc ứng dụng sách điện tử trong thông tin, tuyên truyền. Việc số hoá hoặc xây dựng cơ sở dữ liệu về quyền con người ở Việt Nam hiện còn phân tán, chưa thống nhất nên chưa tạo được nguồn cơ sở cho hoạt động thông tin.
“Ngoài ra, các tác động khách quan đến từ tình hình quốc tế và khu vực, những yếu tố an ninh phi truyền thống (như dịch bệnh, thiên tai, sự lớn mạnh và chi phối của truyền thông Internet, mạng xã hội) cũng tác động trực tiếp, đặt ra những khó khăn cho công tác đảm bảo quyền con người nói chung và công tác thông tin đối ngoại về quyền con người nói riêng”, Thứ trưởng chỉ rõ.
|
Quang cảnh Hội thảo. |
Trong bối cảnh đó, để đẩy mạnh công tác truyền thông đối ngoại trong lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam hiện nay, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh chúng ta cần phải có “cách làm mới” với những chính sách cụ thể và linh hoạt trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay.
Thứ nhất, cần xác định việc triển khai thực hiện công tác thông tin đối ngoại, trong đó có lĩnh vực quyền con người, là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan. Theo đó, cần tạo sự đồng bộ, thống nhất trong nhận thức và đổi mới tư duy, cách làm ở tất cả các cấp, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị và đội ngũ cán bộ được giao nhiệm vụ làm công tác thông tin đối ngoại về quyền con người.
Thứ hai, công tác tuyên truyền đối ngoại, trong đó bao gồm tuyên truyền đối ngoại về quyền con người cần có hình thức sáng tạo hơn để thuận lợi chinh phục công chúng, chính giới nước ngoài và bạn bè quốc tế. Lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại cần là lực lượng đi đầu, chủ công, kể những câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam, quyết tâm “đưa Việt Nam tới gần thế giới và đưa thế giới tới gần Việt Nam”.
Thứ ba, công tác truyền thông về quyền con người trong nước cần có sự nhạy bén về đối ngoại, tính đến thời điểm, bối cảnh tuyên truyền và quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước. Đây là một vấn đề cần hết sức lưu ý nhằm không chỉ đạt được hiệu quả tuyên truyền mà còn góp phần thúc đẩy điểm đồng, sự ủng hộ Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.
Thứ tư, chiến lược truyền thông đối ngoại về quyền con người cần tập trung vào các lĩnh vực mà đất nước đạt được nhiều thành tựu như xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, quyền trẻ em, quyền của người khuyết tật, quyền tiếp cận giáo dục và y tế... Quyền con người là một khái niệm rộng lớn, vì vậy việc tập trung quảng bá, lan toả các thành tựu trong lĩnh vực quyền con người vào các lĩnh vực cụ thể là rất quan trọng.
Cuối cùng song cũng không kém phần quan trọng, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho rằng chúng ta phải tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và báo chí nước ngoài trong lĩnh vực truyền thông đối ngoại nhằm đấu tranh và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, qua đó thúc đẩy hình ảnh quốc gia, nâng cao nhận thức quốc tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và xây dựng một môi trường đối thoại công bằng trên các diễn đàn quốc tế.
Thông tin đối ngoại - mặt trận quan trọng trong bảo vệ và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định, thời gian qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở trong nước và tại các cơ chế nhân quyền quốc tế, nổi bật là việc Việt Nam trúng cử và đóng góp quan trọng tại cơ chế Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu được quốc tế ghi nhận, một số quốc gia, tổ chức, cá nhân, vì các lý do khác biệt về hệ tư tưởng và do di sản lịch sử để lại, còn có cách nhìn nhận đánh giá định kiến, tiếp cận các thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền Việt Nam. Lợi dụng tình hình này, các thế lực thù địch đã sử dụng các phương tiện truyền thông như các kênh báo đài Việt ngữ ở hải ngoại, các kênh truyền thông xã hội để lan truyền thông tin sai sự thật, bịa đặt, vu cáo tình hình nhân quyền của Việt Nam.
|
Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát biểu tại Hội thảo. |
Ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, công tác thông tin đối ngoại là một bộ phận quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng, công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân; là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh rèn luyện và trực tiếp triển khai phục vụ sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong suốt tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, thông tin đối ngoại đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước, tạo dựng và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân toàn thế giới, góp phần vào những thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước cũng như kiến thiết quốc gia. Thông tin đối ngoại bao gồm thông tin chính thức về Việt Nam, thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam, thông tin tình hình thế giới về Việt Nam và thông tin giải thích, làm rõ, đấu tranh, phản bác thông tin sai lệch về Việt Nam. Với vai trò đó, thông tin đối ngoại đã góp phần quan trọng, trở thành một trong những mặt trận đấu tranh chủ lực trong việc làm cho thế giới hiểu đúng, hiểu rõ về Việt Nam nói chung và đấu tranh, phản bác những thông tin sai lệch trên lĩnh vực quyền con người nói riêng.
Để đáp ứng phương châm theo yêu cầu của Bộ Chính trị về thông tin đối ngoại “Chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”, công tác thông tin đối ngoại về quyền con người được truyền thông trên cả hai phương diện gồm: truyền thông dòng chính (báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản, trên các phương tiện truyền thanh cơ sở…) và truyền thông xã hội (chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội).
"Trong đó, truyền thông dòng chính là thành phần quan trọng trong hệ thống chính trị - kinh tế - xã hội, là công cụ để điều hành, quản lý, chỉ đạo của quốc gia, là nguồn cung cấp tri thức mọi mặt cho công chúng, là phương tiện hữu hiệu để mở rộng giao lưu hiểu biết giữa các quốc gia, dân tộc", ông Đinh Tiến Dũng chỉ rõ.
Trong những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng đang gặp nhiều trở ngại, thách thức. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, các vấn đề an ninh phi truyền thống là những thách thức lớn đe dọa sự ổn định và phát triển ở nhiều quốc gia, khu vực, trong đó có Việt Nam. Những tác động từ bên ngoài ít nhiều đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội, sự ổn định, bền vững của đất nước. Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, ý chí tự lực, tự cường luôn là sức mạnh nội sinh cho đất nước đạt được những thành tựu kinh tế vô cùng ấn tượng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước suốt gần 4 thập kỷ qua. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội chính trị vẫn triệt để lợi dụng vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để gia tăng các hoạt động chống phá, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Do đó, cần quán triệt sâu sắc công tác thông tin đối ngoại và công tác nhân quyền là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng; kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, bảo đảm và đấu tranh nhân quyền là một thể thống nhất, trong đó, giữ vững ổn định bên trong là nền tảng để đấu tranh ngoại giao trên lĩnh vực nhân quyền; tiếp tục nâng cao tính chủ động trong công tác định hướng thông tin, định hướng dư luận về nhân quyền, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền về quyền con người.
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. |
Trong bối cảnh thực tiễn quốc tế và trong nước đan xen cả cơ hội, lẫn thách thức nhất là trong lĩnh vực quyền con người, hơn bao giờ hết, công tác thông tin đối ngoại cần phát huy vai trò, đóng góp tích cực, hiệu quả cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, tuyên truyền những thành tựu thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam, đấu tranh phản bác, chống lại các quan điểm sai trái, thù địch, giữ gìn sự ổn định chính trị, góp phần vào thành công của công cuộc phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng và hạnh phúc, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./.