Thúc đẩy và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ ba, 22/08/2017 11:49
(ĐCSVN) - Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim (Bi-na-li In-đi-rim) tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22-24/8/2017.
Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp về kinh tế và thương mại giữa Việt Nam
và Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra tại Hà Nội tháng 7/2017. (Ảnh: chinhphu.vn)

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ phát triển tốt đẹp kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ (Republic of Turkey) nằm giữa châu Á và châu Âu, phần lớn lãnh thổ thuộc châu Á. Bắc giáp Hắc Hải, Đông Bắc giáp với Ác-mê-ni, Gờ-ru-di-a, Đông giáp I-ran, Nam giáp I-rắc và Xi-ri, Tây Nam giáp Địa Trung Hải, Tây Bắc giáp Hy Lạp và Bun-ga-ri. Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ để nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Trung Đông và Liên minh châu Âu (EU).

Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 7/6/1978. Tháng 2/1997, Thổ Nhĩ Kỳ lập Đại sứ quán tại Hà Nội. Tháng 10/1999, Việt Nam chính thức mở Văn phòng Đại diện Thương mại tại I-xtan-bun. Tháng 7/2002, Việt Nam mở Tổng Lãnh sự quán tại I-xtan-bun. Tháng 10/2003, Việt Nam nâng Tổng Lãnh sự quán tại I-xtan-bun lên cấp Đại sứ quán và chuyển về Thủ đô An-ca-ra của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thời gian qua, hai nước luôn duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực.

Là nền kinh tế lớn thứ 17 và có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều lợi thế với tài nguyên thiên nhiên phong phú, công nghiệp khai khoáng phát triển. Mỗi năm, nước này khai thác 900 nghìn tấn crôm (đứng đầu thế giới) cùng một số khoáng sản khác.

Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại hàng đầu của ta tại Trung Đông. Năm 2016, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 1,51 tỷ USD (trong đó ta xuất 1,36 tỷ USD). Đây là cửa ngõ để hàng xuất khẩu Việt Nam: gạo, cao su, chè, may mặc, giày dép, hàng điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ… vào thị trường Trung Đông và EU. Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng cung cấp cho Việt Nam phôi thép, sắt thép, vật liệu xây dựng, bông, hóa chất, phụ tùng ôtô…

Đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam còn thấp với 15 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký khoảng 704 triệu USD, đứng thứ 26 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Tháng 6/2016, Hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines) đã mở tiếp đường bay I-xtan-bun – Hà Nội (Chuyển tiếp qua TP. Hồ Chí Minh) với tần suất 7 chuyến/tuần. Trước đó, hai nước đã ký kết các hiệp định về vận chuyển hàng không, vận tải biển, tránh đánh thuế hai lần. 

Tại Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp về kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra tại Hà Nội tháng 7/2017, hai bên đã thống nhất tích cực ủng hộ nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, tăng cường trao đổi đoàn các cấp và mở rộng các hoạt động đối ngoại dưới nhiều hình thức. Hai bên nhất trí đặt mục tiêu phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 4 tỷ USD vào năm 2020; mở rộng hợp tác để hỗ trợ các hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; thống nhất nhiều nội dung thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư, hải quan, tiêu chuẩn chất lượng; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khác như năng lượng, chế biến thực phẩm, xây dựng, máy móc thiết bị... 

Với nền tảng quan hệ chính trị, ngoại giao của hai nước ngày càng được củng cố vững chắc thông qua các chuyến thăm các cấp, khung pháp lý cho các hoạt động hợp tác đang được tích cực hoàn thiện, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nhằm phát triển quan hệ nhiều mặt giữa hai nước.

Chuyến thăm còn là dịp hai bên trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực khác; trao đổi về các vấn đề khu vực quốc tế mà hai bên cùng quan tâm./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực