Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018. (Ảnh Quang Hiếu)
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế-xã hội tháng 1 năm 2018; các Báo cáo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Báo cáo đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Báo cáo thẩm tra về các nội dung đề nghị xây dựng dự án Bộ Luật lao động (sửa đổi), dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch; về thời điểm ban hành Nghị định quy định bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Báo cáo về sự cần thiết xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ; việc tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định của Nghị định số 115/2005/NĐ-CP và Nghị định số 96/2010/NĐ-CP đến hết năm 2018 đối với các tổ chức khoa học công nghệ chưa phê duyệt phương án tự chủ theo Nghị định số 54/2016/NĐ-CP và một số báo cáo, nội dung quan trọng khác.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, với sự nỗ lực, chủ động của các bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội có sự chuyển biến tích cực ngay trong tháng đầu năm 2018 với những ấn tượng mạnh mẽ về một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt được.
Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng giá tiêu dùng được kiểm soát thấp hơn cùng kỳ năm 2017 (CPI tháng 1 tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2017). Việc điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ kết hợp chặt chẽ với kỷ luật, kỷ cương tài khóa và đồng bộ các chính sách khác tiếp tục phát huy hiệu quả; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thanh khoản tốt, mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm; thu hút đầu tư nước ngoài tuy thấp hơn cùng kỳ nhưng giải ngân vốn FDI đạt khá.
Tình hình sản xuất kinh doanh các khu vực chủ yếu của nền kinh tế trong tháng diễn biến tích cực, trong đó khu vực công nghiệp tiếp tục là điểm sáng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2018 tăng cao (tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2017). Khu vực dịch vụ, du lịch tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trong tháng tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017; tổng lượng khách quốc tế đến nước ta ngay trong tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 1,43 triệu lượt khách. Xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2018 ước đạt 19 tỷ USD, tăng 33,1%; nhập siêu trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thủ tục đăng ký kinh doanh tiếp tục được đơn giản hóa, thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp được rút ngắn. Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân được quan tâm bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Các bộ, ngành và địa phương đã khẩn trương ban hành các văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết và quyết tâm thực hiện ngay từ những tháng đầu năm 2018. Tính đến ngày 31/1/2018, đã có 19 bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và 53 địa phương ban hành chương trình hành động, chỉ thị, văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị quyết; 55/56 bộ, ngành, cơ quan trung ương và 53/63 địa phương triển khai, phân giao kế hoạch đầu tư công năm 2018.
“Những kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong tháng 1 là tích cực, nhiều chỉ tiêu đạt tốt. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, lơ là, thỏa mãn mà phải có nhận thức đúng đắn, phải tiếp tục hành động quyết liệt để đạt được những kết quả cao hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018
Sau khi phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phát triển kinh tế là cuộc đua đường trường, chúng ta có cơ hội phát triển tốt, nhưng khả năng hiện thực đến đâu, phụ thuộc vào sự đổi mới, sáng tạo, quyết tâm vượt lên của tất cả chúng ta. Vì vậy từng thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải bám sát chủ đề của năm 2018, khẩn trương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ Nghị quyết số 01. Bộ ngành, địa phương nào chưa ban hành Chương trình hành động thì phải ban hành ngay để tổ chức thực hiện.
Các cấp, các ngành phải tập trung cao độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ, công việc đề ra; quyết tâm hành động, nói đi đôi với làm, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương; chủ động theo dõi, đánh giá tình hình để có những phản ứng chính sách nhanh hơn, tốt hơn; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; nỗ lực phấn đấu ngay từ đầu năm để thực hiện thành công, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2018. Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018, trong đó hết sức quan tâm tập trung rà soát, chỉ rõ các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế - xã hội cần phải sửa đổi ngay.
Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành hữu quan khẩn trương xây dựng Kịch bản tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực và cả nước theo quý; có kế hoạch, giải pháp, phân công thực hiện cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước Tết nguyên đán (ngày 14/2/2018). Đồng thời, khẩn trương xây dựng ngay Hệ thống chỉ tiêu cụ thể phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành từng ngành, lĩnh vực, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2018.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng đẩy nhanh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Nghiên cứu, có giải pháp khơi thông và nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng các nguồn lực ngoài nhà nước. Khẩn trương quyết toán các dự án BOT để xem xét mức thu phí phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng; mặt khác cũng phải cương quyết xử lý nghiêm những đối tượng, cá nhân, thậm chí những tổ chức phản động nấp bóng phía sau để kích động, phá hoại chủ trương về xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực này.
Tiếp tục điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất; quản lý chặt chẽ thị trường ngoại tệ, thị trường vàng; tăng dự trữ ngoại hối. Quyết liệt xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; quan tâm phát triển tín dụng tiêu dùng, tài chính vi mô để góp phần kích thích sản xuất phát triển. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là tín dụng bất động sản và chứng khoán. Năm 2018 vẫn phải là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện giảm các loại phí trong đó có cước phí vận tải.
Tăng cường kỷ luật tài chính-ngân sách nhà nước (NSNN); tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu, nợ đọng thuế; xử lý và ngăn chặn hiệu quả buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá. Triệt để tiết kiệm chi NSNN, nhất là chi hội họp, đi công tác trong nước, nước ngoài, mua sắm trang thiết bị đắt tiền... Thúc đẩy sự phát triển ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán. Theo dõi chặt chẽ tình hình biến động giá cả, thị trường; kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về giá, gây biến động giá bất thường, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy nhập khẩu, kiểm soát nhập siêu. Cần có những giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn nhằm tạo sự đột phá cho phát triển công nghiệp, đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ để tăng nhanh năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đạt chuyển biến rõ nét, thực chất trong cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu, đặc biệt là khâu giống và kỹ thuật canh tác, chế biến nông sản, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, gắn với thị trường. Tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn những mặt hàng nông sản tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển. Phát triển nông nghiệp đi đôi với phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản.
Các bộ ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp cả về lượng và chất. Đẩy mạnh quảng bá, tiếp cận các thị trường du lịch quốc tế; nghiên cứu phát triển đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch.
Quyết liệt hơn nữa trong cải cách hành chính, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính; đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo Nghị quyết Trung ương; xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, chuyên nghiệp, chất lượng cao theo tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phục vụ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành ngay trong quý I/2018 nghiên cứu, đề xuất tổ chức một số hội nghị chuyên đề của Chính phủ về thúc đẩy phát triển trong một số lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực logistic, nâng cao năng suất lao động, phát triển ứng dụng công nghệ cao, kinh tế chia sẻ, công nghiệp hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp FDI, phát triển du lịch, phát triển kinh tế tư nhân,...
Về lĩnh vực xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quan tâm, tập trung chăm lo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Có các giải pháp cụ thể, hiệu quả trong bảo đảm lao động cho doanh nghiệp, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; tổ chức tốt, hỗ trợ cho công nhân về quê ăn Tết và trở lại doanh nghiệp làm việc đúng thời hạn. Tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu; chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh du lịch, tại các lễ hội. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ngay tại cấp cơ sở, không để khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên Trung ương.
Không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí, xã hội, góp phần định hướng dư luận. Các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong lao động, sản xuất ngay từ những ngày đầu của năm mới. Tăng cường kỷ luật phát ngôn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thông tin, chống lại các thông tin xấu, độc, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Về chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sắp tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chăm lo Tết cho nhân dân, không để người dân bị thiếu đói, mất điện, nhất là vùng bị thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Không để ai bị bỏ lại phía sau, bị bỏ đói, đứt bữa, sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất”, không có Tết vui tươi, đầm ấm. Bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết dồi dào, chất lượng và giá cả phù hợp; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Ngân hàng phải cung ứng đủ tiền và đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán và hệ thống ATM trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên "tranh thủ" cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội...
Quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo Trung ương về việc tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội. Việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội, mừng Xuân... cần thiết thực, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động thu lợi bất chính; xử lý kiên quyết với những hành vi làm sai lệch giá trị, bản chất của lễ hội. Cán bộ, công chức không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội.
Các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện chế độ ứng trực và thông tin báo cáo theo quy định; nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh. Đẩy mạnh công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phòng chống nạn đua xe trái phép, đốt pháo nổ, cờ bạc… Kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm các phương tiện, chất lượng dịch vụ giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân về quê ăn Tết và đi lễ hội; chủ động làm tốt công tác bảo đảm an toàn giao thông.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động trong thời gian trước, sau Tết./.