Tích cực, chủ động chuyển đổi số hoạt động công chứng

Chủ nhật, 18/12/2022 19:00
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ngày 18/12, tại Hà Nội, Hiệp hội công chứng viên Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ II với sự tham dự của 235 đại biểu, đại diện cho khoảng 3.100 công chứng viên toàn quốc.

Báo cáo tại Đại hội do Chủ tịch Hội đồng công chứng viên toàn quốc Tuấn Đạo Thanh trình bày nêu rõ, nhiệm kỳ thứ I Hiệp hội đã đạt những kết quả nhất định, đáng ghi nhận, phát huy được vai trò, thực hiện khá tốt chức năng đại diện, tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; thực hiện đúng chế độ tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Chỉ đạo Hội công chứng viên các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện hiện tốt công tác bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm; soạn thảo đề thi, xây dựng đáp án, tham gia Hội đồng kiểm tra, Ban chấm thi viết và vấn đáp kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng do Bộ Tư pháp tổ chức.

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo Đại hội (Ảnh: Minh Đức).

Hiệp hội cũng tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào nhiều văn bản quy phạm pháp luật nói chung, văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực công chứng nói riêng do Bộ Tư pháp chủ trì và các bộ, ngành liên quan xây dựng; thực hiện tốt các hoạt động hợp tác quốc tế về công chứng.

Giai đoạn 2019 - 2021, tổng số việc công chứng đã chứng nhận, chứng thực là 19.062.719, tổng số phí công chứng đã thu là 7.392.912.760.661 đồng (trong đó số thù lao công chứng đã thu là 985.793.382.215 đồng), số tiền nộp ngân sách/thuế của các tổ chức hành nghề công chứng là 1.111.510.695.348 đồng.

Để hoạt động nhiệm kỳ II đạt hiệu quả, chất lượng, Hiệp hội đề ra một số phương hướng, nhiệm vụ. Theo đó, nâng cao vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi của hội viên và kiểm tra, giám sát hội viên; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động nghề công chứng. Hiệp hội đóng vai trò tích cực, chủ động trong quá trình chuyển đổi số hoạt động công chứng; đẩy mạnh hoạt động hợp tác về công chứng ở trong nước, quốc tế theo văn bản đã ký kết và quy định của pháp luật.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ghi nhận và biểu dương thành tích mà các công chứng viên, các tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên đã đạt được thời gian qua.

Đồng chí chỉ rõ: Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đề ra nhiều chủ trương quan trọng, trong lĩnh vực công chứng, Nghị quyết xác định: “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng…; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội…”. Như vậy, thời gian tới, yêu cầu, nhiệm vụ đối với hoạt động công chứng sẽ ngày càng cao hơn.

Nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp mà Đại hội đề ra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Hiệp hội tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực công chứng, nhất là Nghị quyết 27-NQ/TW; Nghị quyết 172/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng, đảm bảo phát huy đầy đủ, trọn vẹn hơn vai trò của hoạt động công chứng trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Định hướng phát triển phải bảo đảm tính bền vững, lấy nguyên tắc an toàn pháp lý cao nhất cho các hợp đồng, giao dịch là điều kiện hàng đầu và thước đo giá trị cho hoạt động này, đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm đối với xã hội, người dân.

Hiệp hội cần phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành Tư pháp, các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về công chứng, pháp luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, chú trọng thu hút, huy động trí tuệ của đội ngũ công chứng viên, chủ động tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp cụ thể về chuyển đổi số trong hoạt động công chứng, góp phần thiết thực triển khai Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia”.

Ngoài ra, chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, các cơ quan của Hiệp hội, các Hội công chứng viên ở địa phương theo hướng khoa học, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, đảm bảo thông suốt, thông nhất.

Hiệp hội cần có giải pháp cụ thể để đảm bảo tối đa quyền, lợi ích chính đáng của hội viên; phối hợp với Bộ Tư pháp tập trung phát triển đội ngũ công chứng viên có chất lượng, số lượng phù hợp với nhu cầu xã hội, có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

 Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội nhiệm kỳ II ra mắt Đại hội (Ảnh: Anh Tuấn)

Đồng thời, Bộ Tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò tham mưu giúp Chính phủ trong quản lý Nhà nước về công chứng; bảo đảm vai trò định hướng, điều tiết của Nhà nước trong việc hỗ trợ phát triển nghề công chứng; nghiên cứu chuẩn hóa quy trình, thủ tục công chứng gắn với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch trên môi trường điện tử.

Các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong quá trình sửa đổi, bổ sung các đạo luật liên quan đến hoạt động công chứng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản..., đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong các quy định về các giao dịch, hợp đồng phải công chứng; chia sẻ thông tin trong các cơ sở dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, đất đai, bất động sản, đảm bảo các hoạt động công chứng được thực hiện chính xác, thuận lợi, nhanh chóng, chi phí thấp, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa rủi ro, tranh chấp, tăng cường quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực đất đai, bất động sản, nhà ở, tránh thất thu thuế.

“UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo Sở Tư pháp, các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời tạo các điều kiện cần thiết nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng tại địa phương”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Căn cứ kết quả tại phiên họp nội bộ chiều ngày 17/12, Ban Thường vụ (gồm 15 thành viên), Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội nhiệm kỳ II đã ra mắt Đại hội. Công chứng viên Nguyễn Chí Thiện (Hội công chứng viên thành phố Hà Nội) được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp hội công chứng viên nhiệm kỳ II./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực