Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

*Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Thứ năm, 03/03/2022 19:09
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Môi trường kinh doanh là một trụ cột quan trọng của cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển; đóng góp có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế của địa phương và của quốc gia. Với tầm quan trọng đó, Chính phủ xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; được thực thi xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương.

Để thúc đẩy triển khai có hiệu quả các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị “Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” nhằm giới thiệu những nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 02/NQ-CP; trao đổi về kết quả và bài học kinh nghiệm trong cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh; thảo luận về các vấn đề của doanh nghiệp và các đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc triển khai Nghị quyết. Hội nghị diễn ra ngày 3/3 với cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các tổ chức quốc tế; đại diện các viện nghiên cứu, các trường đại học, các công ty tư vấn, hiệp hội doanh nghiệp/ hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia và các cơ quan báo chí. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông và Giám đốc USAID Ann Marie Yastishock đồng chủ trì Hội nghị.

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu khai mạc (Ảnh: MPI)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định: Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, an toàn theo thông lệ quốc tế cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; đồng thời thực hiện vai trò đôn đốc, theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả thực thi của các Bộ, ngành, địa phương.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ hàng năm ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014-2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP các năm 2019-2021).

Cũng phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc USAID Ann Marie Yastishock cho biết, USAID đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng và thực hiện các Nghị quyết 19/NQ-CP và 02/NQ-CP kể từ năm 2014 đến nay. Hai bên đã cùng nhau góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam như đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, quản lý và kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi kê khai và nộp thuế cũng như đơn giản hóa các thủ tục, tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp.

 Quang cảnh Hội nghị tại Melia, Hà Nội (Ảnh: MPI)

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị nêu rõ, tại Việt Nam, thời gian qua, với nỗ lực cải cách của các Bộ, ngành và địa phương, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu được nâng lên, tạo được niềm tin cho nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cụ thể là: Năng lực cạnh tranh 4.0 (của Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF) xếp thứ 67/141 (năm 2019), tăng 10 bậc so với năm 2018; Đổi mới sáng tạo (của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO) giữ thứ hạng tốt, ở vị trí 44/132 (năm 2021); Chính phủ điện tử (của Liên hợp quốc - UN) xếp thứ 86 (năm 2020), tăng 2 bậc so với năm 2018; Phát triển bền vững (của UN) xếp thứ 51/165 năm 2021, tăng 37 bậc so với năm 2016; An toàn an ninh mạng (của Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU) xếp thứ 25/194 (năm 2020), tăng 25 bậc so với năm 2018.

Mặc dù dịch bệnh tác động nặng nề, song trong năm 2021, có gần 160.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Chất lượng môi trường kinh doanh cải thiện tích cực cũng được thể hiện rõ qua kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tuy mức độ cải thiện là khác nhau giữa các lĩnh vực.

Tuy nhiên, cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19 có xu hướng chững lại. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc. Năm 2021 so với năm 2020, nhiều chỉ số giảm điểm hoặc giảm bậc, như: Đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc (từ thứ 42 xuống 44); Phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 49 xuống 51); Quyền tài sản giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 78 xuống 84); Cảm nhận tham nhũng giảm 8 bậc (từ thứ 96 xuống 104).

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhất trí trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn, cần khơi dậy động lực, tạo áp lực cải cách và cần sự đồng hành của nhiều bên. Một số chuyên gia đã phân tích, từ cuối năm 2019, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta có xu hướng chững lại; việc cải cách điều kiện kinh doanh đã thực hiện trên văn bản, nhưng chưa có đánh giá về hiệu quả thực thi; ngành nghề kinh doanh có điều kiện tuy thu gọn về số lượng, nhưng chưa thực chất; việc cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành cũng chững lại mặc dù nội dung này có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu và khai thác lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do; số lượng dịch vụ công trực tuyến theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cải thiện mạnh mẽ nhưng thực tế thực thi còn hình thức. Đáng chú ý, nỗ lực cải cách ở một số địa phương chưa rõ nét, còn hình thức, chưa thực sự bám sát với thực tiễn doanh nghiệp, các yếu tố thị trường chưa vận hành hiệu quả. So với các nước ASEAN, Việt Nam có điểm số và thứ hạng chỉ số tự do kinh tế rất thấp. Thêm nữa còn bất cập về chất lượng quy định pháp luật như: chính sách, pháp luật hay thay đổi, thiếu ổn định; năng lực soạn thảo chính sách, pháp luật còn hạn chế; còn hiện tượng lồng ghép lợi ích trong soạn thảo văn bản pháp luật; cách thức xây dựng pháp luật còn bất cập; rào cản về thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

 Các điểm cầu trực tuyến (Ảnh chụp màn hình)

Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện tỉnh Quảng Ninh đã chia sẻ một số cách làm mới trong hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp theo hướng đổi mới, hiệu quả và thích ứng nhanh, linh hoạt với các chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Tỉnh cũng đã thành lập tiểu ban sản xuất và lưu thông hàng hóa và Trung tâm Chỉ huy, Bộ phận Thường trực của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 đặt tại trụ sở UBND tỉnh, đứng đầu là đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh. “Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong, mạnh dạn trao quyền cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp “đo lường” chính bộ máy chính quyền điều hành cấp cơ sở (gọi tắt là DDCI Quảng Ninh) thông qua “lá phiếu” điều tra, từ đó tạo được sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính quyền và cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong tham gia ý kiến, đánh giá và tiếp thu, điều chỉnh nhằm tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng điều hành, ngày càng sát hơn với nhu cầu thực tiễn của nhà đầu tư, doanh nghiệp” – vị đại diện phát biểu.

Được biết, tại Quảng Ninh, hoạt động xúc tiến đầu tư “tại chỗ” được các cấp, các ngành tập trung triển khai hiệu quả thông qua đẩy mạnh hỗ trợ các dự án đầu tư đang triển khai tại tỉnh. Đa dạng kênh thông tin trên mạng xã hội để tiếp thu thông tin chủ động từ cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp… theo đúng tinh thần cầu thị mong muốn công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng đi vào thực chất và chiều sâu, hướng tới sự phát triển bền vững.

 Quang cảnh điểm cầu Vĩnh Long (Ảnh: PV)

Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ tiếp tục ban hành hàng năm Nghị quyết số 02/NQ-CP vào đầu năm mới như thông lệ trước đây, thể hiện rõ thông điệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp. Năm nay, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP vào ngày 10 tháng 01 năm 2022. Đây là năm đầu nhiệm kỳ, do đó Nghị quyết được thiết kế tổng thể với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho cả nhiệm kỳ (đến năm 2025) và một số nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2022. Những năm tiếp theo, Nghị quyết xây dựng với các giải pháp cụ thể hơn, phù hợp với các trọng tâm ưu tiên của từng năm.

Cụ thể, Nghị quyết lựa chọn một số vấn đề và nội dung trọng tâm cải cách cho giai đoạn 2022-2025 đáng chú ý như sau: cải thiện các yếu tố của môi trường kinh doanh theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp; cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai; thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ với cải cách hành chính; đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát; chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19; tạo lập thể chế khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, những nỗ lực về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững, là trợ lực hữu hiệu cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển; qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Theo đề xuất của đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại Hội nghị, từ nay đến 2025, cần triển khai 10 nhóm giải pháp trọng tâm bao gồm: Cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; Dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; Tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; Cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai; Thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; Đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát; Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu phát triển bền vững; Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19; Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế gắn với thực hiện cải cách trong nước…/.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực