Tiếp tục quán triệt thực hiện đúng đắn quan điểm, nhiệm vụ cải cách tư pháp

Thứ sáu, 15/12/2017 18:55
(ĐCSVN) – Chiều ngày 15/12, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương họp phiên thứ 4 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trần Đại Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cùng các thành viên Ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cho ý kiến vào Dự thảo báo cáo kết quả công tác CCTP  năm 2018 và Chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo năm 2018; báo cáo của Đảng Đoàn Hội Luật gia Việt Nam về “kết quả hợp tác với UNDP về khảo sát chỉ số công lý và phương hướng xây dựng chỉ số tư pháp”; báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) về việc đổi mới và tăng cường công tác hoà giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính.


 Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: TH).


Nhiều kết quả tích cực trong công tác cải cách tư pháp

Theo dự thảo Báo cáo, trong năm 2017, Ban Chỉ đạo đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP và Chương trình trọng tâm công tác CCTP nhiệm kỳ 2016-2021; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện Chiến lược CCTP theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ động tiến hành kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ CCTP tại địa phương.

Cấp uỷ , tổ chức đảng có liên quan ở trung ương; các tỉnh uỷ, thành uỷ đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc chủ trương “tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược CCTP”; Chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện các chế định về bổ trợ tư pháp và tăng cường công tác quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động thi hành án, thừa phát lại, bán đấu giá tài sản, công chứng, giám định, hộ tịch, lý lịch tư pháp, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đề án vị trí việc làm trong từng cơ quan, đơn vị; xây dựng, hoàn thiện các chế định về bổ trợ tư pháp; triển khai thực hiện công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế trong hoạt động tư pháp theo đúng đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục kiện toàn,đổi mới tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp cấp tỉnh…

Tuy nhiên, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức, hoạt động tư pháp chưa được tiến hành đồng bộ, chưa đáp ứng kịp thời các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tư pháp chưa được tiến hành thường xuyên, chưa đạt hiệu quả thiết thực; công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh chưa được tiến hành đồng bộ; việc triển khai thực hiện các đề án về phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp còn chậm; chưa kịp thời đề xuất với Bộ Chính trị cho ý kiến về cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp; việc chỉ đạo giải quyết một số vụ án trọng điểm ở địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan ở Trung ương; một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo chặt chẽ công tác thi hành án,...

Tại phiên họp, các ý kiến cơ bản tán thành Dự thảo báo cáo kết quả công tác tư pháp năm 2017 và đánh giá cao kết quả đã đạt được trong năm 2017.

Đa số các ý kiến đồng ý về sự cần thiết nghiên cứu xây dựng chỉ số tư pháp, nhất trí với đề xuất giao Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam nghiên cứu Đề án về xây dựng chỉ số tư pháp, phù hợp với Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị. Đồng thời, khẳng định việc phát huy vai trò của hòa giải, đối thoại nhằm quán triệt tinh thần của Nghị quyết số 49 “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài...”. Tuy nhiên, đề nghị cần lập thành Dự án trước khi triển khai thí điểm. Dự án cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng, thời gian, kinh phí, tài liệu, địa điểm triển khai thí điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga ủng hộ chủ trương hòa giải đỡ tốn kém cho ngân sách và tránh  gây bức xúc dư luận. Tuy nhiên, đề nghị xem lại tính pháp lý của Trung tâm hòa giải, nếu hình thành Trung tâm bên cạnh Toà án thì mối quan hệ như thế nào?.

Bảo đảm thực hiện nghiêm túc chủ trương tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược CCTP

Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo ghi nhận kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác của Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2017.

Đề cập đến phương hướng trong năm 2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan trực thuộc Trung ương cần tiếp tục quán triệt thực hiện đúng đắn quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ cụ thể nêu trong Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2016-2021; bảo đảm thực hiện nghiêm túc chủ trương “Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp...” do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thông qua; tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể: Hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp; tiếp tục rà soát, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp; hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của luật, bổ trợ tư pháp; đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giám sát đối với hoạt động của các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ tư pháp; tiếp tục củng cố, mở rộng hợp tác quốc tế…

Về báo cáo, đề xuất của Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch nước nêu rõ: Ban Chỉ đạo đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam về khảo sát chỉ số công lý; cơ bản tán thành phương hướng xây dựng chỉ số tư pháp nêu trong báo cáo của Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, phức tạp, liên quan đến hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống tư pháp; do vậy, trong quá trình triển khai nghiên cứu, đề nghị Hội Luật gia Việt Nam cân nhắc kỹ ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo và Ban Thư ký. Đồng thời, lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức có liên quan, các nhà khoa học, tham khảo thêm kinh nghiệm của nước ngoài để xây dựng được bộ tiêu chí phù hợp, có tính khả thi trình Ban Chỉ đạo xem xét, cho ý kiến trước khi triển khai thực hiện.

Ban Chỉ đạo cơ bản đồng ý giao TANDTC triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và tiến hành thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng. Trên cơ sở đó, đề xuất việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu thực tiễn.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Văn phòng Ban Chỉ đạo, Hội Luật gia Việt Nam, TANDTC có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, để hoàn thiện hai Đề án nêu trên./.

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực