Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường
Cập nhật tình hình tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến rất nhanh, phức tạp, xung đột thương mại tiếp diễn khó lường; ở trong nước, dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống; nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực của 4 tháng đầu năm mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Phiên khai mạc kỳ họp.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 2,74%, thấp nhất trong 3 năm qua. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, đàn gia cầm tăng 7,1%, sản lượng thủy sản tăng 6,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tháng 5 đạt 11,6%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua. Tổng cầu tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%; thu hút khách quốc tế đạt gần 7,3 triệu lượt người, tăng 8,8%. Khu vực FDI khởi sắc với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD, tăng 27,1%; vốn thực hiện đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8%. Xuất khẩu đạt trên 100 tỷ USD, tăng 6,7%. Có gần 54 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,2% về số doanh nghiệp, 29,6% về vốn đăng ký và gần 20 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; đời sống người dân được cải thiện, số hộ thiếu đói giảm 30,5%. Đã triệt phá nhiều vụ án lớn về ma túy, đánh bạc trên mạng… Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức; còn nhiều vấn đề dư luận bức xúc, người dân quan tâm như: đạo đức, văn hóa ứng xử, xâm hại trẻ em, gian lận thi cử, tội phạm ma túy, đánh bạc, giết người, tai nạn giao thông nghiêm trọng…, như Chính phủ đã báo cáo và nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu.
Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát, chủ động ứng phó với diễn biến tình hình quốc tế và trong nước; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trên các lĩnh vực; nỗ lực phấn đấu cao nhất cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 theo Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
trả lời chất vấn trước Quốc hội
Liên quan đến vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm: Thứ nhất, về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh đây là vấn đề được Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, phấn đấu hoàn thành việc giải ngân đầu tư công theo kế hoạch. Tình hình thực hiện và giải ngân thời gian qua đã có chuyển biến; giải ngân 5 tháng đạt gần 100 nghìn tỷ đồng, bằng gần 29% kế hoạch (cao hơn so với cùng kỳ là 27,4%).
Thứ hai, về phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho biết cùng với quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội. Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm phát triển khu vực kinh tế quan trọng này. Ban hành nhiều cơ chế, chính sách; tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành; giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, thuận lợi.
Thứ ba, về khắc phục bất cập trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp triển khai Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, cần đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan. Các kỳ thi thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2016 đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh, giảm chi phí của xã hội.
Thứ tư, về vấn đề đạo đức xã hội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, triển khai Nghị quyết Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều cơ chế chính sách, giải pháp; chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân, xây dựng nếp sống văn hóa tốt đẹp, văn minh trong gia đình, cộng đồng dân cư và toàn xã hội; tăng cường phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, phối hợp chặt chẽ giữa “gia đình, nhà trường và xã hội”. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thứ năm, về công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); ban hành Chỉ thị của Thủ tướng để xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng đã điều tra phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng... Tập trung thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao; khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý kỷ luật nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có các dự án thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm ...
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) đề cập vấn đề ngoại giao văn hoá như một trong ba lĩnh vực ngoại giao quan trọng. Thời gian tới Chính phủ có giải pháp gì để đẩy mạnh ngoại giao văn hoá, góp phần phát triển du lịch Việt Nam bằng Thái Lan, Malaysia, Singapore? Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định hội nhập văn hoá là chủ trương quan trọng bên cạnh hội nhập kinh tế, chính trị. Về ngoại giao văn hóa, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua chiến lược về ngoại giao văn hóa đến năm 2020. Trong đó, tập trung vào việc quảng bá văn hoá Việt thông qua hoạt động của các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thường xuyên tổ chức những ngày hội văn hoá Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục cũng vận động UNESCO công nhận các di sản văn hoá của Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, đã có 38 di sản của Việt Nam được Unesco công nhận là di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong số những nước có nhiều di sản văn hóa được công nhận.
Ngoài ra, nước ta đã nhân những hội nghị quốc tế như APEC 2017, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019 để tăng cường quảng bá nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế. Hiện tại, các đại sứ quán, văn phòng lãnh sự, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng đang nỗ lực để quảng bá du lịch Việt Nam, huy động tối đa các nguồn xã hội hoá để triển khai.
Trả lời câu hỏi chất vấn của ông Nguyễn Anh Trí, (đoàn Hà Nội) về thái độ ứng xử và hành động của Việt Nam trước việc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung ngày một khắc nghiệt, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết đây là quan tâm không chỉ của Việt Nam mà còn của tất cả các nước trên thế giới, bởi cuộc cạnh tranh này có những ảnh hưởng mạnh mẽ tới kinh tế thế giới.
Phó Thủ tướng cho biết, các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá, nếu cuộc cạnh tranh này tiếp tục kéo dài nó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu (đang tăng từ 3,5% xuống còn 3,2%). Đối với một nền kinh tế có độ mở rất lớn, bất cứ một tác động nào của kinh tế, thương mại thế giới cũng sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm, thành lập ban chỉ đạo để đối phó với vấn đề này.
Về ngắn hạn, cạnh tranh hiện nay có thể đẩy mạnh sản phẩm xuất khẩu của chúng ta, nhưng dài hạn sẽ có những tác động đáng kể. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, Việt Nam đã xây dựng nhiều kịch bản, đề án và biện pháp cần thiết để đảm bảo nền kinh tế của chúng ta tiếp tục phát triển, kiềm chế lạm phát, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Tình hình hiện nay cũng đang mở ra xu hướng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam, chúng ta cần có chọn lọc đầu tư, lựa chọn chất lượng, bảo vệ môi trường.
Về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam có đầy đủ căn cứ khẳng định chủ quyền của đất nước tại Hoàng Sa, Trường Sa. Quan điểm của Việt Nam là kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc trên biển đảo. Việt Nam cũng chủ trương, ở Biển Đông có tranh chấp chủ quyền của một số nước và các bên liên quan, việc giải quyết tranh chấp phải trên nguyên tắc hoà bình, theo Công ước luật biển UNCLOS 1982, không làm thay đổi hiện trạng Biển Đông.
Thời gian qua, các hoạt động kinh tế của Việt Nam trên biển vẫn diễn biến, triển khai bình thường, các lực lượng vẫn tăng cường bảo vệ ngư dân trên biển. Việt Nam cũng kiên trì triển khai các biện pháp đấu tranh trên biển...
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (đoàn Đồng Nai) về làm cách nào có thể phát huy hiệu quả từ các cơ hội to lớn của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, nhất là CPTPP để bảo vệ quyền, lợi ích dân tộc, đất nước, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định để thực hiện khi hiệp định có hiệu lực từ đầu 2019.
Cho đến nay, đã có 21 bộ, ngành và 54 địa phương đã xây dựng và đưa các kế hoạch hành động vào hoạt động.Chính phủ đang xây dựng, sửa đổi 8 luật liên quan đến việc thực hiện và cam kết CPTPP. 4 nghị định chi tiết về quản lý ngoại thương, an toàn thực phẩm… Theo đó, thương mại của Việt Nam với một số nước là thành viên CPTTP đã tăng, như với Canada tăng tới 70%, với Nhật Bản tăng 4%.
Ngoài ra, CPTPP là hiệp định tự do thế hệ mới, có nhiều đòi hỏi và tiêu chuẩn cao, đem lại nhiều thách thức cho các doanh nghiệp. Ngay với lĩnh vực dệt may mà Việt Nam có thế mạnh thì cần đảm bảo chặt chẽ tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hoá thì mới có thể tận dụng được những ưu đãi về thuế trong cộng đồng.
Không những vậy, do thị trường ngày càng mở, hàng hóa của Việt Nam cũng sẽ gặp phải nhiều cạnh tranh từ hàng hóa nước ngoài. Trong tranh chấp, có điều khoản cho phép doanh nghiệp nước ngoài có thể khởi kiện Chính phủ nên Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu giám sát chặt chẽ, không để tình trạng này xảy ra.
Phó Thủ tướng Bình Minh đưa ra một số lời khuyên, bao gồm Việt Nam cần phải nâng cao hiệu quả tuyên truyền các cam kết của mình; các doanh nghiệp phải hiểu rõ các thuận lợi và thách thức của CPTPP. Cuối cùng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các doanh nghiệp cần nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.
Trả lời câu hỏi của đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương (đoàn Gia Lai) về nguyên nhân nguồn vốn ODA không được phân bổ hợp lý, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là yêu cầu đối ứng của các nhà cung cấp. Khi vay các nguồn vốn ODA, các cung cấp đều yêu cầu phải có nguồn vốn đối ứng để giải quyết những vấn đề liên quan đến mặt bằng sạch. Trong quá trình triển khai, các địa phương cũng có cam kết về vốn đối ứng. Tuy nhiên, khi thực hiện, tình trạng giải ngân nguồn vốn bị chậm do lập kế hoạch chưa sát.
Nguyên nhân thứ hai là do tính chất và tiến trình của các dự án về nguồn vốn ODA khác nhau. Có dự án được giải ngân nhanh, có dự án nguồn tiền rót về chậm, cùng với việc lập kế hoạch của Việt Nam không tốt, dẫn đến tình trạng phân bổ chưa hợp lý trong các giai đoạn, nhất là với ODA để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông. Trong giai đoạn vừa qua, có tới 50% vốn ODA là dành cho các dự án giao thông. Năng lực của Ban quản lý dự án thường không đáp ứng. Đó là còn chưa kể khó khăn vướng mắc lớn nhất với các dự án xây dựng là giải phóng mặt bằng. Do đó, các dự án sử dụng vốn ODA bị giảm hiệu quả vì kéo dài thời gian, biến động tỷ giá.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) bày tỏ sự lo lắng về các nước thượng nguồn sông Mekong chặn nước làm thuỷ điện, khiến Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nguồn nước ngọt. Trả lời về vấn đề này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, thực tế, Việt Nam nằm ở khu vực hạ lưu sông Mekong nên phụ thuộc phần lớn vào nguồn nước từ bên ngoài đổ về. Trong Ủy hội Mekong quốc tế, có yêu cầu cụ thể là các dự án thuỷ điện chính trên dòng sông cần có thoả thuận của các thành viên trong uỷ hội. Theo đó, các dự án thuỷ điện trên dòng chính của sông Việt Nam đều được tham khảo ý kiến của Việt Nam bởi chúng ta chịu ảnh hưởng lớn nhất của việc này. Trong các dự án này, Việt Nam luôn yêu cầu để ý tới các tác động môi trường, tác động dòng nước trên dòng sông Mekong, yêu cầu sử dụng bền vững nguồn nước của sông, yêu cầu các nước thượng nguồn xả nước để tăng lưu lượng nước về sông Mekong./.