Đây là những sự kiện ngoại giao đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp. Ảnh: TTXVN
Chiều 26/3, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp các cơ quan liên quan nhằm đảm bảo chu đáo công tác chuẩn bị cho sự kiện ngoại giao quy mô lớn này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan đảm bảo tốt nhất công tác chuẩn bị cho các sự kiện này với phương châm hiệu quả, thiết thực, đoàn kết, an toàn. Việc tổ chức thành công GMS - 6 và CLV - 10 sẽ nâng cao uy tín chính trị, vị thế và vai trò Việt Nam trên trường quốc tế, tiếp nối thành công của Năm APEC 2017.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị phát huy trách nhiệm cao nhất của các bộ, ngành, địa phương, đảm bảo thật tốt các khâu chuẩn bị cả về lễ tân, hậu cần, nội dung, an ninh cho các sự kiện quan trọng này. Bộ Ngoại giao làm tốt nhiệm vụ cơ quan đầu mối điều phối toàn bộ các hoạt động chuẩn bị, tổ chức GMS - 6 và CLV – 10.
Thủ tướng lưu ý Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan chú trọng đến công tác lễ tân, hậu cần đối ngoại, đảm bảo tiếp đón chu đáo trang trọng, phù hợp, nhất là đối với các trưởng đoàn tham dự sự kiện; trong quá trình tổ chức phải thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Về công tác nội dung, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan cần chủ động, linh hoạt, giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, chuẩn bị kỹ lưỡng kịch bản chi tiết từng nội dung của các hội nghị; thể hiện tốt vai trò điều hành của nước chủ nhà.
Đối với nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn, số lượng các đại biểu, phóng viên đến tham dự sự kiện lên đến hàng ngàn người tập trung tại Thủ đô Hà Nội. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng không được chủ quan. Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế tổ chức thực hiện chu đáo các vấn đề an ninh, y tế; trong đó, đặc biệt chú ý khâu phòng, chống khủng bố. UBND thành phố Hà Nội chủ động đảm bảo tốt việc gìn giữ vệ sinh, môi trường sạch sẽ, văn minh trước, trong và sau hội nghị.
Thủ tướng lưu ý các cơ quan hữu quan tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ phải được tập luyện chu đáo, không để xảy ra trục trặc, bất ngờ.
Với chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng”, Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 6 đánh dấu 25 thành lập hợp tác GMS, đồng thời xác định hướng đi cho hợp tác nhằm xây dựng khu vực Mekong thịnh vượng, hội nhập và phát triển bền vững.
Việt Nam là thành viên tích cực và chủ động trong cả hai cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng và tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam. Việc Việt Nam đăng cai chủ trì Hội nghị hợp tác tiểu Mekong mở rộng và tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong hợp tác Tiểu vùng Mekong nói chung, hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng và tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam nói riêng.
Theo Bộ Ngoại giao, dự kiến, có khoảng hơn 2.000 đại biểu, 200 tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, các cơ quan truyền thông... tham dự các sự kiện tại Thủ đô Hà Nội lần này.
Đáng chú ý, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa sáng kiến tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh doanh nghiệp GMS với mục tiêu tăng cường đối thoại giữa các doanh nghiệp và Nhà nước, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia dự Hội nghị đã vượt dự kiến của Ban Tổ chức./.