Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự buổi lễ. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Dự lễ có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Tới dự còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành đoàn thể Trung ương và các vị khách quốc tế; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động và đông đảo người dân, du khách thập phương.
Lễ kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt là hoạt động chính trị, văn hóa quan trọng trong năm của tỉnh Ninh Bình nhằm tuyên truyền đậm nét về vị trí, vai trò và giá trị lịch sử to lớn của Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam trong tiến trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc; qua đó khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đã ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc với sự kiện năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư (Ninh Bình ngày nay), lấy niên hiệu là Thái Bình, gắn liền với thiết chế nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mở nền chính thống quốc gia, là tuyên ngôn đanh thép của tinh thần độc lập dân tộc, thống nhất quốc gia. Việc thành lập một Nhà nước quân chủ trung ương tập quyền thống nhất đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nước ta sau nghìn năm Bắc thuộc, mở ra một thiên sử mới trong sự nghiệp dựng nước độc lập, tự chủ của dân tộc ta. Vị trí đặt kinh đô Hoa Lư có diện tích khoảng 300 ha, là vùng chiêm trũng được bao quanh bởi các dãy núi đá vòng cung, cảnh quan hùng vĩ, núi non hiểm trở. Với tầm nhìn của nhà quân sự, Đinh Tiên Hoàng đã triệt để lợi dụng địa thế tự nhiên để xây thành, đắp lũy, nối liền các khoảng trống giữa các núi thành một hệ thống khép kín. Kinh đô Hoa Lư là một công trình kiến trúc lớn nhất của đất nước sau ngàn năm Bắc thuộc. Quốc hiệu Đại Cồ Việt tồn tại trong lịch sử dân tộc 86 năm (968 - 1054), trải qua 3 triều đại: Đinh, Tiền Lê và thời kỳ đầu của nhà Lý. Dưới triều Tiền Lê và thời kỳ đầu của nhà Lý, Nhà nước Đại Cồ Việt tiếp tục phát triển về mọi mặt; nền độc lập, tự chủ của dân tộc được củng cố vững chắc.
Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt là sau khi tái lập tỉnh (năm 1992), dưới ánh sáng của đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo, phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của quê hương Cố đô, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã đoàn kết, năng động, sáng tạo phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả mọi lĩnh vực, trong đó phải kể đến: Kinh tế của tỉnh liên tục có những bước phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần nông nghiệp. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,95%, thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 8.800 tỷ đồng. Tỉnh có 2/8 huyện, thành phố về đích và hoàn thành xây dựng nông thôn mới... Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân và môi trường xã hội lành mạnh; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tập trung lãnh đạo, triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp, tạo sự chuyển biến tích cực.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ.
(Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, Ninh Bình là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, văn hóa trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc, luôn cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng, quật cường trong chiến đấu, góp phần cùng cả nước lập nên những chiến công hiển hách, ghi vào lịch sử dân tộc những trang vàng chói lọi. Phó Thủ tướng một lần nữa khẳng định Nhà nước Đại Cồ Việt có vị trí, vai trò rất lớn lao đối với lịch sử dân tộc; ngay từ buổi đầu thành lập với việc xưng đế, dựng kinh đô, đặt quốc hiệu, định niên hiệu, cho lưu hành đồng tiền riêng, xây dựng thiết chế, Đinh Tiên Hoàng đã lập nên Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử nước ta.
Trong những năm qua, cùng với cả nước, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy sức mạnh đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực; kinh tế tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao...
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Ninh Bình tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ và sức mạnh tổng hợp, khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phấn đấu kinh tế đạt tốc độc tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của khu vực Đồng bằng sông Hồng; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng tỷ trọng công nghiệp làm nền tảng phát triển nhanh và bền vững; sớm xây dựng Ninh Bình là trung tâm du lịch của vùng và cả nước, có tầm quốc tế, sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất, con người Cố đô; tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, nhất là công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ chế biến; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường hợp tác liên kết, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Ninh Bình cần thường xuyên chăm lo phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chính sách người có công với cách mạng, giảm nghèo bền vững, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; phòng chống tham nhũng, lãng phí, bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội, kịp thời giải quyết những khiếu nại, bức xúc, tố cáo của nhân dân, quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Với truyền thống hào hùng, bề dầy lịch sử của quê hương Cố đô, Phó Thủ tướng tin tưởng tỉnh Ninh Bình sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả đạt được, ra sức khắc phục khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, đưa Ninh Bình ngày càng phát triển nhanh và bền vững, góp phần xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chương trình nghệ thuật biểu diễn tại buổi lễ. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Dự lễ kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt, các đại biểu và du khách thập phương còn được hòa mình trong không khí vui tươi, phấn khởi của chương trình nghệ thuật "Rực sáng thiên anh hùng ca Đại Cồ Việt" và chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa tầm cao đặc sắc./.