Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đưa Thủ đô Hà Nội vươn lên bứt phá mạnh mẽ hơn nữa

Thứ sáu, 20/10/2017 17:51
(ĐCSVN) – Sáng 20/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020”.
Quang cảnh buổi làm việc

Chuyển biến toàn diện sau 5 năm thực hiện Nghị quyết

Báo cáo của Đảng bộ Thành phố Hà Nội tại buổi làm việc cho biết, trong 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Thành ủy Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, tạo những bước chuyển biến mới, toàn diện trên các lĩnh vực công tác của Thủ đô.

Trong 5 năm 2011-2015, kinh tế tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 7,57%/năm, vượt khoảng 2,56% so với mức tăng bình quân chung cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 79,4 triệu đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2011. Riêng năm 2016, GRDP tăng 8,2% (quy mô đạt 27,6 tỷ USD). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp); trong đó dịch vụ chiếm 67,09%; công nghiệp - xây dựng 29,69%; nông nghiệp 3,22%. Môi trường đầu tư được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội có cải thiện đáng kể, năm 2016 xếp thứ 14/63 (tăng 37 bậc so với năm 2012).

Tổng thu ngân sách Nhà nước 5 năm đạt trên 755 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 7,3%/năm. Năm 2016, thu ngân sách trên địa bàn đạt 186,95 nghìn tỷ đồng, bằng 110,3% dự toán HĐND Thành phố giao, tăng 16,1% so với năm 2015.

Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị được chú trọng, nhiều lĩnh vực có chuyển biến tích cực. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường được chú trọng. Đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Công tác chỉnh trang đô thị có nhiều đổi mới, hệ thống cây xanh, công viên, thảm cỏ, trang trí chiếu sáng được quan tâm đầu tư xanh - sạch - đẹp hơn.

Sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hà Nội đứng đầu cả nước về chỉ số phát triển con người với nhiều thành tích trong văn hoá, giáo dục, y tế, thể thao, nhất là chất lượng giáo dục đào tạo. Tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố cuối năm 2017 còn 1,7%.

Quốc phòng, an ninh của Thủ đô tiếp tục được củng cố, tăng cường; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, môi trường bình yên; bảo đảm an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, các hoạt động đối ngoại quốc gia, các sự kiện chính trị lớn diễn ra trên địa bàn.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, tạo chuyển biến mạnh, toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động của Đảng bộ. Đảng bộ Hà Nội là đơn vị gương mẫu, đi đầu trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, với nhiều biện pháp, cách làm chủ động, sáng tạo. Thành ủy đã ban hành Kế hoạch và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được triển khai nghiêm túc, chủ động, bài bản, khoa học, đạt kết quả bước đầu quan trọng. Cải cách hành chính được đẩy mạnh; chỉ số CCHC xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT; tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng trong các cơ quan nhà nước đạt trên 94%.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận buổi làm việc

Tuy nhiên, tăng trưởng GRDP; GRDP bình quân đầu người; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu; Tỷ lệ lao động qua đào tạo; nhà ở đô thị bình quân đầu người…chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh Thủ đô; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp. Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất, nhất là đất nông nghiệp còn nhiều và chậm được xử lý. Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ giãn dân khu vực nội đô còn thấp… An toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc cho nhân dân. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ…

Giữ bản sắc riêng của Thủ đô Hà Nội

Tại buổi làm việc, các đồng chí trong Bộ Chính trị và các bộ, ngành Trung ương đã có nhiều ý kiến đánh giá, nhận xét về kết quả thực hiện Nghị quyết 11. Khẳng định những thành tựu nổi bật của Thủ đô trong 5 năm qua, song Bộ Chính trị cũng cho rằng, còn một số chỉ tiêu trong Nghị quyết chưa thực hiện tốt; nhiều điều, khoản trong Luật Thủ đô chưa được triển khai thực hiện tốt.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu, thay mặt Bộ Chính trị phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Bộ Chính trị đánh giá cao việc thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị của thành phố Hà Nội trong 5 năm qua. Hà Nội đã có sự phát triển vươn lên mẽ trên nhiều lĩnh vực, khẳng định được vị thế, vai trò là Thủ đô của cả nước.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Hà Nội có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, là nơi hội tụ các giá trị tinh thần lâu nhất và lớn nhất cả nước. Đây là nguồn lực vô cùng quý giá mà Hà Nội cần tận dụng và phát huy mạnh mẽ hơn để xây dựng, phát triển Thủ đô trong tương lai. “Nói đến Hà Nội là nói đến Thủ đô. Thành phố thì có nhiều mà Thủ đô chỉ có một. Riêng Thăng Long đã có lịch sử hơn 1.000 năm. Nếu tính từ thời An Dương Vương, Cổ Loa thì lịch sử còn lâu đời hơn. Một Thủ đô mà có bề dày lịch sử như thế vô cùng quý giá. Lâu nay tôi cảm thấy chúng ta ít nói đến điều này. Nói đến Thủ đô là nói đến đầu não chính trị, hành chính của quốc gia. Ý nghĩa giá trị lịch sử văn hóa có rất lâu đời, ta chưa khai thác hết. Đây cũng là nguồn lực, nguồn lực tinh thần vô cùng quý giá” – Tổng Bí thư nêu rõ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý Hà Nội trong quá trình phát triển, cần giữ được bản sắc riêng của mình, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. “Điều lo ngại là cứ mải mê làm ăn kinh tế bằng mọi giá mà quên đi, đánh mất các giá trị văn hóa. Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc cũng mất. Làm sao phải giữ được bản sắc riêng của Hà Nội trong quá trình phát triển. Phải giữ được hồn cốt của dân tộc. Chúng ta có khẩu hiệu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, yếu tố thanh lịch đặt lên trước văn minh. Gần đây, chúng ta thường không nhắc đến yếu tố thanh lịch, đây là điều rất đáng tiếc” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Các đồng chí thành viên Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội

Tổng Bí thư lưu ý, Hà Nội cần hết sức chú trọng giữ gìn kỷ cương trật tự xã hội, quản lý dân cư, quản lý xây dựng, quy hoạch, xây dựng nông thôn mới... Trong quan hệ đối ngoại, Hà Nội là bộ mặt của đất nước, nơi đặt cơ quan đại diện ngoại giao của các nước, các tổ chức quốc tế có quan hệ với Việt Nam. Các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương đều đóng tại Hà Nội. Cho nên, Hà Nội phải thật văn minh, lịch sự, làm tốt hơn nữa công tác đối ngoại không chỉ cho Hà Nội mà cho cả nước. 

Đề cập đến công tác xây dựng Đảng, Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị, Tổng Bí thư chỉ rõ, Hà Nội còn nhiều việc phải làm. Đảng bộ Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất cả nước, với gần 40 vạn đảng viên, bao gồm cả lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, nên phải gương mẫu đi đầu, phải là Đảng bộ tiêu biểu của cả nước, kỷ luật kỷ cương phải nghiêm minh, đồng thời thu hút mọi nguồn lực, tinh hoa, chất xám của cả nước và quốc tế để phát triển Thủ đô, để Hà Nội thực sự trở thành thành phố "rồng bay", văn hiến, thanh lịch, hòa bình. 

Đồng ý với phương án tổ chức kỷ niệm 10 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô vào năm 2018, Tổng Bí thư chúc Đảng bộ Thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị và Luật Thủ đô. Tổng Bí thư nhắc nhở, vấn đề đặt ra là triển khai vào thực tế thế nào, trước hết phải chọn một số việc để tập trung thực hiện. Hà Nội cần chủ động hơn nữa, phối hợp, tranh thủ nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành Trung ương, cũng như các địa phương bạn, để có thêm nguồn sinh lực mới, với khí thế mới, quyết tâm mới, đưa Thủ đô Hà Nội vươn lên bứt phá mạnh mẽ hơn nữa./.

Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực