Tổng thống đắc cử Joe Biden tới Washington chuẩn bị cho lễ nhậm chức

Thứ tư, 20/01/2021 11:28
(ĐCSVN) – Theo dự kiến, vào trưa hôm nay (20/1, theo giờ Mỹ), ông Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ tại Điện Capitol ở Washington. Lễ nhậm chức năm nay có chủ đề “Nước Mỹ thống nhất”, được đánh giá là sẽ mang những nét khác biệt chưa từng có tiền lệ, giữa những quan ngại về mối nguy kép từ an ninh và đại dịch COVID-19.
Lực lượng Vệ binh quốc gia làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh ở Washington D.C  trước thềm lễ nhậm chức của ông J.Biden, ngày 19/1. (Ảnh: Reuters) 

Sau vụ bạo động xảy ra ở Tòa nhà Quốc hội Mỹ vào ngày 6/1, an ninh ở thủ đô Washington D.C đã được thắt chặt. Lực lượng Vệ binh quốc gia và binh sỹ có vũ trang đã được điều động tới Tòa nhà Quốc hội.

Hãng tin AP, ngày 19/1 đưa tin, trước những lo ngại về nguy cơ bị tấn công từ bên trong, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã thực hiện các thủ tục quét kiểm tra đối với toàn bộ 25.000 binh sỹ Vệ binh quốc gia làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trong lễ nhậm chức của ông J.Biden. Các quan chức quân đội và tình báo cấp cao của Mỹ cho biết, đã có 2 binh sỹ trong lực lượng Vệ binh quốc gia bị rút khỏi nhiệm vụ do có mối liên hệ với các nhóm dân quân cực hữu. Hiện các nhà chức trách chưa phát hiện ra mối đe dọa nào có thể xảy ra trong lễ nhậm chức.

Do đại dịch COVID-19, buổi lễ diễu hành truyền thống từ Tòa nhà Quốc hội tới Nhà Trắng trong lễ nhậm chức cũng bị hủy bỏ. Quảng trường National Mall trước nhà Quốc hội – nơi thường tập trung đông đảo người dân Mỹ trong các lễ nhậm chức trước đây, năm nay cũng đã bị đóng cửa.

Ngay từ đầu tuần, ban tổ chức sự kiện đã hoàn thành việc trang trí 200.000 lá quốc kỳ, cùng cờ các tiểu bang và vùng lãnh thổ Mỹ trên một màn hình rộng, đại diện cho những người dân không thể tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử, vốn bị hạn chế bởi an ninh thắt chặt và lo ngại dịch bệnh COVID-19. Đó cũng là một lời nhắc nhở về những nhiệm vụ của ông J.Biden trên cương vị người đứng đầu và đưa nước Mỹ bước qua đại dịch, trong bối cảnh những ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19 đang tăng vọt.

Hiện các cựu Tổng thống Mỹ gồm Barack Obama và George W.Bush đã khẳng định tham dự lễ nhậm chức. Tuy nhiên, Tổng thống sắp mãn nhiệm D.Trump tuyên bố ông sẽ phá vỡ thông lệ và trở thành vị Tổng thống đầu tiên trong lịch sử 150 năm qua ở Mỹ không tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm. Ông D.Trump có kế hoạch rời Nhà Trắng để đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida trong sáng 20/1. Phó Tổng thống Mike Pence sẽ là đại diện cấp cao nhất của chính quyền sắp mãn nhiệm đến tham dự lễ nhậm chức của ông J.Biden và bà Kamala Harris.

Ngày 19/1, Tổng thống đắc cử J.Biden cùng gia đình đã đến thủ đô Washington D.C để chuẩn bị cho lễ tuyên thệ nhậm chức. Tại lễ chia tay ngắn ở bang Delaware trước đó, ông J.Biden đã bật khóc khi nhớ lại hành trình dài của mình tới Nhà Trắng cũng như tưởng niệm người con trai đã mất, Beau Biden. Ông J.Biden đã đảm nhiệm Thượng nghị sĩ bang Delaware trong hơn 3 thập kỉ và từng hai lần vận động tranh cử tổng thống không thành công trước khi chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua. Sau khi đến Washington, ông Biden cùng Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris đã tham dự lễ tưởng niệm 400.000 người dân Mỹ thiệt mạng bởi dịch bệnh COVID-19 tại đài tưởng niệm Lincoln.

Sau khi tuyên thệ, ông J.Biden – vị Tổng thống nhiều tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ (78 tuổi), sẽ có bài phát biểu nhậm chức với nội dung chủ đạo nhằm tô đậm lời kêu gọi tinh thần đoàn kết của người dân Mỹ.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đã kết thúc với những diễn biến kịch tính tới tận phút chót và kéo dài trong một khoảng thời gian dài chưa từng có tiền lệ. Trong hơn 2 tháng qua, sự kiện chính trị này luôn là tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận thế giới, từ khâu tranh cử, bỏ phiếu cho tới những thách thức pháp lý và tiến trình chuyển giao quyền lực luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó đoán định. Ông J.Biden lên nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ vào một thời khắc mà đất nước phải đối mặt với nhiều thách thức, từ diễn biến căng thẳng của đại dịch COVID-19 cho tới những chia rẽ chủng tộc và những nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế Mỹ… Điều này đã dự báo về những ngày tháng đầu tiên đầy thách thức của ông J.Biden khi tiếp quản ghế nóng.

Ngay từ những ngày đầu trên nhiệm kỳ Tổng thống, ông J.Biden và các cộng sự có kế hoạch nhanh chóng thúc đẩy việc phân phối vaccine và thông qua gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ USD, trong đó có việc trả lương nhanh chóng cho người lao động Mỹ và tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ. Ngoài ra, ông J.Biden cũng dự định công bố một dự luật nhập cư, với hy vọng mở ra một hành trình mới, có hiệu lực 8 năm cho khoảng 11 triệu công dân đang sinh sống mà chưa có tư cách pháp nhân ở Mỹ, trong một nỗ lực nhằm đảo ngược chính sách nhập cư của người tiền nhiệm.

Tuy nhiên, những tham vọng lập pháp của ông J.Biden cũng được cảnh báo là khó có thể vượt qua “ải” Quốc hội Mỹ - nơi đảng Dân chủ chỉ nắm số ghế khiêm tốn ở cả Thượng viện và Hạ viện. Chưa kể tới khả năng việc thúc đẩy những nỗ lực này sẽ bị trì hoãn do những thủ tục pháp lý liên quan tới tiến trình luận tội lần thứ 2 đối với ông D.Trump./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực