Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình
phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: VPCP
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, đoàn thể, cả hệ thống chính trị và địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nên tình hình trật tự ATGT trên cả nước năm 2017 tiếp tục có chuyển biến tích cực.
Đối với TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, bên cạnh những kết quả mà hai thành phố lớn nhất cả nước đã đạt được, cần nỗ lực hơn nữa trong việc quyết tâm thực hiện kéo giảm TNGT, góp phần quan trọng vào kết quả chung của cả nước trong công tác này.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành bảo đảm ATGT. Vẫn còn một số nơi, cấp uỷ và người đứng đầu chưa sâu sát, thiếu quyết liệt, còn buông lỏng trong quản lý Nhà nước, nhất là trong kiểm soát tải trọng phương tiện. “Chúng ta phải khắc phục cho được tình trạng quá tải trọng gây ra TNGT, nhất là với trẻ em, học sinh. Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tình hình xấu về TNGT. Thời gian vừa qua, chúng ta mới nói chứ chưa làm nghiêm khắc việc này. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về hoàn thành nhiệm vụ với người đứng đầu, trong đó có tiêu chí về ATGT”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề cập đến việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội, tôn giáo để huy động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT, nhất là vai trò của các tổ tự quản tại xã phường, tổ dân phố, khu dân cư. Cần huy động và tổ chức hiệu quả hơn nữa các mô hình hay, điển hình tốt trong công tác bảo đảm ATGT với sự tham gia sâu rộng của nhân dân tại các địa phương, cơ sở.
Về cải tạo đường ngang, xử lý lối đi tự mở trái phép qua đường sắt, đã xoá bỏ được 227 lối đi tự mở. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa cương quyết xử lý lối đi tự mở qua đường sắt, để người dân phá dỡ cọc thu hẹp lối đi tự mở, dẫn đến tai nạn. Điển hình như vụ tai nạn đường sắt tại địa bàn xã Tân Minh, Sóc Sơn, Hà Nội ngày 3/7/2017.
Đồng thời, chấn chỉnh các dự án nạo vét luồng đường thuỷ nội địa kết hợp tận thu cát sỏi và quản lý Nhà nước về khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông. Thời gian qua, tuy đã có những chuyển biến nhưng một số địa phương vẫn còn buông lỏng quản lý, để diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép, ngoài phạm vi được cấp, vi phạm luồng đường thuỷ nội địa và khu vực gần bờ, làm biến đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, gây mất ATGT, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện bảo vệ an toàn kết cấu hạ tầng giao thông, tại một số địa phương tái diễn tình trạng ô tô cơi nới thành thùng chở hàng quá tải, đặc biệt là tại các địa bàn có mỏ vật liệu, nhà máy xi măng, khu vực có các công trường đang thi công và tại các khu vực có cảng, khu công nghiệp.
Việc hướng dẫn, kiểm tra và yêu cầu chủ phương tiện thực hiện quy định pháp luật về quản lý kinh doanh vận tải hiệu quả còn thấp, tình trạng chủ doanh nghiệp vận tải, chủ xe khoán trắng toàn bộ hoạt động khai thác phương tiện cho lái xe, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép còn nhiều vấn đề, cần kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các cơ sở có vi phạm.
Về công tác chống ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, thủ đô Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp lập lại trật tự giao thông đô thị, trong đó chú trọng xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng, lề đường hành lang ATGT, góp phần bảo đảm trật tự, ATGT; đổi mới phương tiện và ứng dụng công nghệ trong quản lý, nâng cao chất lượng vận tải công cộng bằng xe buýt; tổ chức sắp xếp, điều chuyển hợp lý hoá luồng tuyến vận tải hành khách công cộng liên tỉnh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Về các nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt một số nội dung lớn.
Đó là, hoàn thiện thể chế về ATGT với việc tổng kết, xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thống kê, các nghị định khác. Chú trọng sửa đổi các quy định nhằm nâng cao khả năng tạo lập môi trường giao thông an toàn cho trẻ em. Lái xe mà vi phạm nồng độ cồn dứt khoát phải bị xử phạt thật nặng, không cho phép xin xỏ, nhờ vả.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT
năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Ảnh: VPCP.
Tiếp tục xây dựng văn hoá giao thông cho toàn xã hội, trọng tâm là bảo vệ ATGT cho trẻ em và người lớn, nêu gương về văn hóa giao thông với việc đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT phù hợp với chủ đề năm ATGT, tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và những môi trường thanh thiếu nhi; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị-xã hội, tổ chức tôn giáo, hiệp hội nghề nghiệp. Đặc biệt là cần đổi mới chương trình đào tạo để nâng cao kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe khách, xe tải, xe chở container.
Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự ATGT như chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường đầu tư, mua sắm hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách; tiếp tục đầu tư, nâng cấp gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và chất lượng bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, hoàn thiện quy hoạch không gian và sử dụng đất nhằm nâng cao năng lực kết nối, tạo sức hấp dẫn đầu tư, gia tăng việc làm cho các đô thị trung bình. Đặc biệt là giao thông kết nối đến trường học và trung tâm vui chơi của trẻ em. Chọn nhà đầu tư có năng lực, nguồn lực để thực hiện. Không chọn nhà đầu tư kém năng lực, làm ảnh hưởng niềm tin của người dân đối với các công trình giao thông, nhất là hình thức BOT, xử lý nghiêm nếu liên quan đến tiêu cực, lợi ích nhóm.
Tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải với việc nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thành vận tải hành khách bằng đường hàng không; nâng cao năng lực và chất lượng đường thuỷ nội địa, hàng hải, đường sắt.
Phát triển hệ thống vận tải công cộng, khối lượng lớn trong đô thị và kết nối vùng gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh kết nối thuận tiện và gắn với tiến độ đầu tư phát triển các khu đô thị, các trung tâm thương mại và khu dân cư lớn, bảo đảm điều kiện đi bộ và sang đường an toàn cho trẻ em.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT. Đầu tư xây dựng trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị thông minh và các thiết bị ngoại vi với năng lực giám sát, điều hành trực tuyến hoạt động giao thông, điều khiển hệ thống tín hiệu, phát hiện hành vi vi phạm hỗ trợ xử lý vi phạm, trước hết tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh sau đó là mở rộng áp dụng cho các đô thị khác.
Nhiệm vụ cụ thể của các bộ ngành, đoàn thể và địa phương đã được quy định cụ thể trong Kế hoạch năm 2018 của Ủy ban ATGT Quốc gia, các bộ ngành, đoàn thể và địa phương có kế hoạch triển khai hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ.
Trước đó, sáng 3/1, tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám (Hà Nội), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và TP. Hà Nội đã phát động Lễ ra quân Năm ATGT 2018 và bảo đảm ATGT dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất./.